img
Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 1.


Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 2.

Trước Noel 2014 một tuần, công ty FPT, nơi Liên đã làm việc được gần một năm, tổ chức Ngày phụ huynh, mời người nhà nhân viên vào tham quan. Hôm đó, má Liên mặc chiếc sơ mi đen được là ủi kỹ, bên ngoài là bộ vét đen mới, khuy trắng tròn to bản. Ba Liên bận sơ mi trắng và bộ vét ghi nhạt rất vừa người, tất cả cũng mới toanh. Mái tóc sẫm màu của ông vẫn được vuốt sang bên, nếu như không có hàng ria tỉa gọn ghẽ thì trông ông giống một cậu học trò. 

Hoa gài trên ngực, tay giữ cái thẻ nhựa Visitor trước bụng, hai người vừa ngó dãy màn hình phẳng và lắng nghe chị quản lý mô tả công việc của Liên. Cách đó một dãy bàn, cô quan sát vẻ mặt của ba má. Hôm nay, lần đầu tiên cô mặc váy tới công ty, và xấu hổ tới mức cả buổi không dám rời bàn đi toilet. Buổi sáng, thậm chí Liên còn đánh một tí son. Cô có cảm giác một Liên mới đang cựa mình trong cô. Đôi khi cô vẫn tiếc là hồi mười lăm tuổi, khi còn chưa mập, cô lại không dám mặc áo dài. Hồi đó cô sợ vấp phải tà áo mà ngã. Thỉnh thoảng cô vẫn mơ màng hình dung ra các ngón tay mình vụng về lần cài các khuy áo dài trên thân.

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 3.

Giờ này năm ngoái, có ai mà hình dung ra được giây phút này. Trong năm qua, Liên nảy nở trong môi trường trẻ trung, năng động và vui nhộn của công ty. Giữa năm, cô được bổ nhiệm là trưởng nhóm testing, phụ trách công đoạn tìm lỗi trong phần mềm. Cuối năm, cô được tuyên dương là nhân viên mới xuất sắc. Chỉ đáng tiếc là kế hoạch ra Hà Nội công tác của cô hai lần bị đổ bể. Thành phố này vẫn là một huyền thoại mà cô chỉ biết qua sách vở. Liên cảm thấy hãnh diện. Giờ đây cô đã có thể về làng mà không bị thương hại hay dòm ngó như một loài thú lạ mang bệnh ung thư. Cô không biết rằng đây là những giờ phút yên ả cuối cùng trước một trận đánh mới. 

Một tuần sau buổi tham quan của ba má, khi Liên cúi xuống nhặt một tờ giấy thì một cơn đau xuyên qua buồng phổi cô như một tia chớp. “Di căn!” Cô thầm kêu, đầy sợ hãi. 

 Nó đã trở lại.

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 4.

Vài hôm sau, bỗng nhiên Liên ngã lăn quay khi đang đợi thang máy, chiếc cà mèng cơm lăn ra xa, khiến cô vô cùng xấu hổ. Về sau, các bác sĩ giải thích rằng xương cô đang yếu dần, làm cô mất đi khả năng giữ thăng bằng. 

Sau Tết, Liên ngồi trong căn phòng trọ của mình, người cô hầm hập sốt. Liên vẫn giấu mọi người, cô lại rúc đầu xuống cát, như hai năm trước. Mấy hôm nghỉ Tết ở quê, cô ngồi nguyên một chỗ giả vờ đọc sách, cho tới khi ba má ra chỗ khác thì mới bám tường chập chững lần ra toilet. “Xin cho con được bình an trong những năm tháng sắp tới.” Cô cầu khẩn. Thiện ở trên gác xép, nó không hay biết gì. Tới giờ cô vẫn là người càng khi hoạn nạn thì lại càng lánh xa người thân. “Kính nhờ tổ sư Dasira Narada, xin giúp con. Thực sự lúc này con rất sợ, và con không có ai để chia sẻ. Con chỉ có một mình.” Cô hướng tới tổ sư thiền người Sri Lanka, trong khi Thiện chỉ cách cô có hai mét.

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 5.

“Nó ăn vào xương con quá nhiều rồi,” ông bác sĩ cũ của Liên đọc phim và xác nhận. Cuối cùng, cô không có cách nào tránh được việc gặp lại ông. Sức khỏe Liên đi xuống nhanh chóng. Cô bị đau dữ dội khi đi tiểu, và bắt đầu phải ngồi xe lăn. Khi khối u ung thư đã đủ lớn ở nơi nó được sinh ra và lớn lên, nó sẽ ôm lấy thành mạch máu hay tuyến bạch huyết gần nhất, bắt đầu ăn mòn nó và xâm nhập vào bên trong. Khi đã xuyên qua thành mạch, những tế bào ung thư, hoặc đơn độc, hoặc bám vào nhau thành băng đảng, sẽ thả mình trôi theo dòng chảy để tới những miền xa xôi của cơ thể. Xuất phát từ vú, đội quân này có thể cập bến tủy xương, phổi, gan hay hạch nách. Cùng với gan và mật, xương là điểm đến phổ biến nhất, ưa thích nhất, để chúng kết thúc chuyến chu du của mình. 

Với chúng, hành trình này không phải là một cuộc dạo chơi. Chỉ những tế bào rắn rỏi nhất mới sống sót trước sự tấn công của hệ miễn dịch của cơ thể chủ nhân. Trong tác phẩm kinh điển Hiểu về sự chết, tác giả Sherwin B. Nuland, bác sĩ phẫu thuật và giảng viên lịch sử y học tại Đại học Yale, ước lượng rằng “chỉ một trong một trăm nghìn tế bào ung thư đi vào máu sẽ sống sót để chạm tới được một cơ quan nội tạng khác.” Thậm chí tới lúc đó, một phần lớn những kẻ thiện chiến nhất này cũng sẽ lụi tàn vì chúng không thiết lập được nguồn dinh dưỡng ở nơi ở mới. Chỉ một số rất nhỏ thành công trong việc kích thích được sự phát triển của những mạch máu li ti để cung cấp thức ăn cho chúng. Khi đó, chúng bắt đầu sinh sôi nảy nở, xây dựng quần tộc trên thuộc địa mới của mình. Chúng mang tên di căn hay ung thư thứ cấp. Đó là lý do quá trình di căn thường âm thầm kéo dài. 

Ở Liên, nó chỉ cần mười mấy tháng.

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 6.

Liên kể một điều mà tôi biết là bất ngờ và khó chấp nhận với phần lớn.Tôi tìm lại các bài báo về Liên, không bài nào nhắc tới điều này, dù Liên nói rằng cô luôn nhắc tới nó, vì nó quan trọng. Nó đi ngược với quan điểm xã hội về mục đích của ngành y, về trách nhiệm đạo đức của gia đình và của người bệnh. 

Liên khước từ hóa trị. 

Sự khủng khiếp của những hiệu ứng phụ hồi hai năm trước vẫn còn trong ký ức cơ thể của cô. Ngay hồi đó, Liên đã biết rằng cô không muốn kéo dài thời gian sống bằng mọi giá. 

Tôi đã gặp những gia đình ép người bệnh chịu đau đớn tới ngày cuối bởi những ca mổ làm kiệt sức, những phác đồ hung dữ, trong khi người bệnh van xin được về nhà để chuẩn bị cho sự ra đi của mình trong một không gian thân thuộc và sự tĩnh lặng. “Về nhà nghĩa là chấp nhận thế là hết,” một tháng trước ngày gặp Liên, một người bạn trung niên kể với tôi về trường hợp người em trai bị suy gan nặng của mình. Người nhà bắt anh ở lại bệnh viện để “tiếp tục chiến đấu”. Gia đình anh để sẵn ra gần một tỉ bạc và chờ đợi hàng giờ hàng phút cái gan thay thế để thực hiện ca ghép gan. Trên giường bệnh, người em sốt cao và mê sảng. Trên người đầy máy móc, anh vẫn liên tục bị tiêm và chịu các can thiệp chữa cháy như thắt động mạch lá lách hay dùng kháng sinh mạnh để chống vi khuẩn độc tấn công lên não.

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 7.

Anh bạn tôi thừa nhận là vì các tác động của thuốc và phẫu thuật nên “dù có mổ thành công, cái gan có thể hoạt động được, thì cái đầu cũng chưa chắc.” “Có thể sau đó cậu ấy sẽ sống một đời sống rất là vật vờ, không phải đúng nghĩa là sống.” Anh nói thêm cho rõ nghĩa, anh có bằng tiến sĩ luật. Rồi anh chốt bằng một câu khiến tôi ớn lạnh, “Mặc dù biết là như thế nhưng gia đình tôi vẫn quyết định mổ cho cậu ấy.” Không may (hay là may?), người em qua đời trước khi lá gan thay thế đến kịp. 

