Hé lộ 4 lý do khiến các thị vệ Thanh triều cả đời không dám nghĩ tới chuyện hành thích vua dù không thiếu cơ hội

07/03/2020 15:30 PM | Sống

4 lý do dưới đây sẽ giải thích nguyên nhân vì sao tầng lớp thị vệ Thanh triều không có ai dám nghĩ tới chuyện ám sát nhà vua dù bản thân họ không thiếu năng lực và thời cơ.

Trong xã hội phong kiến Trung Hoa, Hoàng đế tuy được xem như Thiên tử (con trời), nhưng đồng thời cũng là một nghề nghiệp ẩn chứa nhiều nguy hiểm và rủi ro nhất thời bấy giờ.

Theo trang Qulishi (Trung Quốc), lịch sử nước này từng ghi nhận hơn 400 vị vua, tuy nhiên tuổi thọ trung bình của Hoàng đế Trung Hoa lại không vượt qua con số 39, thua xa so với tuổi thọ của thường dân bách tính.

Những nguyên nhân đoạt mạng các vị vua thời phong kiến cũng không kém phần đa dạng: Có người bị hạ độc mà chết, có người vì lạm dụng đan dược mà qua đời, cũng có người vì bị hành thích mà vong mạng.

Chính vì bảo đảm cho an nguy của bản thân, các Hoàng đế Thanh triều sau này đã giao trọng trách bảo vệ tính mạng của mình vào tay tầng lớp thị vệ.

Thế nhưng không ít người cũng đặt ra câu hỏi: Thị vệ Thanh triều là những người có võ công, lại được trang bị vũ khí, lẽ nào các Hoàng đế thời bấy giờ không sợ chính những người này hành thích mình hay sao?

Theo quan điểm của Qulishi, sở dĩ các Thiên tử Thanh triều không bao giờ lo ngại tầng lớp thị vệ sẽ làm phản là nhờ vào những lý do dưới đây.

Nguyên nhân thứ nhất: Thị vệ Thanh triều đều có xuất thân không tầm thường

 Hé lộ 4 lý do khiến các thị vệ Thanh triều cả đời không dám nghĩ tới chuyện hành thích vua dù không thiếu cơ hội - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Hoàng đế khai quốc của nhà Thanh là Hoàng Thái Cực năm xưa từng nhận định về các thị vệ dưới trướng của mình rằng:

"Thị vệ của trẫm có 40 người, đều là những người được Thái Tổ miễn quân dịch hoặc là anh em con chú bác, hoặc là con của các Bối tử Mông Cổ, không thì cũng là con nhà quan lại, bao y".

Từ đó có thể thấy, các Hoàng đế nhà Thanh thường sẽ chọn hậu duệ của những đối tượng đáng tin cậy thuộc Bát Kỳ Mãn Châu và Mông Cổ để làm thị vệ cho mình.

Tới thời Thuận Trị, Khang Hi hay đến cả khi Càn Long tại vị, số lượng thị vệ ngày một nhiều, nhưng đều là các con cháu của công thần, cũng có một số lượng nhất định là hậu duệ của các vương công, quý tộc Mông Cổ.

Những người này sở hữu thân phận không giàu sang thì cũng phú quý, do đó không dễ dàng bị lôi kéo bởi những kẻ có mưu đồ bất chính.

Hơn nữa, các Hoàng đế thời bấy giờ cũng không hồ đồ tới mức để con em của các gia tộc có dã tâm ngày đêm kề cận bên cạnh mình.

Hầu hết những dòng dõi có hậu duệ vào cung làm thị vệ đều có phủ đệ ở kinh thành và bị Hoàng đế nắm trong tay, bị triều đình quản lý nghiêm ngặt, theo dõi sát sao.

Nguyên nhân thứ hai: Đường quan lộ rộng mở của tầng lớp thị vệ

 Hé lộ 4 lý do khiến các thị vệ Thanh triều cả đời không dám nghĩ tới chuyện hành thích vua dù không thiếu cơ hội - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Bên cạnh đó, những người được làm thị vệ của các Hoàng đế Thanh triều, đặc biệt là Ngự tiền thị vệ đều có tiền đồ hết sức xán lạn.

Minh chứng là đại thần khét tiếng thời Càn Long năm xưa như Hòa Thân cũng từng bước thăng quan nhờ chức danh thị vệ.

Những nhân vật nổi tiếng khác của vương triều này như Sách Ngạch Đồ, Hô Nhĩ Hán, Long Khoa Đa… cũng gây dựng sự nghiệp trên chốn quan trường của mình từ vị trí này.

Vào thời bấy giờ, Nhất đẳng thị vệ đã được xem là chức quan tương đương với Phó đô đốc, được xếp vào hàng tam phẩm. Tương tự như vậy, Nhị đẳng thị vệ cũng sở hữu chức quan thuộc hàng tứ phẩm.

Do đó có thể nói, chức thị vệ tưởng chừng như bé nhỏ nhưng lại sở hữu tiền đồ rộng mở. Đặc biệt là đối với những người làm Ngự tiền thị vệ, việc thăng quan tiến chức, sở hữu tiền tài danh vọng có thể xem như chuyện sớm muộn.

Với những đãi ngộ trên trời như vậy, những người thuộc tầng lớp thị vệ thời bấy giờ chẳng mấy ai có ý đồ gây bất lợi cho Hoàng đế. Bởi làm như vậy sẽ chẳng khác nào dập tắt tiền đồ của chính bản thân mình.

Nguyên nhân thứ ba: Tuyệt chiêu thu phục lòng người của các Hoàng đế nhà Thanh

 Hé lộ 4 lý do khiến các thị vệ Thanh triều cả đời không dám nghĩ tới chuyện hành thích vua dù không thiếu cơ hội - Ảnh 3.

Tranh minh họa: Nguồn Internet.


Hơn nữa, để có được sự phục tùng tuyệt đối của tầng lớp thị vệ, Hoàng đế nhà Thanh sẽ chẳng ngần ngại đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ có lợi cho họ.

Sử sách Thanh triều từng ghi lại, năm xưa con trai của Thân vương Mông Cổ Đa Nhĩ Thấm tên là Đa Nhĩ Trạch được vào cung làm thị vệ, tuy nhiên trong lúc hầu hạ nhà vua đã hai lần để lưỡi đao hướng về phía Thiên tử chỉ vì… uống rượu quá chén.

Nếu chiếu theo luật pháp thời bấy giờ, hành động bất cẩn này là trọng tội phải chịu cực hình. Tuy nhiên Hoàng Thái Cực khi đó chẳng những không truy cứu mà sau này còn giúp Đa Nhĩ Trạch có cơ hội thăng quan tiến chức, trở thành đại thần trong triều đình.

Vì vậy, để có được sự trung thành tuyệt đối của tầng lớp thị vệ, các vua nhà Thanh chẳng những đưa ra nhiều "yêu sách" thu phục lòng người mà có đôi khi còn chấp nhận "mắt nhắm mắt mở" bỏ qua những sai lầm của họ.

Nguyên nhân thứ tư: Sự chi phối của những quan niệm phong kiến

 Hé lộ 4 lý do khiến các thị vệ Thanh triều cả đời không dám nghĩ tới chuyện hành thích vua dù không thiếu cơ hội - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Lý do cuối cùng khiến các thị vệ Thanh triều không có suy nghĩ ám sát Hoàng đế chính là bởi họ bị chi phối bởi vô số các quan niệm truyền thống của cổ nhân.

Tại Trung Hoa vào thời phong kiến, nghĩa quân thần được coi trọng hơn cả. Theo đó, thị vệ là những người sở hữu sứ mệnh thiêng liêng – bảo vệ Hoàng đế.

Nếu vi phạm lời thề hay làm trái với chức trách của mình, những con người này dù có tạo phản thành công cũng sẽ bị người đời khinh rẻ, thiên hạ sỉ nhục.

Tiếng xấu phản phúc ấy không chỉ đeo bám thanh danh của họ ngàn năm mà còn trở thành vết đen hạ bệ cả gia tộc.

Do đó, những thị vệ vốn xuất thân từ các gia tộc chú trọng danh tiếng sẽ không có khả năng làm ra những việc đại nghịch bất đạo như ám sát hay tiếp tay hành thích nhà vua.

Xuất phát từ những lý do trên, việc các Hoàng đế nhà Thanh tin tưởng và chấp nhận giao an nguy của mình cho tầng lớp thị vệ cũng có thể xem là điều dễ hiểu.

*Theo quan điểm của Qulishi.

Theo Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM