Hàng triệu vị trí đang tuyển dụng, tại sao người lao động Mỹ vẫn thất nghiệp (P2)

19/07/2021 10:00 AM | Xã hội

Cơ hội việc làm và nguồn nhân lực sẵn có tại mỗi địa phương ở Mỹ khác nhau, một phần do người dân di chuyển trong thời kỳ đại dịch.

Dịch chuyển

Một hình thức khác của mất tương xứng đó chính là địa lý. Cơ hội việc làm và nguồn nhân lực sẵn có tại mỗi địa phương là khác nhau, một phần do người dân di chuyển trong thời kỳ đại dịch, phần khác bởi hoạt động kinh doanh bất ngờ tăng vọt tại một số địa phương.

Trong đó có Driggs, thị trấn miền núi thuộc thung lũng Teton, bang Idaho, nơi mọi người đang đổ xô di cư.

“Có đủ chỗ cho mọi người đến nghỉ dưỡng tại đây, nhưng lại không có cộng đồng gốc Driggs bởi họ không tìm được nơi phù hợp để sinh sống", cô nói.Lisa Hanley, đồng sở hữu Forage Bistro & Lounge, nhà hàng tại Driggs chuyên phục vụ các món cua, cho biết chợ nông sản không thể đáp ứng kịp nhu cầu về lasagna cũng như thịt thăn bò. Quán ăn cần nâng số nhân viên lên 17. Tuy nhiên, gần đó không có người lao động nào để ứng tuyển, phần nào bởi thị trấn nhỏ này không có đủ chỗ ở.

Thiếu nhân công, nhà hàng đang cắt dịch vụ ăn trưa và đề nghị nhân viên làm thêm giờ. Hanley cho biết trước kia nhân viên làm việc theo ca kéo dài 5 - 8 giờ nhưng hiện họ phải làm 10 giờ. Để giữ chân người lao động, gần đây Forage Bistro & Lounge nâng lương trung bình lên khoảng 25% so với một năm trước. Đây là mức tăng lớn nhất từ khi Hanley trở thành đồng sở hữu nhà hàng năm 2015.

Hàng triệu vị trí đang tuyển dụng, tại sao người lao động Mỹ vẫn thất nghiệp (P2) - Ảnh 1.

Đầu bếp Andrew Grasso tại Forage Bistro & Lounge đang bày biện một suất ăn. Ảnh: WSJ.


Nhiều người chuyển hẳn đến những nơi có mật độ dân cư thưa thớt hơn, mở rộng hơn nữa một xu hướng xuất hiện từ trước khi đại dịch hoành hành.

Phân tích của Wall Street Journal về dữ liệu thay đổi địa chỉ từ Dịch vụ Bưu chính Mỹ cho thấy người dân ở các đô thị đông đúc đã chuyển đến sống tại các vùng ngoại ô, hoặc từ vùng ngoại ô của đô thị lớn sang đô thị nhỏ hơn, thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn. Lượng người đến thành phố lớn chậm lại. Dữ liệu chỉ ra rằng người dân chuyển từ New York City đến bờ biển Long Island, hạt Ulster, bang New York, và thành phố Allentown, bang Pennsylvania.

Stephan Whitaker, một nhà kinh tế học tại Fed Cleveland, nhận thấy mối liên kết giữa việc di cư và làm việc từ xa. Những người có thể làm việc từ xa đã chuyển đến chỗ ở mới cách chỗ làm hơn 240 km.

"Họ vẫn muốn có thể dễ dàng khi quay trở lại làm việc tại công ty, tuy nhiên họ không muốn ngày nào cũng phải đến công ty”, ông nói.

Sự thay đổi này tạo ra nhu cầu sử dụng các dịch vụ ở các thị trấn nhỏ và vùng ngoại ô, vốn không phải lúc nào cũng có đủ nhân công để đáp ứng. Tình trạng đó khiến người lao động tại các cửa hàng bánh sandwich, quán cà phê và các nhà cung cấp dịch vụ khác ở thành phố lớn có ít cơ hội làm việc hơn.

Theo một phân tích từ công ty dữ liệu Earnest Research, lượng người đi qua một số cửa hàng Starbucks ở ngoại ô New York City vào tháng 5 cao hơn một chút so với năm 2019. Ngược lại, lượt ghé thăm các cửa hàng Starbucks gần các tòa nhà văn phòng ở trung tâm ở Thành phố New York đã giảm khoảng 65% trong tháng 5 so với hai năm trước.

Một khía cạnh khác trong vấn đề địa lý này là yếu tố khu vực. Theo dữ liệu của Bộ Lao động, cơ hội việc làm tăng cao ở miền Nam và Trung Tây, nơi có tỷ lệ thất nghiệp thấp, trong khi đó ở miền Tây và miền Đông, tỷ lệ thất nghiệp cao và cơ hội việc làm giảm. Nói cách khác, một số khu vực nhất định tại Mỹ có đặc trưng là thiếu việc làm.

Hàng triệu vị trí đang tuyển dụng, tại sao người lao động Mỹ vẫn thất nghiệp (P2) - Ảnh 2.

Driggs là thị trấn vùng núi ở bang Idaho với người dân có xu hướng rời đi. Ảnh: WSJ.


Whitaker nói điều đó có thể liên quan đến sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 và các chính sách mở cửa của bang. Các bang nới lỏng hạn chế Covid-19 sớm nhất là những nơi có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn. Điều này có nghĩa là ở đó các điều kiện về thị trường lao động thắt chặt hơn. Một số nhà kinh tế nói rằng thuế cao cũng khiến người dân từ các bang như New York và California phải di chuyển đến các bang có thuế thấp như Texas và Florida.

Tên lửa và lông vũ

Các chính sách khác cũng có thể góp phần thúc đẩy sự mất cân xứng trong thị trường lao động, đáng chú ý nhất là chương trình trợ cấp thất nghiệp liên bang và hỗ trợ trong đại dịch Covid-19. Những phúc lợi hào phóng này phần nào làm chậm quá trình tìm kiếm việc làm của người lao động.

24 bang thông báo chấm dứt trợ cấp thất nghiệp trong tháng 6 hoặc 7 có tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 4,4% trong tháng 5. Các bang còn lại và thủ đô Washington dự kiến kết thúc chương trình trợ cấp muộn hơn vào tháng 9. Trong tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp trung bình tại các bang này là 6%, dù giảm nhiều hơn nếu kể từ tháng 1 so với các bang kết thúc trợ cấp sớm.

Đối với các công ty đang tìm kiếm nhân sự, đây là vấn đề nan giải và tốn kém. Đối với người lao động, đây có thể là cơ hội giúp họ tìm được công việc tốt hơn, phù hợp với bản thân về lâu về dài.

“Mọi người đang dành thời gian để tìm kiếm những cơ hội phù hợp hơn. Điều đó một phần được thúc đẩy nhờ các gói hỗ trợ bổ sung, bảo hiểm thất nghiệp cũng như hỗ trợ tiền trực tiếp", Michael Hanson, kinh tế gia tại JPMorgan, nói. Ông lưu ý công việc phù hợp hơn có thể giúp tăng lương và nâng cao năng suất lao động về lâu dài. Hay nói cách khác, quá trình tìm việc chậm cũng không hẳn quá xấu. 

Taylor, nhà tổ chức sự kiện đang thất nghiệp (trong phần 1), chia sẻ ông đang dựa vào số tiền trợ cấp thất nghiệp 400 USD/tuần, trong đó 300 USD đến từ quỹ liên bang. Trợ cấp thất nghiệp hỗ trợ Taylor về mặt tài chính trong lúc tìm kiếm một công việc với hy vọng phù hợp với các kỹ năng bản thân, giúp ông quay lại với sự nghiệp.

Hàng triệu vị trí đang tuyển dụng, tại sao người lao động Mỹ vẫn thất nghiệp (P2) - Ảnh 3.

"Đúng vậy, tài xế Amazon có khắp nơi. Nhưng chúng tôi không được đào tạo cho những công việc như vậy. Và tôi lo ngại rằng đây sẽ là thời gian khó tìm được việc làm”, Taylor nói. Ảnh: WSJ.


Do cơ hội việc làm rất phong phú, các xu hướng của thị trường lao động thường xuất hiện vào giai đoạn chín muồi, khi tỷ lệ thất nghiệp thấp - như lương tăng, mọi người bỏ việc để tìm công việc khác, các công ty phàn nàn về tình trạng thiếu nhân công - lại đang diễn ra ngay từ lúc này. Một minh chứng là tỷ lệ công nhân tự nguyện nghỉ việc trong tháng 5 là 2,5%, cao gần mức kỷ lục.

Flynn Restaurant Group, tập đoàn điều hành các thương hiệu nhượng quyền như Wendy's, Panera Bread, Taco Bell, Applebee's và Pizza Hut ở 44 bang, đang nâng tiền thưởng cho nhân viên từ 100 USD lên 250 USD nếu họ giới thiệu cho tập đoàn những nhân viên tiềm năng. Tài xế giao hàng đang được nhận pizza miễn phí.

Trong thời gian đại dịch, mọi người nhận thấy họ thích giờ làm việc linh động và làm việc tại nhà, Betsy Mercado, phó chủ tịch cấp cao về nhân sự tại Flynn, nói. "Họ đang cố tìm hiểu xem công việc nào sẽ mang lại cho họ nhiều thu nhập nhất và sự linh động cao nhất".

"Giờ đây, mọi người thực sự có thể lựa chọn nơi mà họ muốn làm việc".

Một câu hỏi quan trọng là liệu những diễn biến này là tạm thời hay kéo dài. Các quan chức Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp giảm nhanh hơn hiện tại. Họ mong muốn tỷ lệ thất nghiệp còn 4,5% vào quý IV, giảm một điểm phần trăm so với tháng 6. Mục tiêu này sẽ rất khó đạt được nếu tốc độ tìm được việc làm phù hợp không gia tăng.

Nếu tỷ lệ thất nghiệp không giảm nhiều hơn, Fed sẽ có một câu hỏi cần phải giải quyết. Họ có nên duy trì chính sách lãi suất thấp lâu hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp tăng tuyển dụng hay tăng lãi suất để ứng phó áp lực lạm phát trong nền kinh tế đang bị cản trở bởi những “nút thắt cổ chai”, trong đó có cả vấn đề về thị trường lao động.

Những lao động tiềm năng có thể sẽ phải hành động nhiều hơn trong những tháng tới khi các quyền lợi thất nghiệp kết thúc. Vì tất cả các bang dự kiến kết thúc các phúc lợi bổ sung vào đầu tháng 9, những tháng sắp tới sẽ là khoảng thời gian rất quan trọng trong việc xác định mức độ tích cực tìm kiếm việc làm của mọi người.

Giáo sư kinh tế Robert Hall, Đại học Stanford, cho biết quá trình kết nối ứng viên với việc làm phù hợp diễn ra theo hai giai đoạn. Năm ngoái, hàng triệu người đã được gọi quay lại làm việc sau khi bị sa thải tạm thời và tỷ lệ thất nghiệp nhanh chóng giảm, từ 14,8% xuống còn 6,7%. Tuy nhiên, tiến độ năm nay chậm lại rõ rệt, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 6,3% trong tháng 1 xuống 5,9% trong tháng 6.

Hall và Marianna Kudlyak, đến từ Fed San Francisco, nghiên cứu 10 đợt phục hồi kinh tế trong quá khứ và kết luận rằng có một mô hình chung khi việc làm tại Mỹ phục hồi. Họ nhận thấy "thất nghiệp tăng nhanh như tên lửa và rơi xuống như lông vũ".

"Phần dễ đã kết thúc. Phần còn lại của quá trình phục hồi việc làm sẽ cần thêm thời gian", Hall trả lời một cuộc phỏng vấn.

Mỹ Duyên

Cùng chuyên mục
XEM