“Đó không phải là cách ra đi mà người ta mong muốn,” Ira Byock, bác sĩ Mỹ và tác giả cuốn Chết thanh thản: Viễn cảnh phát triển lúc cuối đời, viết. “Nhiều gia đình không hình dung được là có gì tệ hơn cái chết của người thân. Nhưng có điều tệ hơn, đó là cái chết tồi tệ, chết trong đau đớn, hành hạ, với đầy dây dợ, máy móc trên người.” Nhiều người tắt thở trong tình trạng bị trói chặt chân tay, để họ không vô thức giật các ống truyền ra khỏi người.

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 8.

Tôi không rũ bỏ được cảm giác gia đình anh bạn tôi đã làm tất cả những việc họ làm để phục vụ cho người ở lại, chứ không phải cho người sắp ra đi. Rằng chịu đựng những tra tấn của “chữa bệnh” là nghĩa vụ của người bệnh để người khỏe giữ lương tâm mình trong sạch. Các bác sĩ thuyết phục, Liên chỉ lắc đầu và khóc. Cuối cùng họ đầu hàng, giống ba má Liên trước đó. Nếu Liên chạy hóa chất, cô sẽ có thêm được bao nhiêu thời gian sống? Quãng thời gian gia tăng đó có xứng đáng với những đau đớn mà cô sẽ phải trải qua? Có ai biết được? Ai là người có quyền phán xét? 

Nhưng tới giờ tôi biết được là “chữa chạy tới hơi thở cuối cùng” không phải là cách duy nhất để bày tỏ lòng yêu thương, trách nhiệm, hay ý thức về đạo lý. Liên nói với ba má: “Nếu không chạy hóa trị con sống được sáu tháng, còn hóa trị con sống được một, hai năm, thì con vẫn chọn không hóa trị.” Dường như các phóng viên đã bỏ qua chi tiết này vì nó không hợp với tự sự “anh hùng” mà họ muốn vẽ nên. Tôi cho rằng cần thay đổi cách ta hiểu về khái niệm anh hùng.

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 9.

Các bác sĩ đoán Liên chỉ còn không quá ba tháng, nếu không có điều kỳ diệu nào xảy ra. Ba Liên biết điều này, má Liên biết điều này, dù người nào cũng nghĩ là chỉ mình mình biết. Công ty của Liên biết điều này. Chỉ Liên là không biết. Công ty phát động phong trào mỗi người gấp một con hạc giấy để cầu nguyện cho Liên. Chị phụ trách dai dẳng đề nghị Liên đồng ý để công ty tài trợ cô một chuyến ra Hà Nội chơi, khiến cô ngạc nhiên. Khi nào đi lại được thì mới nên đi chơi chứ, “ngồi xe lăn thì còn ý nghĩa chi,” cô gạt đi. Hơn nữa, cô muốn “thưởng thức” Hà Nội vào mùa lạnh. 

Liên cũng thắc mắc vì sao ba má bỏ kế hoạch sửa nhà đã lên từ năm trước. Cô thúc “Con muốn có cái toilet tử tế. Bệnh của con còn dài, con không muốn nằm trên giường mà phải che nylon tránh dột nữa đâu.” Ba má Liên lẳng lặng làm theo. Các bác sĩ trả Liên về. Hôm đó, xe ô tô của công ty trực sẵn ở dưới để chở Liên về phòng trọ. Một tay Liên ôm hoa che kín cả ngực, tay kia ôm con gấu bông to tướng, bên cạnh là hai thùng carton đựng hơn bốn nghìn con hạc giấy. 

Ba má Liên đau đầu tính chỗ để quan tài của Liên trong căn nhà ở quê đang sửa tanh bành. Nhưng Liên không chết. Cô bắt đầu lết loanh quanh trên sàn. Trong cái nóng bức của tháng Năm, Liên đặt hai cánh tay lên trên sàn, dồn sức đẩy mình đi. Cô thấy mình là một đứa trẻ sơ sinh. Xung quanh cô là hàng ngàn con hạc giấy lấp lánh màu sắc. Chúng lơ lửng trên mặt đất nhưng không đủ sức bay lên cao.

