Hết Covid-19 lại đến lũ lụt, đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc nhanh chóng bị đè bẹp

21/08/2020 15:40 PM | Xã hội

Lũ lụt không chỉ khiến giá tiêu dùng tăng lên vì hàng hóa khan hiếm mà còn làm giảm tốc độ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng và tốc độ sản xuất.

Trong khi Trung Quốc vẫn còn đang chật vật đối phó với những tác động của đại dịch Covid-19, nước này lại bị tàn phá bởi những trận lũ lụt lịch sử. Tính đến thời điểm này, lũ lụt trên sông Dương Tử đã gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 178,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 25,7 tỷ USD). Nhiều ngôi nhà bị sập, các nhà máy bị nước lũ nhấn chìm và nhà cửa cũng như kế sinh nhai của hàng triệu người bị nước lũ cuốn trôi.

Thảm họa thiên nhiên là mảnh ghép mới nhất trong bức tranh những sự kiện tồi tệ ập đến ngay trong lúc Trung Quốc đang nỗ lực hồi phục sau dịch bệnh. Sau khi Bắc Kinh đã bơm hàng nghìn tỷ nhân dân tệ vào nền kinh tế thông qua các gói kích thích và cứu trợ, một vài dấu hiệu khởi sắc đã xuất hiện.

Dữ liệu cho thấy số xe tải hạng nặng bán ra ở Trung Quốc trong tháng trước đã tăng 89% so với 1 năm trước. Số lượng máy xúc bán ra cũng tăng gần 30%. Nhu cầu về máy móc tự động hóa cũng tăng. Tuy nhiên tổng lượng điện tiêu thụ hàng tháng vẫn đang giảm và lượng xi măng tồn kho cao hơn so với nhiều năm gần đây. Chi tiêu công cho tài sản cố định tăng mạnh nhưng sản lượng công nghiệp và đầu tư cho sản xuất vẫn ì ạch.

Niềm lạc quan về kinh tế Trung Quốc chủ yếu đến từ sự kỳ vọng. Đó là kỳ vọng Bắc Kinh sẽ chi tiêu, nới lỏng và có thể tìm ra cách để vượt qua thời kỳ suy giảm hiện nay. Chính phủ đã cam kết tăng chi tiêu thêm 288 tỷ USD, chưa kể đến những khoản đã được triển khai trước đó thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt.

Tuy nhiên bức tranh hiện thực phũ phàng hơn nhiều. Lũ lụt không chỉ khiến giá tiêu dùng tăng lên vì hàng hóa khan hiếm mà còn làm giảm tốc độ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng và tốc độ sản xuất.

Tất cả những điều này cho thấy đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc vừa mới chớm nở nhưng đang bị mất đà. Mặc dù Trung Quốc là nơi đầu tiên dịch bệnh bùng phát và là một trong những nước đầu tiên kiểm soát được Covid-19, người tiêu dùng nơi đây không vội vàng quay trở lại chi tiêu như trước. Vấn đề là dịch bệnh ập đến ngay khi nhu cầu tiêu dùng vốn đã xuống dốc. Các nhà máy thì đang đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin và kể cả khi được rót tiền trực tiếp thì tình hình cũng không mấy cải thiện.

Tất nhiên mưa lũ là hiện tượng năm nào cũng có. Trong một số năm như 1998 và 2016 tình hình lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng. Để đối phó, Trung Quốc đã xây dựng 98.000 hồ chứa, 110.000 trạm thủy văn và phát triển cả mạng lưới hàng trăm nghìn con đê. Nhưng biến đổi khí hậu khiến tình hình trở nên xấu hơn. Một nghiên cứu về tác động của lũ lụt lên khu vực sản xuất trong 7 năm từ 2003 đến 2010 cho thấy bình quân sản lượng công nghiệp sẽ giảm 28,3% trong những năm có hiện tượng ngập trên diện rộng, tương đương nền kinh tế thiệt hại tổng cộng 15,4 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Các cuộc khủng hoảng của năm 2020 – mà tồi tệ hơn bất kỳ loại thiên tai nào – đang đẩy Bắc Kinh vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, các gói kích thích tài khóa, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thống (ví dụ như những con đường hoành tráng) sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn. Nhưng mặt khác, những nhà lãnh đạo cũng biết rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ cao mới là thứ mang lại hiệu quả nhưng phải mất vài năm. Điều này xuất phát từ việc Trung Quốc chưa có ưu tiên cụ thể giữa tăng trưởng, nợ và nền kinh tế mới.

Một trở ngại khác là hệ thống ngân hàng có nhiều lỗ hổng. Mặc dù Trung Quốc thực hiện nới lỏng tiền tệ, hoạt động cấp vốn trực tiếp bị tắc nghẽn ngay khi nền kinh tế cần vốn nhất.

Chỉ khi giải quyết được tất cả những vấn đề trên, Trung Quốc mới có thể quay trở lại quỹ đạo hồi phục kinh tế.

Tham khảo Bloomberg


Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM