Hé lộ nơi thành viên hoàng gia cũng phải xếp hàng mua đồng hồ

15/12/2022 09:35 AM | Sống

Khi một người hồi giáo hay một thành viên hoàng gia muốn mua một chiếc Rolex, họ sẽ phải xếp hàng vào danh sách 4.000 người đang chờ mua ở Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).

Ông Mohammed Abdulmagied Seddiqi - Giám đốc thương mại của Seddiqi Holding, công ty sở hữu cửa hàng bán lẻ đồng hồ Thụy Sĩ ở UAE - cho biết, nếu một thành viên hoàng gia muốn một chiếc đồng hồ để dùng, họ sẽ có ngay. Nhưng nếu họ đang tìm kiếm những chiếc đồng hồ để làm quà tặng, thì công ty sẽ phải lựa chọn kỹ hơn.

“Một số người thực sự coi đó là chuyện cá nhân. Nhưng chúng tôi phải công bằng với các khách hàng và đảm bảo trao cho đúng người”, ông nhấn mạnh.

Đây chỉ là một vấn đề mà Ahmed Seddiqi & Son - đại lý độc quyền duy nhất của Rolex tại tiểu vương quốc Dubai và công ty điều hành cửa hàng Rolex lớn nhất thế giới - đang gặp phải. Ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ đã chứng kiến nhu cầu tăng vọt trong hơn 2 năm qua và đang trên đà trở thành năm tốt nhất về giá trị xuất khẩu.

Hé lộ nơi thành viên hoàng gia cũng phải xếp hàng mua đồng hồ - Ảnh 1.

Cửa hàng Rolex lớn nhất thế giới ở UAE (ảnh: Gulf News).

Theo Liên đoàn Công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ, tính đến tháng 10/2022, giá trị xuất khẩu của đồng hồ Thụy Sĩ tại 30 thị trường lớn nhất đã tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại UAE, mức tăng trưởng nhỉnh hơn một chút là 13,8%. Điều này khiến cho đất nước chỉ khoảng 10 triệu dân trở thành thị trường lớn thứ 9 của các hãng đồng hồ Thụy Sĩ.

Ông Seddiqi cho biết, cửa hàng của ông bán chạy đến mức mà mỗi khi về một chiếc đồng hồ, chỉ cần gọi điện cho khách hàng là họ đến lấy ngay, thậm chí không cần hỏi mẫu đồng hồ đó là gì. “Bất cứ loại nào mà chúng tôi có, khách đều lấy hết”, ông nói.

Mở cửa hàng đầu tiên ở UAE vào năm 1960, đến nay Seddiqi & Son đã có hơn 50 cửa hàng trên khắp nước này, bao gồm 4 cửa hàng của Rolex. Trong đó có một cửa hàng Rolex lớn nhất thế giới cao 3 tầng và 2 cửa hàng Rolex ở trung tâm mua sắm Dubai.

Điều bất ngờ là tại các cửa hàng Rolex ở đây, hầu hết đồng hồ trên kệ chỉ để trưng bày chứ không bán. Nhân viên bán hàng cho biết, bất kỳ sản phẩm nào về cũng chỉ ở trong kho 1-2 ngày là đã có người đến lấy.

Hiện công ty đang duy trì một danh sách những khách hàng đã mua và danh sách những người chưa mua. Công ty đang giới hạn danh sách chờ mua đồng hồ Rolex ở mức 4.000 người, còn với những chiếc Patek Philippes thì chỉ khoảng 20-30 khách. Khi đồng hồ về cửa hàng, họ sẽ cung cấp cho khách hàng dựa trên những thói quen mua hàng trước đó, nhằm tránh đưa những mẫu tương tự mà khách đã mua gần đây.

Những khách hàng mua đồng hồ để bán lại chắc chắn sẽ bị loại khỏi danh sách. Seddiqi cho biết, khoảng 3/4 khách hàng của công ty ông là công dân UAE và người nước ngoài thường trú, bao gồm người Ấn Độ, Trung Quốc, Đức và Anh.

Để biến những khách hàng mới thành những tín đồ đam mê đồng hồ trọn đời, Seddiqi đang thực hiện một nhiệm vụ mang tính giáo dục. Ông đang tính đến việc biến nơi trưng bày đồng hồ Rolex ở Dubai Mall thành nơi để khách có thể tìm hiểu thêm về chế tạo đồng hồ cũng như nghe các chuyên gia chia sẻ về đồng hồ.

Quá trình này sẽ giúp khách hàng hiểu tại sao để sở hữu một chiếc đồng hồ lại mất nhiều thời gian chờ đợi đến vậy, Seddiqi nói.

Theo Bloomberg

Theo Quỳnh Chi

Cùng chuyên mục
XEM