Hành trình 17 ngày gia đình 5 F0 tự chiến đấu với Covid-19: "Đừng chủ quan, nếu có cơ hội được tiêm vaccine hãy đi ngay"

12/08/2021 10:04 AM | Sống

Cả gia đình chị Minh Giang ở TP.HCM gồm 2 trẻ nhỏ và 3 người lớn đã trải qua 17 ngày cùng chiến đấu với Covid-19. Đến nay, dù còn một số triệu chứng bệnh, họ đều có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Cả gia đình 5 người mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây, cùng bước vào trận chiến

Sau 17 ngày chiến đấu với Covid-19, ngày 8/8, chị Nguyễn Thị Minh Giang, 38 tuổi, sống tại TP.HCM viết đôi điều lên trang Facebook cá nhân sau khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

"Chiến thắng Covid-19. Lạc quan thì tốt, bi quan tí thì cũng không sao nhưng nhất định không chủ quan và tự tin quá đà".

Trước đây, chị rất tự tin về sức khỏe của bản thân và gia đình. Chị dí dỏm "chồng là Ironman (người sắt)", vợ thì khỏe như trâu, leo núi, trekking đủ kiểu, tuần tập gym 3 lần". Cả hai không có bệnh nền, nên vô cùng an tâm.

Từ khi công ty cho làm việc tại nhà hơn 2 tháng nay, để tránh nguy cơ lây nhiễm, chị hạn chế tối đa ra ngoài, đúng duy nhất một lần gặp 4 người trong vòng 45 phút rồi về nhà. Chị phòng ngừa một cách tối đa nên tự tin rằng "không cần thiết phải tiêm phòng Covid-19 sớm".

"Mình có sức khoẻ và nếu mắc Covid-19 cũng chỉ như cảm cúm thông thường. Sốt ho cũng sớm khỏi", chị nghĩ vậy, nên chưa tiêm vaccine, trong nhà luôn có đồ xét nghiệm nhanh, nếu có vấn đề sẽ lấy ra kiểm tra.

"Nhưng rồi, chuyện gì đến cũng đến", chị nhớ lại đêm 21/7 trong khi ngủ, bắt đầu sốt và đau họng. Dậy súc miệng bằng nước muối rồi ngủ tiếp, nhưng cơ thể vẫn mệt mỏi và bắt đầu lả đi. Mấy hôm trước, chồng cũng bị sốt nhẹ, nhưng nghĩ là cảm cúm thông thường nên không ai lưu tâm.

Sáng hôm sau, các triệu chứng không đỡ, cả 2 quyết định test nhanh tại Bệnh viện Vinmec, đều cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Một ngày sau, họ nhận kết quả PCR khẳng định. "Đúng là tối sầm mặt mày. Mình sốc và hoảng loạn, vì lúc nào cũng nghĩ bản thân phòng vệ tốt, sợ sức khỏe bản thân chuyển biến xấu. Mọi thứ rối bời và lúng túng. May mắn, 4 người tiếp xúc gần đều âm tính", chị nói.

Về nhà, việc đầu tiên, chị cho 2 con (10 tuổi và 12 tuổi) vào một phòng riêng, thông báo với phường và ban quản lý chung cư. Hai vợ chồng sẵn sàng đi cách ly bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân lớn, cả 2 được khuyên ở nhà tự điều trị, trong những tình huống khẩn hãy liên lạc với nhân viên y tế.

Sau vài tiếng, hai vợ chồng nhìn và ôm nhau thật chặt. "Giờ mình chiến đấu nha em", chồng quay sang nói với chị.

- "Ừ thì chiến đấu".

Cả 2 khoá chặt cửa và bắt đầu trận chiến.

Hít thở sâu để lấy lại sự bình tĩnh, chị nhấc máy lên thông báo tình hình với cơ quan, gọi điện cho những người thân quen, nhắn tin vào nhóm chat của chung cư. Chưa đầy 3 tiếng, gia đình được tiếp tế, từ chanh đào mật ong, thuốc hạ sốt, nước xịt mũi, nước muối,... cho đến cháo gói, sữa,...

Một vài người bạn thân thiết liên tục nhắn tin, gọi điện hỏi thăm. Nhiều người tìm cách liên hệ bác sĩ, bệnh viện, xe cấp cứu phòng tình huống xấu. Lúc nhắn tin vào trong nhóm chung cư, chị cứ sợ mọi người sẽ xa lánh, nhưng ngược lại, ai nấy cũng đều hỗ trợ hết mức.

"Người xung phong nấu cơm, cháo, người chuẩn bị đồ đưa lên cho cả nhà… Bản thân mình cảm thấy rất may mắn khi được sống trong một cộng đồng "siêu dễ thương" và đoàn kết", chị nói.

Để hạn chế sự lây nhiễm, vợ chồng chị thuê một căn hộ khác cho hai con, nhờ em chồng đến chăm sóc. Vài ngày sau, ba cô cháu có kết quả xét nghiệm dương tính, chị quyết định đưa mọi người về nhà. Chồng ở phòng khách, hai đứa nhỏ một phòng, chị và em chồng cũng ở phòng riêng.

Chị quyết giấu hai bên nội ngoại vì sợ bố mẹ ở quê thêm phần lo lắng. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, cả gia đình cùng nhau bước vào trận chiến thực sự.

Hành trình 17 ngày gia đình 5 F0 tự chiến đấu với Covid-19: Đừng chủ quan, nếu có cơ hội được tiêm vaccine hãy đi ngay - Ảnh 1.

