Hãy ngừng tôn vinh những giang hồ online méo mó, những kẻ lệch lạc trên mạng xã hội

03/04/2019 10:35 AM | Sống

Khi tin tức Khá Bảnh bị bắt giữ, nhiều người thở phào nhẹ nhõm khi đó có thể đánh dấu sự kết thúc của một văn hóa lệch lạc trên mạng xã hội. Giữa đám đông đó, vẫn có những kẻ lên tiếng “ủng hộ Khá Bảnh”. Câu chuyện người trong giang hồ này còn phải đẩy xa tới đâu người ta mới thấy sự nguy hại của nó?

Sáng ngày 2/4 đánh dấu một “tin xấu” với cộng đồng dân chơi ở Việt Nam khi thần tượng trong lòng họ, Nguyễn Bá Khá hay Khá Bảnh bị công an bắt giữ với nhiều cáo buộc khác nhau, từ tàng trữ chất ma túy tổng hợp cho tới cờ bạc.

Với một số người khác, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi đi học, đây là một tin mừng. Ít nhất rằng việc dạy dỗ, quản lý con họ sẽ đỡ một phần nào khi không phải nhìn những video của Khá Bảnh được cập nhật liên tục trên mạng xã hội.

Khá Bảnh càng nổi tiếng bao nhiêu thì người ta càng lo lắng cho sự méo mó của văn hóa mạng xã hội, sự lên ngôi của “người trong giang hồ online” cũng như một giới trẻ nổi loạn. Có người nói không thể đổ hết lỗi lên đầu Khá Bảnh vì nếu không có một anh Khá lên ngôi trên mạng thì cũng sẽ có một anh Giỏi nào đó khác thay thế - lỗi phải thuộc về sự quản lý của những bậc cha mẹ, cơ quan quản lý truyền thông. Nếu coi đó là một “đại dịch”, Khá Bảnh là mầm mống cho các tác nhân lây truyền và nó đòi hỏi tất cả mọi người cùng dẹp sạch ra khỏi mạng xã hội. Hoặc chí ít, hãy ngừng tôn vinh những điều méo mó như vậy.

Hãy ngừng tôn vinh những giang hồ online méo mó, những kẻ lệch lạc trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Fan nâng lên được thì cũng tẩy chay được

Điều cơ bản nhất để tạo ra một hiện tượng mạng xã hội? một thần tượng của Facebook, Youtube là gì? 

Chính là người hâm mộ - những netizen của mạng xã hội. Khá Bảnh đã tạo ra một nét văn hóa mới cho người trẻ: "văn hóa quẩy", "văn hóa Khá Bảnh". Tuy nhiên, thứ văn hóa đó không mang giá trị nghệ thuật cũng không truyền tải giá trị nhận thức - điều duy nhất nó tạo ra là một văn hóa thần tượng xấu xí.

Tuy nhiên, điều gì cũng cần có giới hạn; những người hâm mộ nâng Khá Bảnh lên tầm ngôi sao được thì cũng sẽ có một lượng lớn cư dân mạng khác sẽ hạ cậu Khá xuống được, tẩy chay khỏi môi trường mạng xã hội. 

Chúng ta có những câu chuyện “ở nhà con tôi ngoan lắm” thì người ta cũng nói được “chỉ là mấy cái video vui vẻ nhảy nhót thôi mà, có gì to tát đâu” - nhưng chính những thứ tưởng chừng như không có gì to tát ấy đang làm méo mó một nền văn hóa của giới trẻ. Từ bao giờ thế hệ Y, Z lại bị gắn liền với thứ “văn hóa Khá Bảnh” - người dàn hàng trên cao tốc, đốt xe để PR bẩn và đưa lên mạng những "thú chơi" suy đồi?

Nó có đại diện cho cả một thế hệ được không?

Dễ dãi với Khá Bảnh là tự làm hỏng văn hóa của người trẻ. Phải đến khi câu chuyện Khá Bảnh bị công an bắt, nhiều người mới lên tiếng phê phán, chỉ trích liệu có đã quá muộn?

Đã có quá nhiều câu chuyện về những thần tượng mạng xã hội, các ngôi sao Youtube với hàng triệu lượt theo dõi, hàng trăm triệu view được fan đưa lên cao ngút trên đỉnh danh vọng rồi cũng bị đẩy xuống. Cư dân mạng chắc sẽ không thể quên được hiện tượng Logan Paul, Youtuber đình đám nhất nhì một thời. 

Hãy ngừng tôn vinh những giang hồ online méo mó, những kẻ lệch lạc trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Trước khi có biến cố xảy ra tại Nhật Bản, Logan Paul vẫn được đánh giá là một Youtuber hài hước, dí dỏm. Chỉ vì một vài lời đùa cợt về khu rừng tự tử - vốn gợi nhiều nỗi đau với người dân Nhật Bản, Logan đã bị cả cộng đồng mạng tẩy chay, nhiều người hâm mộ quay lưng, lượng người theo dõi tụt dốc không phanh. Thậm chí cậu ta đã phải đăng đàn, lên tiếng xin lỗi những người hâm mộ trên toàn thế giới.

Một lời đùa cợt của Logan Paul phải trả giá bằng danh tiếng và đến tận bây giờ, người ta vẫn nhắc về vụ việc đáng tiếc đó. Một tín hiệu đáng mừng vì rốt cục cộng đồng mạng đã thể hiện sự sáng suốt của bản thân. 

Còn Khá Bảnh, cậu ta đã làm những gì? Đốt xe, dàn hàng ngang trên đường cao tốc, đánh bạc, đánh người, dường như một lời xin lỗi là không đủ cho ngần đó vấn đề, nhưng cộng đồng người hâm mộ nhận được điều gì sau những vụ việc xảy ra như vậy?

