Hãy dẹp ngay quan điểm đi làm cho vui đi! Dân sales đầu tiên phải làm vì tiền đã, sau đủ tiền rồi, giàu rồi thì mới vì vui
Trái với suy nghĩ nhiều người khi cho rằng bán hàng giỏi là do kỹ năng, nghệ thuật, do “duyên”…chuyên gia Đỗ Xuân Tùng khẳng định sales giỏi bắt nguồn từ ý chí phấn đấu.
Trong chương trình Cafe8 tổ chức trên fanpage Cafebiz gần đây, ông Đỗ Xuân Tùng, Chuyên gia tư vấn và đào tạo kỹ năng bán hàng đã tiết lộ việc bán hàng có thành công hay không phụ thuộc vào một yếu tố “hơi lạ”, đó là ý thức của người sales.
“Mọi người hay hình dung nghề sales có một bộ kỹ năng, vận dụng bộ kỹ năng này vào là thành công. Nhưng mình thấy cái đấy chỉ đúng khoảng 40%; 60% còn lại liên quan đến ý thức của dân sales”.
Ông Tùng cho rằng hầu hết mọi người đều có thể trở thành nhân viên bán hàng. Tuy nhiên có những mẫu người không thể làm sales, cho dù có thể họ có khả năng.
"Có nhiều người rất giỏi, nhìn là biết người này có khả năng, cho vào cuộc họ sẽ làm tốt, nhưng thực tế vẫn không sales được vì họ đã làm nghề sales lâu rồi, không còn thấy yêu thích nữa.
Cũng có trường hợp nhiều người không quen vất vả, mà chỉ thích công việc ngày làm 8 tiếng, sáng 9h đến công ty chiều 5h về, thoải mái uống bia với bạn bè, những người ấy không hợp nghề sales vì nghề sales là nghề vô cùng vất vả, phải chấp nhận mệt mỏi mới làm được.
Một trường hợp nữa là người ta đủ khả năng nhưng không mong cầu một cuộc sống quá sung túc nên ý chí phấn đấu ngắn lại, những người này làm nghề sales cũng khó thành công.
Vì thế, khi chọn nhân viên sales, ngoài kỹ năng, mình còn nhìn xem tinh thần, hoàn cảnh của họ thế nào”.
Theo ông Tùng, nếu gặp huấn luyện viên chuyên nghiệp, nhân viên sales có thể học xong kỹ năng sau 1-2 tuần, nhưng có động lực để dùng kỹ năng đó vào công việc hay không lại là một vấn đề khác. Vì vậy, mỗi nhà tuyển dụng nên tìm hiểu lý do một nhân viên xin vào vị trí sales là gì? Họ kiếm tiền cho ai? Tình hình tài chính của họ đang ở mức nào?
“Mình gặp nhiều trường hợp nói ‘em làm cho vui’, mình nói thẳng luôn ‘em không hợp với anh, vì anh làm vì tiền, chứ không phải vì vui’. Đầu tiên phải làm vì tiền đã, sau đủ tiền rồi, giàu rồi thì mới vì vui”.
Ông Tùng cho rằng, nghề sales không đỏi hỏi bằng cấp, thậm chí chỉ cần những người biết đọc viết, tính toán cơ bản nên càng những ai có nhu cầu cần tiền rõ ràng, động lực thành công càng cao. Những người ấy biết mỗi tuần cần kiếm bao nhiêu tiền để gửi cho bố mẹ, ông bà ở quê, để nuôi em ăn học... chứ không chung chung kiểu muốn thành người giàu thứ hai châu Á hay tỷ phú số 1 Việt Nam. Với những người mà ngày nào không làm là không có tiền, động lực thúc đẩy họ làm việc sẽ rất lớn.
Ông Tùng lấy ví dụ từ chính bản thân ông, trước đây cũng là “công tử bột”, được bố mẹ chiều chuộng, chỉ cần phấn đấu có một công việc ổn định, lập gia đình, “có cháu cho các cụ bế” là được. Nhưng sau đó biến cố ập đến, gia đình ông mất một khoản tiền khá lớn nên tự ông phải đứng dậy, bước ra đời bươn trải.
“Mình thấy những người nghèo, người có hoàn cảnh tương đối khó khăn thì động lực làm việc của họ mạnh lắm”.
Tuy nhiên vị chuyên gia cũng thừa nhận, một thực tế đang tồn tại hiện nay là nhiều người làm sales mong chờ thành công quá mức nên họ dùng mọi thủ đoạn trong công việc. Ví dụ công ty đưa ra một chương trình nào đó, nếu sales đạt được thì nhận thưởng, nhưng trước khi chạm mốc yêu cầu, sales tự tính toán, lấy khoản tiền khuyến mãi đưa trước cho khách hàng để bán được nhiều sản phẩm. Hoặc nhiều người thay vì thuyết phục khách hàng bỏ tiền, thì lại tự cầm cố nhà, xe để mua hàng, rồi ung dung nhận phần thưởng từ công ty, được thăng chức, tăng lương... Đến khi chương trình kết thúc, họ lại bán sản phẩm đi rồi lấy nhà, lấy xe về.
“Những người làm vậy có thể qua mặt công ty, có thể lên làm quản lý nhưng họ đi quá sớm, tức là trình độ chưa đủ mà đã làm ở cấp cao hơn thì sẽ gặp vô số cái vướng mắc đằng sau, như các cụ nói là ‘tham thì thâm’.”
Đối với người quản lý giỏi, phải dẫn dắt sales đi theo hướng “chính ngạch”, khuyến khích họ ngoài việc phấn đấu mua nhà, mua ô tô thì còn cần liên tục học hỏi kỹ năng, tự phát triển bản thân, có như vậy mới “thành công bền vững, không bị lúc lên lúc xuống”, ông Tùng kết luận.