Món quà được người dân chung cư gửi đến gia đình chị Giang


Đêm đầu tiên, chị vừa sốt vừa đau họng, chỉ nhấp ngụm nước lọc mà như có ai cầm dao lam cứa vào cổ họng, đau đến ứa nước mắt. Mệt, nhưng chị vẫn cố uống hết hộp sữa, cứ 30 phút xịt mũi để thở được. Sốt cao khiến đầu óc chị lơ mơ, lúc mê lúc tỉnh, đêm đó thêm vài cơn sốt và ho.

Sang ngày thứ 2, biểu hiện bệnh rõ rệt: mất vị giác và khứu giác, ho, sốt, tức ngực. Chị duy trì 30 phút đo nồng độ oxy trong máu một lần, có lúc nhìn thấy chỉ số rớt xuống 75 - 80%, máy kêu liên hồi khiến bản thân thêm hoảng loạn, mất bình tĩnh, cảm giác khó thở rõ rệt. Chị ngồi và hít thở, cố gắng suy nghĩ tích cực. Trong nhà cũng đã chuẩn bị sẵn máy thở đề phòng trường hợp cấp bách.

Những ngày tiếp theo, dù cơ thể đau nhừ, cả gia đình vẫn cố gắng ăn, uống thêm sữa để không mất sức. Từng thìa cháo đưa vào miệng chẳng có nổi mùi vị, nuốt xuống thì đau đến xé họng. Có ngày ngán cháo, thì lấy cơm trộn nước canh và húp, nhất định không bỏ bữa.

Nếu sốt, cả gia đình sẽ nghỉ ngơi. Nhưng hễ khỏe, phải đi lại và cố gắng vận động nhẹ. Chị liên tục mở cửa phòng, gió bay vào lồng lộng để phơi nắng, thường xuyên xịt nước mũi, uống nước nóng pha chanh đào mật ong thay nước lọc.

Từ ngày thứ 7 vào đỉnh dịch, chị bớt sốt nhưng ho. Ho đến đau tức lồng ngực, liên tục hụt hơi, đi tắm cũng thở, ăn xong cũng thở, bước vài bước là thở… nhưng vẫn cố gắng duy trì: Ăn, vận động nhẹ và "thở".

May mắn, 2 đứa trẻ chỉ có triệu chứng nhẹ. 3 người lớn nặng hơn, chồng sốt, người em gái 7-9 ngày vẫn đau họng. Với chị, giai đoạn ngày thứ 7, 8, 9 là "kinh khủng nhất và rất hên xui" vì "con virus này không thể đùa được". Nhiều người trẻ, thanh niên trai tráng chị quen có thể trở nặng, triệu chứng diễn biến nhanh đến không ngờ đến. Còn chị và gia đình may mắn vì đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm này.

Từ ngày thứ 10 trở đi, các thành viên duy trì ăn 3-4 bữa/ngày, bổ sung thêm trái cây, uống nước cam. Đến ngày thứ 12 thì bắt đầu có mùi, có vị lại từ từ... Nhà có 5 F0, ngoại trừ hai trẻ nhỏ được bố mẹ chăm sóc, đo nhiệt độ và chuẩn bị đồ ăn mỗi ngày, 3 thành viên còn lại buộc phải trở thành "bác sĩ của chính mình", lắng nghe cơ thể và chủ động công việc cá nhân. Ai khoẻ thì ra cửa lấy đồ ăn, hỗ trợ những người còn lại.

Ngày 6/8, cả 5 người đều có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2, dù vẫn còn một số triệu chứng như ho, mệt mỏi.

Chị Giang khuyên mọi người đừng chủ quan với dịch bệnh. Nếu có cơ hội được tiêm vaccine hãy đi ngay, chú ý bảo vệ bản thân bằng cách xịt mũi, súc miệng, ăn ngủ nghỉ điều độ và tăng cường sức đề kháng dù bạn có khoẻ đến mấy.

"Covid-19 không phải cơn cảm cúm thông thường. Rất ít bệnh nhân không triệu chứng, nhưng đến 50% người có triệu chứng nặng như mình và một nửa trong số đó trở nặng rất nhanh. Bản thân mình chỉ ra ngoài một lần, 4 người từng tiếp xúc đều âm tính, chính mình cũng không biết lây từ đâu, nên đừng chủ quan, đừng tự tin thái quá. Hãy chú ý sức khoẻ, bảo vệ bản thân và những người thân của bạn nhiều nhất có thể", chị nói.

Vượt qua nguy hiểm và dần bình phục, người phụ nữ 38 tuổi ngậm ngùi chia sẻ, "phải trải qua mới thấm thía được sự kinh khủng của loại virus này".

F0 cách ly tại nhà chăm sóc, cấp cứu ra sao?

Trong ngày 11/8, TP.HCM ghi nhận 3.416 ca Covid-19. Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, thành phố có tổng 133.167 ca. TP.HCM đang theo dõi điều trị tại nhà hơn 12.600 F0.

Sở Y tế vừa có văn bản cập nhật "Hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 cách ly tại nhà". Theo đó, họ được yêu cầu mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân; thay khẩu trang hai lần một ngày, khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang; thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo...

Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng "Khai báo y tế điện tử". Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước; tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày (hít sâu thở từ từ). Có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ

F0 cách ly tại nhà cần có các thuốc thiết yếu như thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền). Ngoài ra có thể bổ sung các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đồng dạng uống trong một số tình huống có chỉ định.

Chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đồng dạng uống khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Khi có một trong các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi - vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở thì liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài "1022" (bấm số "3" để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM hoặc số "4" để được tư vấn từ "Thầy thuốc đồng hành") hoặc gọi số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận huyện để được tư vấn và hướng dẫn xử trí.

Khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà) thì liên hệ ngay Tổng đài 115 hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Minh Nhân - Ảnh: NVCC

Minh Nhân, Ảnh: NVCC

Cùng chuyên mục
XEM