Hệ thống tài chính Trung Quốc phát lộ điểm yếu tai hại từ vụ Evergrande

08/12/2021 08:09 AM | Kinh doanh

Trung Quốc đang mở rộng cuộc chỉnh lý đến các doanh nghiệp có quan hệ quá mật thiết với các ngân hàng, lợi dụng nguồn tín dụng ưu đãi và gây ra các mối đe dọa đối với sự ổn định của hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Từ bộ đôi Evergrand - Shengjing Bank...

Một trong những vụ việc nổi bật gần đây là Evergrande. Vào thời điểm gã khổng lồ bất động sản này sắp sụp đổ đã sở hữu đến 36% cổ phần của Shengjing Bank.

Một trường hợp khác liên quan đến HNA Group, tập đoàn này đã tiếp quản Yingkou Coastal Bank ở Liêu Ninh vào năm 2014. Sau thương vụ, HNA đưa các nhà lãnh đạo mới vào ngân hàng và biến nó thành một cỗ máy in tiền, cung cấp một lượng tín dụng dồi dào. Tháng hai vừa qua, HNA đã lâm vào tình trạng quản lý phá sản.

Tình trạng bất ổn ngày càng trầm trọng, gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với sự ổn định kinh tế ở nhiều tỉnh thành của Trung Quốc.

Các ngân hàng cấp thấp đã bán cổ phần sở hữu cho các ông trùm tư nhân lớn, đến mức chịu sự chi phối của họ. Hậu quả là trong những năm gần đây, nhiều ngân hàng trong số đó đã trở thành điểm hội tụ của các khoản nợ khó đòi.

Chính phủ Trung Quốc ngay lập tức xúc tiến cải cách để loại bỏ cái mà họ gọi là "cổ đông có vấn đề" khỏi các ngân hàng.

Ngày 15 tháng 10, Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc đã đưa ra các quy tắc nhằm mở rộng sự giám sát đối với những người được coi là cổ đông kiểm soát của các ngân hàng.

Theo China Daily, cuộc điều tra tiến hành với những ai nắm giữ 10% cổ phần trở lên hoặc những người nắm giữ cổ phần lớn nhất trong một ngân hàng, tương tự đối với các công ty bảo hiểm nắm quyền sở hữu từ 5%.

Theo tính toán của The Economist, trong số 107 ngân hàng thương mại công bố thông tin tài chính cho năm 2020, có đến 72 ngân hàng có các cổ đông lớn là doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Hơn 20 ngân hàng trong số này đã bị kiểm soát chéo hoàn toàn.

Mức độ sở hữu doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại khu vực nông thôn thậm chí còn cao hơn cả ngân hàng thương mại khu vực đô thị. Đại học Bắc Kinh đã khảo sát 1.295 ngân hàng nông thôn và thấy rằng có 1.122 ngân hàng (khoảng 87%) do các doanh nghiệp tư nhân lớn giữ vai trò cổ đông lớn nhất. Điều đó đồng nghĩa với 39,4 nghìn tỉ nhân dân tệ trong ngân hàng có thể bị kiểm soát hoặc tạo ra nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Theo nhận định của Đại học Quốc gia Singapore, sở dĩ các doanh nghiệp tư nhân chuộng việc sở hữu các ngân hàng nhỏ vì chúng dễ che giấu các khoản nợ khó đòi hơn, dễ tạo ra một điểm mù cho các hệ thống giám sát.

Ở các ngân hàng nhỏ thiếu năng lực quản trị, chủ sở hữu dễ dàng sử dụng quyền lực của mình để trích các khoản cho vay với các điều kiện ưu đãi, làm suy yếu khả năng quản lý rủi ro và tăng mức nợ xấu.

Sau sự cố Evergrande, lộ diện nguy cơ sụp đổ domino hệ thống ngân hàng Trung Quốc do vấn nạn sở hữu chéo, biến ngân hàng thành cổ máy in tiền cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

... đến nguy cơ của hàng loạt các ngân hàng

Bên cạnh sai phạm nghiêm trọng của bộ đôi Evergrande - Shengjing Bank, qua điều tra, cơ quan chức năng Trung Quốc đã điểm tên hàng loạt các ngân hàng nhỏ khác.

Ngân hàng Cam Túc đã yêu cầu một gói cứu trợ vào năm ngoái sau khi cho vay và đầu tư mạnh vào chứng khoán. Cuối cùng, họ đã vỡ nợ . Ngân hàng Cẩm Châu cũng đã yêu cầu tái cơ cấu khẩn cấp sau khi cổ đông lớn nhất không còn khả năng trả nợ. Ngân hàng Bảo Sơn và Ngân hàng Cáp Nhĩ Tân đồng loạt yêu cầu các khoản cứu trợ đắt đỏ từ Nhà nước. Tương tự, Ngân hàng Lang Phường đối mặt với khả năng tăng nợ xấu sau khi cổ đông lớn thứ hai - China Fortune Land vỡ nợ với trái phiếu 5,3 tỷ nhân dân tệ...

Đáng nói là những vấn đề này sẽ trở nên trầm trọng khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và nhiều công ty vỡ nợ.

Các cơ quan quản lí Nhà nước đã dùng nhiều cách tiếp cận để giải quyết các sai phạm, tùy theo mức độ nghiêm trọng như buộc thoái vốn, nặng hơn là giam giữ hoặc thậm chí là tử hình. Điển hình như vụ án của cựu chủ tịch của Ngân hàng Hoành Phong đã bị tuyên án tử hình vào năm ngoái, bất chấp các nỗ lực kháng án.

Ở một số khu vực phía đông bắc, chính phủ đã tìm cách tái cơ cấu bằng cách hợp nhất các ngân hàng. Điển hình là sau sự sụp đổ của HNA, Yingkou Coastal Bank đã trở thành trung tâm của nỗ lực sáp nhập các ngân hàng ở toàn tỉnh Liêu Ninh.

Một giải pháp khác là cho phép các ngân hàng phá sản và thoát khỏi thị trường. Các ngân hàng nông thôn với quy mô nhỏ sẽ là mảnh đất màu mỡ cho thử nghiệm chính sách này.

Hiện tại, 134 ngân hàng thương mại khu vực đô thị và 1.400 ngân hàng thương mại khu vực nông thôn ở Trung Quốc chiếm khoảng 32% quy mô lĩnh vực ngân hàng thương mại với tổng tài sản khoảng 90 nghìn tỉ nhân dân tệ (14 nghìn tỉ USD), quy mô gần bằng toàn bộ hệ thống ngân hàng của Anh.

Các ngân hàng này tồn tại dưới bóng dáng của 6 ngân hàng lớn cấp quốc gia và 12 ngân hàng cổ phần với cổ đông Nhà nước chiếm quyền kiểm soát tuyệt đối.

Bank of Communications - một ngân hàng lớn của Trung Quốc cho biết chính quyền không có ý định loại tất cả các cổ đông tư nhân ra khỏi ngân hàng, họ chỉ đang cố gắng để đảm bảo rằng các cổ đông lớn nhất đều đến từ Nhà nước.

Ngọc Đức

Cùng chuyên mục
XEM