Im lặng. Không có gì.

Và những cá nhân còn đòi "cứu" Khá Bảnh

Trên Facebook chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ đã xuất hiện những sự kiện, những nhóm đòi “cứu” Khá Bảnh, giải thoát cậu khỏi phòng giam. Nhiều người nói đó chỉ là trò đùa vui, may ra trong vài nghìn người tham gia, hứng thú với sự kiện không có thật đó, chỉ có vài người là muốn “cứu” Khá Bảnh thật. 

Người hiểu chuyện có thể biết đó là trò đùa cợt, nhưng khi những đứa trẻ vẫn đang lướt Facebook mỗi ngày nhìn thấy các sự kiện đó với hàng trăm người yêu thích, liệu các em có nghĩ rằng nhiều người thực sự muốn giải cứu anh hùng mạng xã hội của mình? 

Và Khá Bảnh vẫn được tôn vinh một cách rầm rộ?

Đã đến lúc phải nhìn nhận câu chuyện Khá Bảnh một cách nghiêm túc khi các trò đùa nối tiếp trò đùa, “vui một chút thôi mà” có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực. Trong vòng gần 2 năm qua, các băng đảng, những nhóm thanh niên ăn theo trào lưu Khá Bảnh nổi lên trên mạng rất nhiều. 

Dần dần, nhiều bạn trẻ cảm thấy điều đó là hết sức bình thường và có phần thú vị! Trong các cuộc phỏng vấn về Khá Bảnh, nhiều cô cậu thiếu niên thấy câu chuyện Khá Bảnh không có vấn đề gì và các hành vi của anh ta thì được coi là “ngầu”. Đây không chỉ là vấn đề ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Theo giáo sư Simon Harding, giảng viên cao cấp bộ môn tội phạm học tại đại học Middlesex, trích lời trên tờ The Guardian, các băng đảng bắt đầu sử dụng mạng xã hội nhiều hơn từ năm 2014 và kể từ đó, số lượng băng đảng tăng lên gấp đôi trên mạng sau từng năm. 

Xuất phát là những trào lưu nhưng khi các vấn đề trở nên vượt ngoài tầm kiểm soát, cái đúng - sai nhập nhằng trên mạng xã hội, thiết nghĩ đã tới lúc chúng ta không nên coi đó là một trào lưu để tung hô nữa. Bạo lực học đường, suy nghĩ lệch lạc của người trẻ, văn hóa thần tượng: Nó không tách rời nhau tới thế mà xô đẩy dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng.

Ranh giới giữa sự đùa vui và những thứ nguy hiểm rất mong manh khi Youtube hay Facebook không thể có những bộ lọc hiệu quả trong khi trẻ em sử dụng mạng xã hội ngày càng trẻ hóa. Logan Paul đã bị tẩy chay, nhiều blogger khác cũng phải chấn chỉnh lại bản thân sau những phát ngôn gây sốc. Youtube đã tắt nguồn thu hàng trăm triệu mỗi tháng của Khá Bảnh, nhiều “giang hồ mạng” cũng biến mất; còn Khá Bảnh, không phải đã đến lúc các netizen chấm dứt sự tôn vinh lệch lạc những thứ văn hóa giang hồ này sao?

Làm người tốt thì chán đấy nhưng không bị đi tù

Tôi và bạn, ở độ tuổi 14, 15 luôn có trong mình tư tưởng nổi loạn, vượt ra ngoài khuôn mẫu và những phép tắc được định hình, tô vẽ bởi gia đình và xã hội. Những cô cậu thanh thiếu niên đã quá chán với những thứ nhàm chán của trường lớp và gia đình, họ cần một nơi để giải tỏa bất mãn của tuổi trẻ. Đôi khi không cần biết đó là đúng hay sai, chỉ cần nó đưa người ta thoát khỏi những bức bách, áp lực.

Khi Khá Bảnh biến mất, một “giang hồ mạng” khác sẽ lên thay thế, kéo theo một trào lưu khác, dị biệt và có thể đi xa hơn những điều tiêu cực hiện tại. Không ai có thể cấm được những đứa trẻ làm điều gì nhưng hãy coi đó là một bài học, một ví dụ để ai cũng có thể hiểu được đúng sai của vấn đề này. Thay vì chỉ trích những người trẻ vì xem chúng, hãy ngồi xuống và thử nhìn nhận xem có điều gì không ổn ở đây? Hãy để người trẻ hiểu rằng, những điều tốt đẹp có nhàm chán, chúng ta cũng không nên ngợi khen, tôn vinh những thứ nhố nhăng. Nếu không thể lấy những điều tích cực làm chuẩn mực cuộc sống, cũng đừng để điều tầm thường phản chiếu con người mình.

Câu chuyện của Khá Bảnh khiến người ta ngẫm lại mọi điều trong xã hội; phải như thế nào khi người trẻ mới có những nhập nhằng về giá trị, chuẩn mực hay những tiêu chuẩn của xã hội? Có người coi đó là một cuộc khủng hoảng niềm tin khi những gì người trẻ được học không giống như những gì trong cuộc sống.

Hãy ngừng tôn vinh những giang hồ online méo mó, những kẻ lệch lạc trên mạng xã hội - Ảnh 3.

Gỡ bỏ Khá Bảnh trong lòng người trẻ có thể không khó khi một mai đây, các em sẽ trưởng thành hơn và nhìn mọi thứ thấu đáo hơn nhưng giải quyết được khủng hoảng niềm tin trong lòng người trẻ không phải điều dễ dàng.

Theo Skye

Cùng chuyên mục
XEM