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 10.

“Em cần mười phút để lết từ chỗ này ra cái bồn rửa mặt,” cô chỉ ra cái bồn cách chỗ chúng tôi ngồi hai mét. Liên âm thầm vào các nhóm chat của công ty trên Skype. Cô đọc những trao đổi của đồng nghiệp, lặng lẽ khóc và cảm thấy cô độc vô cùng. Những cơn đau hay đến bất thình lình và đục khoét tít ở sâu bên trong. Liên sờ nắn người, cô hình dung các con bọ ung thư đang gặm nhấm cơ thể mình như mối mọt ăn gỗ. Cô nhìn quanh, căn phòng trọ cằn cỗi trở nên rộng mênh mông. Sự trơ trọi này thật tệ, nhưng chính cô lựa chọn nó. Cô chọn sự cô độc vì cô thấy mình là một kẻ ăn bám, một gánh nặng cho mọi người trong suốt hai mươi lăm năm qua.

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 11.

Liên tập lết cả sáng, cả chiều, dai dẳng như một con muỗi bị giập nửa người. Đó là những cuộc trường chinh trên hai cánh tay. Lết ra được tới cái bồn, cô dùng hai tay bám lấy nó đứng lên, lẩy bẩy như đứng trên hai sợi bún. Rồi Liên thả hai tay ra, cố gắng giữ thăng bằng. Cô bước một chân lên trước và ngã sấp vào cái đệm đặt dưới sàn. 

Một tháng sau, cô đã có thể men tường chập chững vào phòng vệ sinh chứ không phải bò tới đó nữa. Các bác sĩ bất ngờ. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, tới nhà trọ thăm Liên và ngồi ở mép giường gấp tặng cô một con hạc. Báo chí tới phỏng vấn cô và viết rằng cô là nguồn cảm hứng của mọi người. Cô lên cân trở lại.

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 12.

Điều gì khiến cô vượt qua được những giây phút muốn buông xuôi, tôi hỏi. Có phải chỉ vì cô sợ bị coi là ăn bám? Liên do dự suy nghĩ. Có thể nó là “cái lì” nằm trong máu của cô? 

Liên kể lại những ngày mình tập xe đạp. Cô thử cái xe thấp, cô thử cái xe cao, cái yên to, rồi cái yên bé. Hàng năm trời, cái chân khoèo của cô khiến cô không tài nào đạp được trọn một vòng tròn. Liên tập từ lớp Hai, nhưng chỉ sau khi được mổ chân vài lần cô mới có thể đạp xe tới trường vào năm lớp Sáu. 

Sau gần hai tháng lê lết trong phòng trọ thì Liên đã phục hồi tới mức cô ngồi được sau xe máy. Cô nhờ Thiện chở tới công ty thăm mọi người. Bám vào tay một cô bạn, Liên chập chững bước vào phòng. Trước mắt cô là các dãy màn hình, bàn phím, chuột, những chồng giấy in mã nguồn và sơ đồ cấu trúc phần mềm chất đống trên bàn. Năng lượng của công nghệ, của tuổi trẻ và của những vận động trí não treo lơ lửng trong không trung. Không gian này đã xuất hiện biết bao lần trong các giấc mơ của cô. Cô hít một hơi dài và lần dọc lối đi. Các đồng nghiệp dừng tay trên bàn phím, ngẩng đầu lên nhìn. Lần tới bàn làm việc cũ, cô thắc mắc, “Máy tính của em đâu? Sách của em đâu?” Mọi người chống chế, “Khi nào mày lên thì người ta mới sắp xếp lại, chứ giờ chỗ này để cho người ta ngủ trưa,” Liên dọa, “Trả lại máy cho em đó nhé! Đừng có mà thanh lý đi đâu đó nhé!”

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 13.

