Hiệu trưởng ĐH Giáo dục: Giáo dục là lĩnh vực bảo thủ nhất trong xã hội, và giáo viên lại chính là những người bảo thủ nhất trong những người bảo thủ!

14/11/2019 14:29 PM | Xã hội

“Tôi không nói bảo thủ là tốt hay xấu. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, chúng ta phải thay đổi nhận thức và tư duy của những người làm công tác giáo dục trước tiên”, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng ĐH Giáo dục chia sẻ.

Ngày 13/11, tại Hà Nội, Ủy ban giáo dục quốc tế đã công bố "Báo cáo Chuyển đổi Nguồn nhân lực Giáo dục tại Châu Á".

Buổi công bố có sự tham gia của ông Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Giáo sư Ju-Ho Lee - cựu Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc, ông Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Đại học Giáo dục (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), cùng nhiều đại biểu trong ngành từ các quốc gia khác.

Theo báo cáo, trên toàn thế giới, vẫn còn hơn 260 triệu trẻ em không được đi học và hơn 600 triệu học sinh đến trường nhưng lại không học được những kỹ năng cần thiết. Thực trạng này đòi hỏi phải có hành động cải cách thiết thực từ phía những nhà tạo lập chính sách cùng sự hợp tác, kết nối của những thành viên trong hệ thống nguồn nhân lực giáo dục.

Hiệu trưởng ĐH Giáo dục: Giáo dục là lĩnh vực bảo thủ nhất trong xã hội, và giáo viên lại chính là những người bảo thủ nhất trong những người bảo thủ! - Ảnh 1.

Tuy nhiên, ngay tại Việt Nam, vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. Ông Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Đại học Giáo dục phát biểu: "Rào cản lớn nhất ở chính giáo viên, những người trực tiếp giảng dạy. Đặc biệt là các trường sư phạm."

"Tôi có đọc được một câu rằng: "Giáo dục là lĩnh vực bảo thủ nhất trong xã hội." Và những giáo viên, giảng viên trong các trường sự phạm chính là người bảo thủ nhất trong những người bảo thủ."

"Tôi không nói bảo thủ tốt hay xấu. Bởi vì họ có những sứ mệnh riêng phải thực hiện như duy trì những giá trị của xã hội hay đôi khi chỉ là kế thừa từ thế hệ trước. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, chúng ta phải thay đổi nhận thức và tư duy của những người làm công tác giáo dục trước tiên.", ông Thanh chia sẻ.

Hiệu trưởng ĐH Giáo dục: Giáo dục là lĩnh vực bảo thủ nhất trong xã hội, và giáo viên lại chính là những người bảo thủ nhất trong những người bảo thủ! - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Đại học Giáo dục

Ngoài ra, vị Hiệu trưởng Đại học Giáo dục cho rằng còn nhiều vướng mắc trong luật pháp và xã hội.

"Chúng ta cần hiểu rằng, giáo viên ở Việt Nam có rất nhiều bổn phận và trách nhiệm. Họ phải thực hiện vô số nhiệm vụ, gánh nặng và yêu cầu. Nhưng trong các văn bản pháp lý, thậm chí trong Luật Giáo dục và những bộ luật khác, chúng tôi không tìm thấy quyền lợi của giáo viên như thế nào và họ có thẩm quyền như thế nào trong việc thực hiện sự thay đổi đó."

"Chúng tôi thường hay nói vui với nhau rằng, mỗi gia đình là một bộ giáo dục và trong đó, ông chồng và bà vợ chính là bộ trưởng. Lúc nào họ cũng cho rằng mình có thẩm quyền để bàn về giáo dục và nói rất nhiều về điều đó. Rất khó để thay đổi hệ thống nếu mỗi người một ý như vậy. Quá nhiều ý kiến, thậm chí mâu thuẫn nhau."

Bên cạnh đó, khi một đại biểu Việt Nam chia sẻ rằng những dựa án, mô hình học tập mới được thí điểm rất thành công nhưng sau đó thiếu điều kiện tài chính để nhân rộng dù Chính phủ luôn cam kết đầu tư 20% ngân sách, ông Tạ Ngọc Trí cho hay: "Mặc dù Chính phủ rất quan tâm và luôn dành ít nhất 20% ngân sách cho giáo dục nhưng Việt Nam với mức GDP còn rất nhỏ nên chi phí thực tế cho ngành còn là một con số khiêm tốn."

T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM