Hé lộ bức tranh kinh doanh quý 1/2023: Hầu hết giảm một nửa doanh thu, có DN được dự báo thua lỗ như Hoà Phát, Cao su Tân Biên và Bao bì Bỉm Sơn

08/03/2023 10:20 AM | Kinh doanh

Theo diễn biến của giá hàng hóa giao ngay (bao gồm giá thép, quặng sắt, than cốc và thép phế), ước tính biên EBITDA của HPG trong quý 1/2023 thấp hơn 1,8 điểm % so với quý 4/2022. Trong đó, quý 4/2022 HPG ghi nhận lỗ kỷ lục 2.000 tỷ.

Hé lộ bức tranh kinh doanh quý 1/2023: Hầu hết giảm một nửa doanh thu, có DN được dự báo thua lỗ như Hoà Phát, Cao su Tân Biên và Bao bì Bỉm Sơn - Ảnh 1.

Tính đến hiện tại, một vài đơn vị đã có ước/kế hoạch chỉ số kinh doanh trong quý 1/2023. Những khó khăn kéo theo từ năm 2022 phản ánh khiến bức tranh chung bước đầu không mấy khả quan. Doanh thu các bên trung bình giảm một nửa, có nhiều doanh nghiệp được dự báo sẽ thua lỗ như Hoà Phát (HPG), Cao su Tân Biên (RTB), Bao bì Bỉm Sơn (BPC)…

Đã có doanh nghiệp dự thua lỗ như Hoà Phát, Cao su Tân Biên, Bao bì Bỉm Sơn

Trước tiên nói đến HPG, kết quả kinh doanh quý 4/2022 ghi nhận lỗ kỷ lục 2.000 tỷ do chi phí nguyên liệu đầu vào cao, khó khăn từ suy thoái kinh tế… Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán VNDirect (VND) khá thận trọng hơn đối với lợi nhuận ròng ngắn hạn của HPG trong quý 1/2023.

VND cho rằng lợi nhuận ròng của HPG vẫn sẽ ghi nhận ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023, trước khi tăng trưởng tích cực trở lại từ quý 3/2023 nhờ (1) sản lượng tiêu thụ thép tăng trở lại từ mức thấp của nửa cuối năm 2022, (2) biên lãi gộp được cải thiện khi giá nguyên liệu đầu vào giảm và dự phóng giảm giá hàng tồn kho thấp hơn và (3) cải thiện lỗ ròng chi phí tài chính khi lỗ tỷ giá giảm mạnh.

“Theo diễn biến của giá hàng hóa giao ngay (bao gồm giá thép, quặng sắt, than cốc và thép phế), chúng tôi ước tính biên EBITDA của HPG trong quý 1/2023 thấp hơn 1,8 điểm % so với quý 4/2022. Với nhu cầu yếu, chúng tôi lo ngại về khả năng chuyển rủi ro tăng giá nguyên liệu đầu vào của HPG sang phía người tiêu dùng cuối cùng. Bên cạnh đó, hiệu suất vận hành nhà máy thấp trong nửa đầu năm 2023 cũng sẽ tác động tới biên lợi nhuận của Công ty. Do đó, chúng tôi dự phóng lợi nhận ròng của HPG có thể vẫn sẽ âm trong quý 1/2023”, quan điểm của VND nhấn mạnh.

Thua lỗ còn có Vicem Bao bì Bỉm Sơn (BPC), với dự báo thị trường xi măng nói chung và sản xuất bao bì nói riêng gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo dự báo doanh thu quý 1/2023 chỉ còn 62 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, BPC dự lỗ đến 180 triệu đồng, nếu đúng với ước tính thì BPC sẽ lần đầu thua lỗ từ năm 2003. Cả năm 2023, BPC đặt kế hoạch doanh thu 261 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1,5 tỷ đồng.

