Hãy mơ giấc mơ lớn như những người giàu nhất sàn chứng khoán đã làm

27/05/2016 15:04 PM | Kinh doanh

Những doanh nhân giàu nhất trên thị trường chứng khoán hiện giờ từng khởi nghiệp từ xuất phát điểm bình thường, thậm chí rất thấp. Có thể khi khởi nghiệp, họ cũng chưa mơ một giấc mơ lớn nhưng trải qua những khó khăn, tích lũy đủ nội lực, giấc mơ lớn dần lên và họ đã lên đến vị trí đáng nể.

“Hãy mơ những giấc mơ lớn” là thông điệp mà Tổng thống Mỹ Barack Obama để lại cho những người trẻ tuổi Việt Nam sau buổi nói chuyện tại Dreamplex.

Giấc mơ lớn là gì? Như ông Trương Gia Bình từng chia sẻ, ước mơ khởi nghiệp “không phải là chuyện mấy ông ăn rau muống cãi nhau về Sillicon Valley. Không phải chỉ nghĩ đến hơn 90 triệu người dân Việt Nam, cũng không phải là 600 triệu người trong cộng đồng các quốc gia ASEAN mà phải hướng đến 7 tỷ người trên toàn cầu ngay từ khởi đầu.”

Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup ( VIC )

Ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes, đồng thời có trong top 20 gương mặt mới nổi bật của Forbes năm 2013.

Năm 1987, nhờ thành tích xuất sắc về toán học, ông Vượng đã giành được một suất học bổng du học tại Matxcơva. Tại đây, ông học về chuyên ngành kinh tế và địa chất ở Học viện địa chất Matxcơva.

Ông Vượng khởi nghiệp với việc mở một cửa hàng ăn tại cao tốc Aminevskoe, nơi có nhiều người Việt sinh sống vào những năm 1990. Sau khi kết hôn, ông chuyển tới thành phố Kharkov, tiếp tục vay 10.000 USD và đến Kiev, mở một cửa hàng ăn khác lấy tên Việt Nam Thăng Long.

Vay tiền những người bạn Việt Nam, năm 1993, ông bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền với thương hiệu Mivina rồi tiếp tục vay Ngân hàng châu Âu để mở rộng sản xuất sang các sản phẩm khác như rau thơm khô đóng gói, bột khoai tây, soup, …

Ông Vượng từng chia sẻ, những năm 1997 – 1998, chỉ nghĩ kiếm được 2 triệu USD sẽ ngừng kinh doanh về hưu, nhưng cuối cùng không dừng ở đó, ông quyết định về nước làm ăn. Vinpearl rồi Vingroup đã ra đời và giờ đây trở thành tập đoàn tư nhân đa ngành nghề lớn nhất Việt Nam.

Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát ( HPG )

Tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đi làm đến khi đã bước qua tuổi 30, ông Trần Đình Long cùng nhóm bạn của mình thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát chuyên buôn bán các loại máy xây dựng. Từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực như nội thất, ống thép, thép, điện lạnh, bất động sản.

Là một doanh nhân kín tiếng, ông Trần Đình Long ít nói về quá trình xây dựng doanh nghiệp của mình. Chỉ biết rằng sau 20 năm phát triển, Hòa Phát giờ là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai ( HAG )

Quá trình khởi nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức thường được nhắc đi nhắc lại bởi “sự kiện” thi đại học 3 lần mới đỗ. Dù vậy, mong muốn khởi nghiệp bằng học vấn vẫn không phải là con đường số mệnh của đại gia này. Sau một năm học ở Đại học Nông Lâm, ông Đức bỏ đi làm thợ cưa thuê cho một số chủ gỗ.

Biết nghề, ông quay về nhà mở một xưởng mộc nhỏ ở quê chuyên đóng bàn ghế cho học sinh. Dịp tình cờ gặp một chuyên gia người Đài Loan đi tìm hiểu thị trường đầu tư kinh doanh mặt hàng gỗ ở Gia Lai đang muốn hợp tác đầu tư liên doanh, Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku đã ra đời với hoạt động kinh doanh chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ.

