Hiện tượng Thơ Nguyễn, Hưng Vlog và ngành công nghiệp 'thổi view' YouTube
Tỷ lệ người dùng gia nhập ngành công nghiệp mới - công nghệ tạo lượt xem, lượt "like" (thích) và "follow" (theo dõi) đang ngày càng tăng lên chóng mặt. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ để phần lớn tỷ lệ người xem - chính là trẻ em.
Trẻ em đang xem gì?
Thời gian vừa qua, trẻ em đã nhanh chóng trở thành đối tượng sử dụng Internet với tần suất lớn nhất, bao gồm việc xem video trực tuyến. Trong đó, rất nhiều video chứa những nội dung sai lệch, bao gồm bạo lực, quảng cáo sản phẩm không phù hợp với lứa tuổi để thu lợi từ lượng khán giả nhỏ tuổi này.
Những video này được chia thành 3 loại chủ yếu:
- Video parody hoạt hình: Hầu hết các video này dựa trên những nhân vật nổi tiếng và thay đổi tình huống so với nguyên tác theo hướng bạo lực, không phù hợp. Ví dụ như một video về Elsa (nhân vật trong phim Frozen của Disney) tức giận và sử dụng súng máy...
- Video gồm những câu chuyện nhảm: Thường cốt truyện hay nhân vật trong các video này rất dễ gây rối.
- Video chứa quảng cáo: Mặc dù các video này không mang tính bạo lực, song chúng lén đưa ra các chiến thuật quảng cáo nhằm hấp dẫn trẻ em để mua sản phẩm mới. Ví dụ như các video của Ryan’s Toy Review - kênh Youtube với hơn 4 tỷ lượt xem.
Vì sao trẻ em xem những video này?
Thực tế, các video này thường có nội dung mà trẻ em thực sự quan tâm: đồ chơi, cách chơi hoặc các nhân vật nổi tiếng mà trẻ em biết. Nếu một đứa trẻ là fan của nhân vật, hay thậm chí sở hữu một món đồ chơi trong video, mối liên hệ sẽ càng mạnh mẽ hơn.
Các chuyên gia cho rằng, một số video mang tính chất bạo lực hay gây rối dưới góc nhìn của người lớn thì đối với trẻ em, đây lại là các câu chuyện mang tính hài hước. Hay những video về mở quà, đập hộp đồ chơi cũng sẽ gợi lại những kỷ niệm cho các em trẻ khi các bạn nhận một món quà.
Video đạo nhái tràn lan
Vô số video trên mạng hiện nay không phải do các nhà sản xuất nội dung có uy tín sản xuất. Thay vào đó, chúng là các bản nhái được tạo ra bởi những người dùng ẩn danh với tên như Brick Man hay Melon Troll. Các kênh này sử dụng thuật toán tìm kiếm trên internet để tự động phát video của mình ngay khi video cuối cùng mà trẻ em đang xem kết thúc.
Mặc dù trẻ có thể dùng nền tảng video dành cho trẻ em, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả nội dung không phù hợp sẽ được lọc hiệu quả. Ví dụ, trẻ em có thể tìm kiếm "Peppa Pig" và sau đó, bất cứ video này có tiêu đề hoặc được gắn thẻ "Peppa Pig" sẽ xuất hiện.
Video trực tuyến là một ngành kinh doanh sinh lợi và nhiều người làm video đã tận dụng các thuật toán để kiếm lời nhanh chóng. Hashtags và từ khóa hiện đóng một vai trò quan trọng trong nội dung video. Nguyên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ em ngày càng tiếp xúc nhiều với các video chứa quảng cáo và nội dung không phù hợp mà không thể phân biệt được với các chương trình thông thường.
Không đủ khả năng kiểm duyệt
YouTube hiện là kho nội dung với hơn 5 tỷ video, hàng tháng thu hút khoảng 2 tỷ người dùng. Song, số lượng nhân viên YouTube chỉ khoảng 5.000 người, trên tổng số 20.000 nhân viên của Google và công ty mẹ Alphabet.
Trên thực tế, đội ngũ kiểm duyệt của YouTube hầu hết là AI. Song, AI chỉ có thể kiểm duyệt những nội dung độc hại rõ rệt hoặc vi phạm bản quyền, nhưng không thể kiểm soát hết các video được cắt ghép, lồng một phần nhạc...
Chỉ đến hồi năm 2017, khi vướng lùm xùm và bị dọa tẩy chay do hàng loạt những video độc hại liên quan đến trẻ em, YouTube mới sử dụng đội ngũ là con người để thực hiện việc kiểm duyệt nội dung. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều nội dung độc hại "lọt lưới".
YouTuber "nhảm" và những mức phạt
Tháng 10/2020, tại Bỉ, hai YouTuber đã nhận bản án tù treo 4 tháng và khoản tiền phạt 800 € (tương đương 22 triệu đồng) sau khi hóa trang thành chú hề mang khẩu AK-47 giả để hù dọa mọi người trong một video trên YouTube.
Cũng trong tháng 10/2020, YouTuber Richard McGuire, 42 tuổi, đến từ Alabama (Mỹ) đã bị phạt 100 USD và bị cấm vào công viên giải trí suốt đời do đột nhập vào điểm tham quan Disney World bị bỏ hoang trong thời gian cách ly xã hội để quay video.
Cặp đôi YouTuber người Ai Cập Ahmed Hassan và Zeinab đã bị giam giữ trong 4 ngày sau những cáo buộc vì tội đe dọa trẻ sơ sinh trong một video YouTube được đăng tải trước đó. Trong video, hai vợ chồng chơi khăm con gái bằng cách dọa đến mức đứa trẻ phát khóc.
Tại Việt Nam, thời gian vừa qua, một loạt các YouTuber cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do có phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng, nhất là các bậc phụ huynh có con cái thường xuyên theo dõi kênh YouTube.
Mới nhất điển hình là YouTuber Thơ Nguyễn (30 tuổi) bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng do "cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy mê tín dị đoan". Không chỉ YouTuber Thơ Nguyễn, vào tháng 10 năm ngoái, chủ tài khoản Hưng Vlog cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng bởi "thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc khi đăng tải trên tài khoản mạng xã hội YouTube".
Đáng chú ý, một tháng trước đó, Thanh tra Sở TT-TT Bắc Giang cũng xử phạt hành chính chủ tài khoản Hưng Vlog 7,5 triệu đồng vì đã đăng tải video clip với tựa đề "Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết".
Cha mẹ cần làm gì?
Với lượng video khổng lồ được đăng tải lên YouTube mỗi phút, việc quản lý là rất khó khăn. Các bước phụ huynh có thể thực hiện bao gồm:
- Báo cáo và chặn mọi nội dung không phù hợp;
- Cài đặt trình chặn quảng cáo;
- Bật chế độ hạn chế;
- Tạo danh sách phát video cá nhân cho trẻ em;
- Xem video cùng với trẻ.