Hay Cao su Tân Biên (RTB), Công ty vừa công bố kế hoạch lỗ sau thuế của công ty mẹ là 9 tỷ đồng trong quý đầu năm, cùng kỳ năm trước lãi 38 tỷ đồng.

Hé lộ bức tranh kinh doanh quý 1/2023: Hầu hết giảm một nửa doanh thu, có DN được dự báo thua lỗ như Hoà Phát, Cao su Tân Biên và Bao bì Bỉm Sơn - Ảnh 2.

Hầu hết sụt giảm phân nửa doanh thu

Cũng liên quan đến thị trường cao su, Cao su Đà Nẵng (DRC) lên kế hoạch doanh thu thuần quý đầu năm nay vào mức 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng, cùng giảm trên 14% so với cùng kỳ năm trước. Cần nhấn mạnh, DRC hiện là doanh nghiệp sản xuất săm lốp hàng đầu và mảng này đóng góp chính vào chỉ số kinh doanh Công ty.

Riêng tháng 1/2023, ghi nhận bởi Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãnh đạo DRC cho biết doanh thu thuần tháng 1 đạt 301 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân từ việc doanh thu nội địa đình trệ do yếu tố thời vụ và nhu cầu sụt giảm trước những khó khăn của thị trường vĩ mô. Dù vậy, vị này cũng nhấn mạnh đang có những dấu hiệu phục hồi của thị trường nội địa trong tháng 2 và 3. Sản lượng xuất khẩu được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng trưởng ở thị trường Brazil, đơn hàng lốp bias được cải thiện tại thị trường châu Á như Myanmar, Ai Cập và Trung Đông.

Tiếp nối đà giảm từ quý 4/2022, Digiworld (DGW) dự báo doanh thu quý 1 giảm tiếp 43%, xuống 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm 38%, còn 130 tỷ đồng. Nguyên nhân, nhu cầu các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đang ở mức thấp do kinh tế có dấu hiệu suy giảm, khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu; đồng thời, trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19, các sản phẩm ICT bán rất chạy và chưa đến chu kỳ thay mới.

Lãnh đạo DGW dự báo khó khăn sẽ còn tiếp diễn đến quý 2/2023 và kỳ vọng hồi phục nửa cuối năm khi kinh tế thế giới tốt hơn, các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng, thu nhập của người dân được cải thiện, kéo theo sức mua gia tăng.

Một tập đoàn lớn khác cũng chịu áp lực chung từ suy thoái, Hóa chất Đức Giang (DGC) lên kế hoạch doanh thu quý 1 đạt 2.578 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 700 tỷ đồng; lần lượt giảm 29% và 53% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là quý thứ 3 DGC tăng trưởng âm sau khi đạt đỉnh vào quý 2/2022, sức nóng từ Photpho vàng giảm mạnh kéo chỉ số DGC liên tục giảm. Ghi nhận, giai đoạn từ tháng 5/2022 đến tháng 01/2023, Trung Quốc duy trì chính sách Zero-COVID đã kéo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bán dẫn suy giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ phốt pho vàng. Hiện, Trung Quốc đã mở cửa kinh tế và đẩy mạnh sản xuất các thiết bị điện tử sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ chất bán dẫn hồi phục, song phải đến nửa đầu năm 2023.

Bột giặt LIX (LIX) cũng vừa lên lên kế hoạch cho quý 1/2023 với con số lãi thấp nhất trong 7 quý trở lại đây.

Hé lộ bức tranh kinh doanh quý 1/2023: Hầu hết giảm một nửa doanh thu, có DN được dự báo thua lỗ như Hoà Phát, Cao su Tân Biên và Bao bì Bỉm Sơn - Ảnh 3.

Nhìn tổng quan cho cả năm 2023, nhiều bên cũng đã có dự kiến với bức tranh chung là sụt giảm, khi áp lực từ suy thoái kinh tế, lạm phát, lãi suất tăng cùng với những khó khăn về thị trường trái phiếu trong nước.

Theo Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM