Hàng xóm kinh ngạc khi nhìn căn bếp của tôi, bình luận đúng 2 chữ: Bái phục!
Không phải "tự luyến" nhưng quả thực, chính tôi cũng tự thấy mê căn bếp nhà mình!
Nhà bếp của tôi không phải kiểu rộng rãi xa hoa, nhưng tôi cực tự hào về không gian này vì chúng luôn sạch sẽ, thoáng đãng. Đây cũng là lý do tôi chăm chỉ nấu ăn hàng ngày. Cảm giác đứng trong một căn bếp gọn gàng, ngăn nắp, nơi mà mỗi thứ đều đúng vị trí của nó, không gì làm tôi thích thú bằng.
Dù sở hữu khá nhiều đồ dùng nấu ăn, nhưng căn bếp của tôi luôn giữ được sự trật tự, không bao giờ có cảnh lộn xộn. Bí quyết đơn giản là tôi luôn biết cách sắp xếp hợp lý, tối ưu hóa không gian mà vẫn giữ được sự tiện lợi. Nhân tiện đây, tôi sẽ chia sẻ một vài mẹo hay về việc chọn lựa và sắp xếp không gian bếp, bạn thấy bổ ích thì hãy lưu lại nhé!
4 nguyên tắc sắp xếp đồ đạc nhà bếp
Cá nhân tôi cho rằng, nếu muốn tủ bếp gọn gàng và ngăn nắp thì chỉ cần tuân theo 4 nguyên tắc cơ bản này.
1. Bố trí đồ đạc hợp lý
Sắp xếp bếp hợp lý sẽ khiến việc nấu nướng trở nên dễ dàng và thú vị hơn. Tôi khuyên bạn nên sắp xếp theo phương châm "gần đâu dùng đó". Ví dụ, gia vị để ngay bàn bếp, khi nấu chỉ cần với tay là có thể lấy ra - cất vào, giúp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức. Còn các dụng cụ vệ sinh có thể để ngay dưới gầm bồn rửa, thuận tiện lấy ra khi cần dùng và "giấu kín" khi không sử dụng.
2. Đồ dùng cùng loại được cất chung 1 chỗ
Chỉ cần gom tất cả đồ cùng loại và cất vào 1 khu vực, đảm bảo làm theo cách này căn bếp sẽ trở nên gọn sạch đáng kể. Bạn đừng cho rằng đây là thao tác "vô tri", chúng không chỉ giúp không gian thêm gọn thêm đẹp mà còn giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian tìm kiếm và dọn dẹp.
3. Thống nhất các loại hộp đựng
Các loại hộp để đựng gia vị/thực phẩm nên được mua cùng 1 kiểu dáng, cần thiết có thể dùng thêm giấy note để ghi chú ở bên ngoài. Sự đồng bộ sẽ mang lại tính thẩm mỹ cho không gian, tránh làm nhà bếp bừa bãi và lộn xộn.
4. Giảm sự tiếp xúc
Ngoại trừ các loại gia vị và dụng cụ nấu ăn như dao, thớt... được để ngay gần bàn bếp, còn lại các đồ dùng khác nên được cất vào tủ kín. Điều này giảm đáng kể việc tiếp xúc với khói dầu mỡ khi nấu nướng, giúp đồ dùng ít bị bám bụi. Làm theo cách này, bạn chỉ cần thường xuyên lau chùi tủ bếp là không gian phòng bếp sẽ luôn sạch và tươi mới.
Lựa chọn tủ bếp phù hợp
Ngoài 4 nguyên tắc sắp xếp đồ đạc nhà bếp, tôi có thể cho bạn 1 số lời khuyên khi chọn tủ bếp. Thiết kế này rất quan trọng vì không phải kiểu dáng nào cũng có thể áp dụng cho mọi không gian nhà bếp.
1. Không gian bếp nhỏ
Nếu bếp nhỏ thì bạn nên ưu tiên sử dụng kệ tủ dưới. Nó sẽ cung cấp không gian lưu trữ cần thiết để bạn bảo quản đồ đạc 1 cách dễ dàng. Không nên lắp tủ bếp trên vì thiết kế này sẽ tạo cảm giác bức bối, ngột ngạt cho người nội trợ.
Thêm vào đó, bạn có thể suy nghĩ đến việc sử dụng thiết kế tủ đơn giản kiểu chữ I hoặc linh hoạt với kiểu chữ L. Cả hai thiết kế này đều giúp tận dụng không gian một cách thông minh, không chỉ thuận tiện mà còn tạo cảm giác rộng rãi hơn cho căn bếp.
2. Không gian bếp có kích thước trung bình
Với không gian này, việc kết hợp sử dụng cả tủ bếp trên và dưới sẽ là cách tối ưu. Bởi, không gian có độ rộng thoáng nhất định nên lắp cả 2 hệ tủ cũng không tạo cảm giác chật hẹp, ngược lại còn giúp bạn có thêm nhiều không gian lưu trữ đồ đạc.
3. Không gian bếp rộng
Giải pháp hoàn hảo cho bếp rộng chính là kết hợp kệ tủ trên, tủ dưới và đảo bếp. Đây là cách tối đa hóa không gian lưu trữ, tạo ra khu vực đa năng linh hoạt. Đảo bếp có thể trở thành khu vực chế biến, giúp công việc nấu nướng trở nên hiệu quả và thú vị hơn, làm cho không gian bếp không chỉ đẹp mà còn đầy sức hút.
Bố trí tủ bếp dưới
Tủ bếp dưới nên được bố trí linh hoạt với các ngăn kéo và các ngăn chia, giúp việc lưu trữ trở nên ngăn nắp và gọn gàng. Bạn không nhất thiết phải chia sẵn ngăn kéo trong quá trình lắp đặt, vì sau này bạn vẫn có thể linh hoạt sử dụng các hộp đựng để sắp xếp đồ đạc một cách hiệu quả.
Tôi có thể gợi ý thêm cho bạn 1 kiểu thiết kế rất tiện ích, đó chính là tủ kéo. Với thiết kế này, bạn chỉ cần kéo ra mỗi khi cần sử dụng, không chỉ đẹp mắt mà còn dễ dàng lấy đồ. Đặc biệt, tủ kéo còn là giải pháp lý tưởng để bảo quản các xoong nồi có kích thước lớn.
Trong trường hợp nhà bếp không dùng tủ trên thì chắc chắn tủ dưới sẽ trở thành khu vực trung tâm để đựng đồ. Bạn có thể thiết kế ngăn kéo đựng bát đũa ngay dưới bàn bếp để thuận tiện khi lấy đồ. Thiết kế ngăn kéo sẽ giúp đồ đạc được phân chia rõ ràng, giúp bạn tận dụng tối đa từng centimet không gian.
Rổ kéo đựng bát đĩa và rổ kéo gia vị là hai lựa chọn cực kỳ hữu ích. Chúng giúp bạn tối đa hóa không gian tủ bếp dưới, phân loại rõ ràng bát đĩa và gia vị để dễ dàng sử dụng khi nấu nướng.
Tận dụng các không gian khác
Bạn có thể lắp đặt một giá để đồ bên cạnh bồn rửa. Đây không chỉ là giải pháp lưu trữ gọn gàng mà còn giúp tăng cường hiệu quả khi rửa chén bát. Sau khi rửa đồ đạc, bạn chỉ cần đặt đồ trên giá để chúng khô ráo nhanh chóng, tránh tình trạng nước rơi vãi khiến căn bếp trơn trượt, ẩm ướt.
Lưu trữ trên tường được xem là giải pháp tuyệt vời cho những bạn thích lắp tủ trên nhưng không thích sử dụng các hệ tủ kín đáo.
Lúc này, bạn có thể dùng các kệ treo tường để biến chúng thành nơi đựng đồ. Cần lưu ý rằng các vật dụng trên kệ phải được sắp xếp đồng nhất về kích thước và màu sắc để tránh làm căn bếp trông lộn xộn.
Bạn đựng quên rằng móc treo cũng là trợ thủ đắc lực cho bếp, chúng sẽ giúp bạn treo dễ dàng các loại dụng cụ nấu ăn. Tất nhiên cũng không nên treo quá nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ chung. Bạn chỉ nên treo những đồ dùng có kích thước nhỏ hoặc có tần suất sử dụng nhiều.
Cuối cùng, bảng lỗ treo cũng là 1 thiết kế nên được áp dụng trong bếp. Kích thước và khoảng cách của các lỗ có thể thay đổi theo ý thích, giúp mọi vật dụng nhỏ đều có 1 chỗ lưu trữ nhất định. Tuy nhiên, thiết kế này chỉ phù hợp với những khu vực bếp ít dầu mỡ, ít nấu ăn chiên rán. Nếu muốn áp dụng bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng!
Nguồn: Toutiao