Ngày mồng Một tháng Sáu, Liên đi làm lại. Đêm hôm trước, ba má từ quê ra. Lúc đó hai người mới vỡ lẽ là người này giấu người kia về chuyện bác sĩ nói Liên chỉ còn ba tháng. Bữa tối hôm đó sao mà vui vẻ. Ba Liên nói với cô: “Con coi giữ gìn sức khỏe, chứ không ai sống lại quá nhiều lần đâu.” Trước khi chìm vào giấc ngủ, cô nổi hứng làm triết gia. “Tôi bảo, thứ chúng ta dễ đánh mất nhất là thứ chúng ta tưởng rằng là mình có nhiều. Hãy nhớ cho, cuộc đời này có bao lâu đâu.” Liên viết trên Facebook như vậy. “Nếu có yêu tôi, thì hãy yêu tôi bây giờ. Đừng đợi ngày mai, đến lúc tôi qua đời. ” 

Trong dư âm của cuộc khủng hoảng, Liên suy nghĩ nhiều hơn tới sự vô thường của cuộc đời. Cô đặc biệt thích một đoạn văn của Nguyễn Ngọc Tư. “Bông lau sậy đẹp nhất là lúc đang tàn, lúc đang phai. Dường như có vài thứ giống vậy, như mùa thu, pháo hoa, giao thừa, tiếng chuông chùa… Lúc đẹp là lúc mất. Chẳng hiểu đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên đẹp.” 

Cô nghĩ nhiều hơn tới cái chết của mình. Cô mong muốn có một cái chết nhẹ nhàng, một sự ra đi bình yên mà không phải trải qua đau đớn thân xác. Thật là lạ, Liên nghĩ, ai cũng vật lộn cả đời, dù ngắn hay dài, để chạy theo những giấc mơ khác nhau, nhưng rồi lại bất lực trước ước mơ cuối cùng tưởng chừng đơn giản này.

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 14.

Sau khi “phục sinh”, Liên sống gấp gáp như muốn giành giật lại thời gian đã mất. Những người còn ít thời gian thường muốn gom góp kỷ niệm. Ở phương Tây, người ta hay nói tới bucket list, danh sách những nơi cần tới, những điều cần làm trước khi chết. Liên cũng có một danh sách như vậy. 

Một tháng sau, khi đi còn chưa thực sự vững, Liên vào Sài Gòn một mình. Trong hai năm qua, nhiều bạn bè của cô đã vào đây sinh sống và còn bay xa hơn nữa. Một đứa là tiếp viên cho Emirates Airlines, đứa khác làm việc ở Ấn Độ. Khác với năm trước, giờ đây trong lòng Liên không mảy may ghen tị. 

Mùa thu năm đó, cuối cùng thì Liên cũng được công ty cử ra Hà Nội. Cô mang theo một danh sách dài những món phải thử, và há mồm kinh ngạc nhìn những dòng xe cuồn cuộn trên đường. Trời mưa tầm tã, cô không thấy cây bàng lá đỏ nào, cũng không ngửi thấy mùi hoa sữa, nhưng cố đợi bằng được để nghe tiếng chuông chùa Trấn Quốc, và khó khăn đi trên cái mặt gỗ cong của cầu Thê Húc.

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 15.

Những sự kiện nối đuôi nhau khiến năm 2016 trôi qua như một cơn gió. Một chuyến đi biển Ninh Thuận cùng má hồi đầu năm, một chuyến dã ngoại suối nước nóng với má lúc cuối năm. Má Liên thực sự hạnh phúc. Thiện cũng đã tốt nghiệp và đi làm ở một công ty tin học Nhật Bản. Người làng hay nói mát với bà, “Sướng nhá, giờ thì ngồi nhà đếm tiền miết nhá.” 

Tháng Mười, không cho má biết, Liên bay xuống Cần Thơ và cùng ba đứa bạn lấy hai cái xe máy chạy ba trăm cây số tới Cà Mau. Cô đội mũ phớt cói trắng, đeo kính râm to bản, trông như tài tử điện ảnh. Lúc đó, cô vừa trải qua cuộc phẫu thuật nạo vét hạch để loại bỏ di căn ở nách, tay cô vẫn còn phù to.

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 16.

