Hiện hữu nguy cơ dịch chồng dịch

29/07/2022 08:29 AM | Xã hội

Trong khi nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập, COVID-19 có thể bùng phát trở lại, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A... có chiều hướng gia tăng những ngày gần đây.

Bệnh nhi cúm A đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Hà Minh
Bệnh nhi cúm A đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Hà Minh

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đang kích hoạt hàng loạt biện pháp ứng phó bệnh đậu mùa khỉ. Cùng với việc tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở y tế chú ý các dấu hiệu lâm sàng để phát hiện và cách li kịp thời ca bệnh. Theo ông Lân, Bộ Y tế đang xây dựng các kịch bản để khi có ca bệnh thì không bị động. Việt Nam đã kích hoạt Trung tâm Đáp ứng dịch khẩn cấp và hằng tuần sẽ họp để thu thập thông tin nhằm thảo luận, đánh giá các nguy cơ và có biện pháp ứng phó.

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, diễn biến dịch khó lường, dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt với sự xuất hiện các biến chủng mới; bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ xâm nhập; các dịch bệnh khác như SXH, tay chân miệng, cúm... đang có nguy cơ quay trở lại. Do đó, hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ xuất hiện dịch chồng dịch.

Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại khi 3 ngày liên tiếp số ca mắc mới trong ngày luôn ở mức từ 1.400 đến gần 1.800, con số cao nhất trong vòng hơn 70 ngày trở lại đây. Cùng với đó, số ca bệnh nặng cũng gia tăng tại các cơ sở y tế. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 3 ngày qua tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch từ nhiều địa phương chuyển về. Trong số này có 13 bệnh nhân phải thở máy, số còn lại phải thở ô xy.

Cũng chung tình trạng này là Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Tại đây, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Phụ trách công tác chống dịch, cho biết vấn đề đáng lo ngại nhất ở thời điểm này là đã có hiện tượng “dịch chồng dịch”. Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận bệnh nhân rất nguy kịch khi mắc đồng thời cả COVID-19 và sốt xuất huyết (SXH).

Sở Y tế Hà Nội thông tin, cùng với dịch COVID-19, dịch SXH đang lưu hành, hiện bệnh cúm ở thành phố đang có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 2.600 trường hợp mắc cúm, đặc biệt là số ca nhiễm cúm A tăng nhanh những tuần qua. “SXH và COVID-19 có thể gây ra những triệu chứng chồng lấp, gây khó khăn cho việc điều trị cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Bệnh nhân mắc SXH đơn thuần sẽ thấy mệt mỏi, sốt cao nhưng nếu kèm theo mắc COVID-19 thì triệu chứng sẽ nặng hơn, phải điều trị kéo dài”, TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), nói.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 120.000 ca SXH với 40 ca tử vong. Mỗi tuần hiện có thêm hơn 10.000 ca SXH. Bộ Y tế cảnh báo số ca SXH sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới do mùa mưa còn kéo dài.

Các chuyên gia y tế nhận định, thời gian tới, cùng với số ca mắc COVID-19, SXH, bệnh cúm có xu hướng gia tăng. Với từng dịch, Bộ Y tế đã đề ra cách phòng tránh cụ thể và truyền thông để người dân bảo vệ mình, không chủ quan với bất cứ bệnh nào.

Hà Minh

Cùng chuyên mục
XEM