Hết chiến tranh thương mại đến thiếu điện, các doanh nghiệp nước ngoài sắp tháo chạy khỏi Trung Quốc tới Việt Nam?

30/09/2021 13:42 PM | Kinh doanh

Các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách tháo chạy khỏi Trung Quốc khi tình trạng thiếu điện trở nên nghiêm trọng.

Tờ CNBC nhận định, việc cắt điện đột ngột xảy ra ở một số khu vực của Trung Quốc thời gian gần đây đang thúc đẩy một số công ty nước ngoài rót đầu tư vào những quốc gia khác.

Trong vài ngày gần đây, nhiều chính quyền địa phương của Trung Quốc đã hạn chế sử dụng điện, giới hạn hoặc thậm chí ngừng hoạt động sản xuất của các nhà máy. Các biện pháp mới nhất được đưa ra khi đất nước này đối mặt với tình trạng thiếu than để sản xuất điện. Trong khi đó, chính quyền các khu vực đang chịu áp lực gia tăng trong việc tuân thủ lời kêu gọi của chính phủ trung ương nhằm giảm lượng khí thải carbon.

"Một số công ty đang tỏ ra băn khoăn về việc đầu tư vào Trung Quốc", Johan Annell, đối tác tại Asia Perspective, một công ty tư vấn nói. 

Annell cho biết các khoản đầu tư đã được lên kế hoạch của các doanh nghiệp nước ngoài trị giá tới hàng chục triệu USD. Trong khi Trung Quốc vẫn là một "điểm đến quyền lực" đối với lĩnh vực sản xuất thì ông nhận định rằng các doanh nghiệp cũng đang tìm những địa điểm đầu tư thay thế ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Hết chiến tranh thương mại đến thiếu điện, các doanh nghiệp nước ngoài sắp tháo chạy khỏi Trung Quốc tới Việt Nam? - Ảnh 1.

"Mọi thứ hiện tại đều không chắc chắn. Không ai thực sự biết tình hình tổng thể sẽ phát triển như thế nào, sẽ được thực hiện như thế nào trong vài tháng tới tại các tỉnh thành phố", ông Annell nói trong một cuộc trò chuyện với khoảng 100 các doanh nghiệp.

THIẾU ĐIỆN

Trong tuần trước, nhiều thành phố của Trung Quốc ở trung tâm xuất khẩu phía nam Quảng Đông đến Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, đã ra lệnh hạn chế sử dụng điện mà không hoặc thông báo rất muộn. Các động thái đột ngột kể trên đã khiến một số nhà kinh tế Trung Quốc cắt giảm dự báo GDP của nước này trong năm.

Trong khi đó, theo dữ liệu chính thức được truy cập qua Wind Information, tỉnh Quảng Đông hiện là nơi sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu nhất ở Trung Quốc, vào khoảng 23% trong tổng lượng xuất khẩu trong năm nay tính đến tháng 8. Tỉnh Liêu Ninh đứng thứ 16 về giá trị xuất khẩu, chiếm 1,6% tổng giá trị cả nước.

"Nếu sự không chắc chắn này chỉ trong ngắn hạn thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xử lý trong một tuần hoặc lâu hơn và bắt kịp lại sau đó", Annell nói. "Vấn đề ở đây là sự không chắc chắn này có thể tiếp diễn trong hai quý tới". 

Các nhà lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp Mỹ và châu Âu xác nhận việc thiếu điện đang ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư kinh doanh nước ngoài tại Trung Quốc.

Matt Margulies, phó chủ tịch phụ trách các hoạt động của Trung Quốc tại Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Trung Quốc cho biết: "Các công ty đều dựa vào sự ổn định chính sách và khả năng dự đoán". 

Ông nói: "Họ cần thông báo trước về việc gián đoạn cung cấp điện để đảm bảo an toàn và hoạt động kinh doanh liên tục. Họ cũng cần được tham vấn để tìm ra các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên liên quan. Phương pháp tiếp cận áp dụng cứng nhắc cho tất cả sẽ gây xáo trộn, tăng chi phí và làm giảm niềm tin vào thị trường". 

Tổng công ty Lưới điện Nhà nước của Trung Quốc hôm thứ hai thì cho biết họ sẽ "dốc toàn lực để chiến đấu với cuộc chiến khó khăn về cung cấp điện", nỗ lực hết sức để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Phía Trung Quốc đang cố gắng đáp ứng cam kết rằng lượng khí thải carbon của họ sẽ đạt đỉnh trước năm 2030. Điều đó đòi hỏi các tỉnh thành phải sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch hơn cho mỗi đơn vị sản lượng kinh tế, chẳng hạn bằng cách đốt ít than hơn để tạo ra điện. Đồng thời, nhu cầu đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đang tăng lên khi nền kinh tế toàn cầu dần hồi phục sau đại dịch. Kết quả: Tình trạng thiếu điện trở nên trầm trọng.

Nguồn: CNBC

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM