Hãy nhìn vào áo đấu Novak Djokovic và Stan Wawrinka để thấy người Nhật đã đánh bại đối thủ Mỹ thế nào

12/09/2016 16:49 PM | Kinh doanh

Giải quần vợt Mỹ mở rộng năm nay có một điều đặc biệt gần như chưa từng có tiền lệ. Nó vẫn là giải của Mỹ, thế nhưng nhìn đâu quanh mình người ta cũng chỉ thấy các vận động viên mặc quần áo mang thương hiệu Nhật.

Trận chung kết giải quần vợt Mỹ mở rộng giữa hai tay vợt lừng danh Novak Djokovic và Stan Wawrinka thu hút hàng trăm triệu khán giá trên truyền hình thế giới. Ở phía bên này, Novak Djokovic mặc áo in thương hiệu Uniqlo còn bên kia Stan Wawrinka mặc áo của Yonex.

Các vòng bán kết cũng tràn ngập thương hiệu thể thao của Nhật. Tay vợt Kei Nishikori mặc trang phục được tài trợ bởi Uniqlo, còn Gael Monfils mặc áo của Asics.

Ở những vòng đấu đầu tiên, người ta không nhận thấy sự thống trị của các thương hiệu Nhật, người ta vẫn nhìn thấy đâu đó Nike, Adidas hay New Balance.

Thế nhưng khi giải đấu càng đi đến những trận đấu quyết định của vòng đấu cuối cùng, các thương hiệu Nhật hiện diện ngày một mạnh mẽ hơn, áp đảo tất cả các thương hiệu thời trang thể thao của Mỹ.

Trong bối cảnh dân số Nhật ngày một già và giảm, kinh tế tăng trưởng yếu ảnh hưởng mạnh đến doanh số bán hàng, các hãng kinh doanh quần áo thể thao Nhật không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải cố gắng cạnh tranh quyết liệt hơn để tranh giành thị phần tại các thị trường quốc tế.

Uniqlo đang liên tiếp mở thêm cửa hàng bên ngoài nước Nhật. Còn trong năm ngoái, lần đầu tiên từ khi thành lập, hơn nửa lợi nhuận của Yonex đến từ nước ngoài.

Trong khi các hàng kinh doanh đồ thể thao Nhật ngày một khẳng định sự hiện diện của mình tại rất nhiều nước phát triển trên thế giới trong đó có Mỹ thì ngay chính tại quê hương mình, Nike lại không có được những bước đi táo bạo như vậy. Hay nói đúng hơn, năm nay không phải năm may mắn của Nike khi mà những ngôi sao của họ như Roger Federer hay Rafael Nadal thi đấu không đạt phong độ đỉnh cao để mang đến những khoảnh khắc hoàng kim cho thương hiệu.

Năm 2012, Uniqlo ký hợp đồng 5 năm với Djokovic và trước đó 1 năm hãng đã ký hợp đồng với Nishikori.

Những nỗ lực quảng bá thương hiệu thông qua ngôi sao thể thao đã mang lại nhiều thành công. Song song với việc ký hợp đồng với Djokovic, Uniqlo ráo riết mở thêm nhiều cửa hàng tại các nước thuộc lục địa châu Âu, đặc biệt là Pháp nơi có mức sống cao và đa dạng sắc tộc lớn đòi hỏi đến chủng loại hàng hóa đa dạng với nhiều mức giá tiền khác nhau.

“Nishikori đã giúp nâng tầm nhận diện thương hiệu của chúng tôi, anh cũng luôn phản hồi về chất lượng những sản phẩm Uniqlo mà anh mặc, chính vì vậy chúng tôi cũng có thêm động lực để cải tiến chất lượng sản phẩm”, phát ngôn viên của tập đoàn Fast Retailing hiện đang sở hữu thương hiệu Uniqlo, ông Naoto Miyazawa, tuyên bố.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành quảng cáo, bằng việc tiếp cận thị trường thể thao thông qua những “ngôi sao” đang lên, Uniqlo thực ra đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian công sức.

Giám đốc điều hành công ty quảng cáo Baker Street Advertising tại San Francisco, ông Bob Dorfman, nói: “Là công ty mới gia nhập thị trường, chưa có sự hiện diện mạnh mẽ như nhiều thương hiệu lớn khác. Việc thương hiệu đính kèm với tên tuổi lớn của ngành thể thao giúp Uniqlo đến được với hàng triệu người hâm mộ thể thao bình dân bởi phần đông trong số họ chỉ xem các giải lớn.”

Không thể rõ các ngôi sao thể thao đã mang lại tăng trưởng doanh thu đến mức độ như thế nào cho Uniqlo nhưng tháng 7 năm nay, Uniqlo công bố lợi nhuận và doanh thu tăng gần 20%.

Trong đó tỷ lệ đóng góp lợi nhuận của các thị trường nước ngoài ngày một tăng lên. Mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận như trên có thể nói là không tưởng trong bối cảnh kinh tế Nhật từ đầu năm đến nay vốn rất khó khăn khi đồng yên tăng mạnh “ăn mòn” lợi nhuận của các tập đoàn xuất khẩu.

Đối với trường hợp của Yonex và Wawrinka, dù phong độ thi đấu của các ngôi sao thể thao có thể thất thường nhưng một khi đã ký hợp đồng, công việc kinh doanh của họ vẫn đều đặn tăng trưởng. Sau 3 năm sụt giảm liên tiếp, doanh thu của Yonex đã tăng đều đặn suốt từ năm 2012, doanh thu bên ngoài nước Nhật trong cùng thời gian trên tăng gấp đôi lên 23,5 tỷ yên tức 230 triệu USD.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM