Hé lộ tin nhắn giữa WeFit và đối tác: WeFit nhẽ ra có thể không chết nhưng buộc phải "buông súng" vì một lý do

13/05/2020 16:53 PM | Kinh doanh

Trong bão scandal bị các phòng tập tố nợ đọng lên đến hàng trăm triệu đồng cuối năm 2019, Founder Khôi Nguyễn khẳng định WeFit sắp chốt vòng gọi vốn mới và có thêm kinh phí...

10/5/2020, Bảo Văn đặt lịch bơi tại Hapulico qua ứng dụng WeFit. Anh không ngờ đó là lần bơi cuối đặt qua ứng dụng này. Sáng 11/5, nhóm Hội viên WeFit, WeJoy được thêm chữ "Cựu", sau thông báo phá sản của startup được kỳ vọng trở thành "kỳ lân" một thời...

"Chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo rằng sau những khủng hoảng từ đầu năm 2020 mặc dù đã rất nỗ lực để cải tổ, chúng tôi lại gặp phải những khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính không lường trước được do tình hình dịch bệnh Covid-19, vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn", thông báo phá sản của WeFit cho biết.

Những "vết thương" của WeFit bộc lộ từ cuối năm 2019, khi cả khách hàng (users) lẫn đối tác (merchants) đều tố startup này lừa đảo. Trong khi users phàn nàn vì chính sách tập không giới hạn liên tục bị siết, các phòng tập "quen" ngừng liên kết trên hệ thống; thì merchants hoặc âm thầm ngưng liên kết, hoặc tố công khai WeFit nợ đọng không thanh toán. Số công nợ từ đối tác xê dịch từ vài triệu đến gần 200 triệu đồng.

Trả lời Trí thức trẻ khi đó, CEO WeFit Khôi Nguyễn (Khôi giữ cương vị CEO WeFit đến ngày 2/2/2020) cho biết: "Startup cũng có một chút khó khăn về dòng tiền cuối năm, lấy thu này bù chi kia và vừa phải đầu tư thêm, cộng thêm mùa đông là mùa thấp điểm của fitness nên có nợ nhưng không phải là tất cả các đối tác, một số đối tác này sẽ trả chậm hơn đối tác khác".

Khôi khẳng định WeFit đến cuối năm sẽ chốt vòng gọi vốn mới và sẽ có thêm kinh phí.

"Do Covid-19, chúng ta sẽ bị mất đi một lượng tiền rất lớn đổ vào nền kinh tế nói chung và đổ vào cho startup nói riêng. Thế nên, các công ty đang sống nhờ fund sẽ không sống được nữa"

Thực tế, WeFit định vị mình là "Uber trong lĩnh vực Fitness" và theo đuổi mô hình burn money (đốt tiền) trong suốt thời gian đầu. Là một mô hình platform (nền tảng), tương tự như Grab, WeFit phải đốt tiền cho cả merchants và users. Trước khi đạt tới điểm bền vững, startup sẽ chết nếu không tiếp tục gọi được vốn.

Trong một tin nhắn gửi tới đối tác với công nợ lên đến hàng trăm triệu đồng mới đây, một đại diện từ WeFit cho biết họ không có ý định lừa dối đối tác. Thời gian vừa qua, WeFit vẫn cố gắng cầm cự để duy trì, đồng thời làm việc với nhà đầu tư về việc funding, dòng tiền được rót thêm sẽ dành để trả nợ và tăng trưởng.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh kéo dài. Các phòng tập vốn thưa người sau đại dịch Covid-19, cộng thêm giãn cách xã hội, càng trở nên khó khăn. Là ứng dụng kết nối phòng tập, WeFit càng không còn nguồn thu.

"Vừa rồi nhà đầu tư trả lời không thể tiếp tục đồng hành nên bên em mới quyết định dừng lại", phía WeFit cho biết.

Hé lộ tin nhắn giữa WeFit và đối tác: WeFit nhẽ ra có thể không chết nhưng buộc phải buông súng vì một lý do - Ảnh 2.

Là người làm trong ngành tài chính lâu năm, ông Nguyễn Khánh Trình - Chủ tịch HĐQT CTCP Clever Group, đồng thời là thành viên sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Thung lũng Việt (Viet Valley Ventures) – cho biết: Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tất cả vấn đề về funding đều đang bị dừng!

"Chúng ta sẽ bị mất đi một lượng tiền rất lớn đổ vào nền kinh tế nói chung và đổ vào cho startup nói riêng. Thế nên, các công ty đang sống nhờ fund sẽ không sống được nữa", ông Trình cho biết.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM