Hiểu về nỗi đau để giải thoát tinh thần: Vì sao cơ thể lại cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi khi trải qua tổn thương tình cảm?

07/12/2019 10:16 AM | Sống

Thực tế là, những thay đổi của cơ thể dưới áp lực gây nên bởi nỗi buồn và sự đau lòng khiến người ta mất mạng.

Theo các nhà khoa học, một trái tim tan vỡ theo nghĩa bóng có thể khiến tim bạn vỡ, theo nghĩa đen. Kiểu bệnh lý liên quan tới áp lực và sự đau khổ này còn được gọi là Takotsubo Cardiomyopathy, bắt nguồn từ một từ tiếng Nhật có nghĩa là "bẫy bạch tuộc". Sở dĩ có cái tên này là do tâm thất trái của người bệnh sẽ bị yếu đi và có dạng như bẫy bạch tuộc của người Nhật. Đây có thể xem là bệnh tim gây ra bởi áp lực dẫn đến hậu quả là việc giảm chức năng tim, triệu chứng bệnh tương tự như đột quỵ. Nguyên nhân phát bệnh có thể là do ảnh hưởng thể lý hoặc tinh thần, và không hoàn toàn chỉ gồm các trường hợp tiêu cực.

Không chi tim mạch, mà các bộ phận khác của cơ thể cũng có thể gặp phải những sang chấn tương tự khi bạn phải chịu mất mát, đau khổ về tinh thần, tình cảm.

Theo các nhà khoa học, hệ thống Limbic chịu trách nhiệm về điều này.

Hiểu về nỗi đau để giải thoát tinh thần: Vì sao cơ thể lại cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi khi trải qua tổn thương tình cảm? - Ảnh 1.

Nó là phần cảm xúc và ký ức của não bộ, cực kì quan trọng với việc bạn trải nghiệm và nhận thức ra sao. Hệ thống Limbic có tác động trực tiếp đến hệ thống thần kinh tự trị. Nếu bạn nhận thức được rằng bạn đang ở trong một tình huống bình tĩnh, hệ thống limbic của bạn sẽ tác động đến phần còn lại của não, và do đó phần còn lại của cơ thể sẽ khiến cơ thể bạn hoạt động như thể đang ở trong một tình huống bình tĩnh. Vùng dưới đồi cũng là một phần của hệ thống limbic, đóng vai trò trong việc duy trì sự cân bằng hóa học. Đó cũng là một nguyên do vì sao bạn lại cảm thấy ốm yếu về mặt thể chất.

Phần giao cảm của hệ thống thần kinh tự trị là phần cơ thể khiến tim bạn đập nhanh hơn, thở nhanh hơn, làm đồng tử giãn ra, đổ mồ hôi và ngừng tiêu hóa thức ăn.

Đó là cuộc chiến của phản ứng trong cơ thể bạn và gây ra hiệu ứng tầng tác dụng vào phần còn lại của cơ thể. Nếu hệ thống limbic của bạn phát điên lên với chấn thương về cảm xúc, nó cũng sẽ khiến hệ thống thần kinh giao cảm phát điên theo. Nếu bạn vừa ăn vừa khóc lóc khổ sở và cơ thể bạn đột nhiên ngừng tiêu hóa thức ăn, bạn sẽ nôn hết ra. Phản ứng bất thường của trái tim ở trên cũng tương tự như vậy.

Hệ thống limbic - hay vùng cảm xúc và trí nhớ của não cũng tác động trực tiếp đến hầu hết các phần khác trong não của bạn. Nó nằm ngay trung tâm não bộ do đó nó có thể kết nối với mọi thứ. Đây là lý do tại sao trong một tình huống thực sự căng thẳng, bạn có thể thay đổi cảm nhận về thể chất và thậm chí cả cách nhận thức, như thời gian chậm lại trong một tình huống.

Hiểu về nỗi đau để giải thoát tinh thần: Vì sao cơ thể lại cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi khi trải qua tổn thương tình cảm? - Ảnh 2.

Một trong những phần quan trọng của hệ thống limbic là vùng dưới đồi. Vùng dưới đồi đóng vai trò to lớn trong việc duy trì "trạng thái tự nhiên" của cơ thể. Nếu bạn cần thức ăn, vùng dưới đồi của bạn là phần sẽ khiến bạn cảm thấy đói. Vùng dưới đồi là một phần của hệ thống limbic, do đó nó cũng chịu sự kiểm soát của cảm xúc. Trong một tình huống thực sự căng thẳng, vùng dưới đồi của bạn sẽ phản ứng với việc giải phóng cortisol, điều này sẽ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn và có thể khiến bạn cảm thấy ốm yếu.

Nghe thì có vẻ kinh khủng và đáng sợ, nhưng hệ thống limbic cũng là thứ tích hợp cảm xúc vào thứ chúng ta trải nghiệm khi có gì đó tích cực xảy ra. Đó là lý do tại sao bạn cảm thấy rằng mẹ bạn nấu ăn ngon hơn nếu bạn có những kỷ niệm đẹp về mẹ. Đó là điều khiến trái tim bạn rung động khi bạn đang yêu. Đó là những gì làm cho bạn nhớ rõ ràng hết thảy mọi thứ. Đó là lý do tại sao một chiếc còi xe tải có thể rú ầm trong đêm khuya và bạn sẽ không thức dậy, nhưng khi ai đó thì thầm tên bạn, bạn sẽ mở mắt ngay tức khắc trong niềm hạnh phúc hân hoan.

Nỗi đau thật đáng sợ, nhưng hãy đón nhận nó một cách bình tĩnh như việc phải ăn một món ăn lạ, thử một trải nghiệm mới… Điều đó sẽ khiến cả thể chất và tinh thần bạn đều được nhẹ nhàng hơn.

Bùi Thảo

Cùng chuyên mục
XEM