Lấy đà đi lên từ đó, ông Đức mở rộng thị trường tiêu thụ rồi cùng với hoạt động kinh doanh chế biến xuất khẩu gỗ, bắt đầu từ những năm 2000, Hoàng Anh Pleiku mở rộng hoạt động kinh doanh như sản xuất đá granit, chế biến mủ cao su, sản xuất bao bì, đầu tư kinh doanh dịch vụ khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản… và chuyển thành Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch CTCP Bất động sản Phát Đạt ( PDR )

Sinh ra trong một gia đình 8 anh chị em, ông chủ Phát Đạt không được học đại học, dù từ lớp 1 đến 12 ông Đạt đều là học sinh trường chuyên. Khi học xong lớp 12, vì hoàn cảnh gia đình, ông rời ghế nhà trường và theo bố mẹ kinh doanh.

Đầu tiên ông Đạt làm việc trong ngành kinh doanh buôn bán ô tô rồi chuyển sang buôn bán Bất động sản. Bước ngoặt của sự nghiệp và tên tuổi của ông gắn liền với CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt với sự thành công của dự án EverRich I.

Trương Gia Bình – Chủ tịch CTCP FPT (FPT)

Trước khi bước qua tuổi 30, công việc của ông Bình gắn chặt với việc học tập và nghiên cứu. Tốt nghiệp Cử nhân Toán, trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, CHLB Nga, 3 năm sau, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Toán Lý của trường này. Về nước năm 26 tuổi, ông làm tại Viện Cơ học thuộc Viện khoa học Việt Nam. Sau đó, từ năm 1983 tới 1985, ông là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện toán học Steclov thuộc viện Hàn Lâm khoa học Xô Viết.

Năm 1988, khi bước sang tuổi 32, ông Bình cùng các thành viên khác sáng lập Công ty công nghệ Thực Phẩm, tiền thân của Tập đoàn FPT sau này.

Hiện giờ, khi bước qua tuổi 60, ông Bình thường diễn thuyết tại các tọa đàm về khởi nghiệp để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Theo quan điểm của ông, những người khởi nghiệp cần phải có tầm nhìn toàn cầu. "Không phải là chuyện mấy ông ăn rau muống cãi nhau về Sillicon Valley. Không phải chỉ là chuyện nghĩ đến hơn 90 triệu người dân Việt Nam, cũng không phải là 600 triệu người trong cộng đồng các quốc gia ASEAN mà phải hướng đến 7 tỷ người trên toàn cầu ngay từ khởi đầu."

Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen ( HSG )

Khởi nghiệp với cửa hàng bán tôn có số vốn 2 chỉ vàng vào 1994 ở Sài Gòn rồi mở ra một xưởng cán tôn nhỏ vào 1997 để mưu sinh, ông Lê Phước Vũ đã nhanh chóng phát triển cơ sở kinh doanh của mình thành một DN với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng.

Sau hơn 20 năm khởi nghiệp, ông Lê Phước Vũ là Chủ Tịch của Tập đoàn Hoa Sen - một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam. Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen thường chia sẻ, chìa khóa thành công của mình chính là “hệ thống phân phối”.

Đặng Thành Tâm – Chủ tịch CTCP Kinh Bắc ( KBC )

Đặng Thành Tâm sinh ra tại thành phố Hải Phòng. Năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, ông theo gia đình vào thành phố Hồ Chí Minh và đến năm 1982, Đặng Thành Tâm trở lại quê mẹ ở Hải Phòng để theo học Đại học Hàng hải Việt Nam.

Ra trường, ông Tâm làm đúng nghề đi biển khi ngành hàng hải đang rất “hot”. Nhưng sau này, chuyến tàu ít đi, ông Tâm rơi vào cảnh thất nghiệp trong 2 năm cho đến khi vào làm ở công ty của chị gái Đặng Hoàng Yến. Khi đó, tố chất kinh doanh được phát huy tối đa.

Sau một thời gian làm thuyền trưởng tại công ty này, ông Đặng Thành Tâm về Bắc Ninh thành lập CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc. Trải qua nhiều biến cố trên con đường sự nghiệp, giờ Kinh Bắc vẫn là cái tên nóng trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp.

Theo Tú Tú

Cùng chuyên mục
XEM