Trong năm đó, vô số bạn của Liên kết hôn. Mỗi lần nhận được thiệp mời cưới, Liên lại chạnh lòng. Trong cô có sự trống trải mà không chuyến đi nào khỏa lấp được. Tro tàn vẫn giữ lửa, cô nói vậy về tình cảm của mình với M. Liên cưỡng lại mong muốn liên lạc lại với M và cảm thấy khó khăn để hình dung ra mình bắt đầu thích một ai khác. Mấy cuốn nhật ký của cô, những ý nghĩ thầm kín nhất của cô, nằm ngay bên trên bàn làm việc, nhưng cô không dám mở chúng ra đọc lại. Trong các trao đổi với tôi, cô gọi M là bạn thân, bạn trai, bạn trai cũ, hoặc “bạn trai”, trong ngoặc kép. Cô gọi việc M bỏ cô đi là “cái chuyện đó”. “Hơn một năm sau khi em bị cái chuyện đó, em vẫn không dám giở nhật ký ra.” Nhiều buổi chiều Liên nán lại ở công ty sau giờ làm việc, cô sợ cảm giác một mình ở phòng trọ. 

Mùa hè, thằng Thiện cưới vợ. Liên thắt cho con Mực một cái nơ để làm phụ rể, nhưng nó không màng. Nó chỉ nằm trước hiên, đen như than, nhe răng và nhỏ dãi, cái nơ hồng nổi bật trước ngực.

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 17.

Nhưng không có sự kỳ diệu nào kéo dài mãi mãi. Sang nửa sau của 2016, Liên bắt đầu sụt cân. Từ đỉnh cao năm mươi lăm ki lô gam của thời “con mèo mập ú”, tới cuối năm, cô chỉ còn bốn hai ki lô gam. Cuối cùng thì cô đã trở nên thon thả. Liên đặt may một bộ áo dài trắng bằng loại vải mà cô đã nhắm trong đầu từ nhiều năm trước. Cô đánh son đỏ, cài một bông hoa đại lên tai, và cùng ba đứa bạn lang thang một buổi chiều trong khuôn viên trường Bách Khoa Đà Nẵng. Chân cô ngắn, vạt áo dài đằng trước gần như chấm đất, nhưng điều đó không làm cô phiền lòng. Lưng đeo chiếc ba lô thổ cẩm nhỏ, tay cầm một cuốn sách, cô chụp hình như chưa bao giờ được chụp, chụp như để bù lại tất cả những cơ hội chụp mà cô sẽ không có nữa trong tương lai. 

Cuộc sống của cô đang đi đến điểm kết, từ từ như buổi chiều cuối năm đẹp đẽ này. “Như mùa thu, pháo hoa, giao thừa, tiếng chuông chùa,” tôi nhớ lại Nguyễn Ngọc Tư. “Lúc đẹp là lúc mất.”

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 18.

Trước lúc ra về, tôi tặng cô cuốn sách mới được in của tôi. “Tặng em Liên,” tôi ghi lên trang đầu, rồi dừng lại, phân vân. Tôi nên viết gì nữa? “Chúc em chóng khỏe?” Nghe nó sáo rỗng làm sao. Cuối cùng, tôi viết “Chúc em hạnh phúc”. Liên khập khiễng tiễn tôi ra cửa và nhìn tôi chăm chăm, “Anh viết sách nhanh để em còn kịp đọc nhé”. Người ta có thể hạnh phúc khi đã thấy Thần Chết đứng ở sân hay không? Tôi muốn tin là vậy. 

Sau buổi gặp lần đầu ở nhà trọ của Liên, chúng tôi bắt đầu nhắn tin thường xuyên. Lúc này, tôi không biết là mình đang chứng kiến những tuần cuối cùng của cuộc sống yên ả của cô. Một ngày Chủ Nhật sau đó không lâu, Liên phải ở lại quê và bỏ buổi xem Nhóc Trùm ở Đà Nẵng. Từ khi đi làm, đây là lần đầu cô phải nghỉ việc. Cơ thể cô bắt đầu lên tiếng cảnh báo, cuộc sống êm đềm của hai năm qua đang lùi dần ra xa, chậm nhưng chắc chắn như sự dịch chuyển của chiếc kim giờ đồng hồ. Liên cảm nhận được cái nhìn bồn chồn của má dõi theo từng động tác của cô. Cô cảm tưởng những linh kiện bên trong mình đang hoen gỉ và lỏng lẻo dần. Con tim đập hối hả làm cô lúc nào cũng có cảm giác đang ở cuối đường đua…

Hành trình cận tử: Ba tháng để chết và những tháng ngày “phục sinh” kỳ diệu của Liên - Ảnh 19.


Đặng Hoàng Giang
7pm.
Theo Trí Thức Trẻ11/7/2019

Trí thức trẻ