Hàng triệu người dân Mỹ đồng thuận đánh thuế nặng lên nước ngọt có ga

15/11/2016 11:19 AM | Kinh tế vĩ mô

Vừa qua, hàng loạt các thành phố của Mỹ đã kiến nghị đánh thuế nặng lên các sản phẩm nước ngọt chứa hàm lượng đường cao. Tuy nhiên, điều này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các công ty sản xuất nước ngọt lớn như Pepsi và Coca-Cola.

Theo đó, hôm thứ Ba tuần trước, người dân ở bốn thành phố của Mỹ bao gồm Boulder và 3 thành phố khác thuộc các bang California, San Francisco và Oakland đã bỏ phiếu có nên đánh thuế đặc biệt vào các loại đồ uống có nhiều đường hay không. Cụ thể, bang California sẽ đánh mức thuế 1 cent/ 28g nước ngọt, trong khi mức thuế ở thành phố Boulder là 2 cent/ 28g.

Hôm thứ Năm, quận Cook County thuộc tiểu bang Illinois cũng đã công bố mức thuế 1 cent/ 28g bao gồm cả các loại nước ngọt không chứa năng lượng như nước ngọt giảm cân..

Chính sách thuế này sẽ có hiệu lực trong vòng vài năm tới và là bước ngoặt lớn trong nỗ lực chiến đấu chống các bệnh liên quan đến thừa cân béo phì đang có xu hướng ngày càng gia tăng ở Mỹ.

Các nhà hoạt động vì chiến dịch ăn uống lành mạnh nhận định rằng việc ban hành các chính sách thuế đặc biệt dành cho các loại nước ngọt đóng chai sẽ là một bước tiến lớn nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe người Mỹ.

Nghiên cứu mới đây của trường Đại học Y tế Cộng đồng Harvard T.H. Chan School đã chỉ ra rằng sáng kiến này sẽ khiến mức tiêu thu các loại đồ uống có ga ở San Francisco giảm 20%, đồng nghĩa với việc tỉ lệ béo phì ở vùng này sẽ giảm 4% tính đến năm 2018.

Tuy nhiên, vẫn còn rất khó để xác định độ chính xác của những con số trên do tính đến thời điểm hiện tại rất ít thành phố ở Mỹ áp dụng bộ luật đánh thuế đặc biệt này. Điển hình là thành phố Berkeley, thuộc bang California khi lượng tiêu thụ nước ngọt có ga ở một số khu vực có mức thu nhấp đã giảm tới 22% sau khi chính quyền tuyên bố áp dụng mức thuế 1 cent/ 28g nước ngọt vào tháng 5/2015.

Tháng 7 vừa qua thành phố Philadelphia cũng áp dụng chính sách này, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để xác định tính hiệu quả.

Một điều hiển nhiên dễ thấy là chính sách trên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía các công ty sản xuất nước ngọt lớn, đặc biệt là PepsiCo và Coca-Cola.

Những công ty này đã tiêu tốn 40 triệu USD nhằm đấu tranh phản đối chính sách thuế đánh vào nước ngọt khu vực vịnh San Francisco, trong đó 20 triệu USD đến từ Hiệp hội Đồ uống Mỹ.

Các nhà lãnh đạo của Coca-Cola và PepsiCo đồng loạt lên tiếng. CEO của PepsiCo, bà Indra Nooyi phát biểu tại một hội nghị hôm thứ Năm tuần trước "Những chính sách thuế này hoàn toàn không có nghĩa lý gì đối với sức khỏe cộng đồng".

Thế nhưng ngay cả khi các loại nước ngọt được đánh thuế cao hơn thì lượng tiêu thụ cũng chỉ giảm ở cấp độ địa phương và chưa đủ sức tác động lớn đến toàn bộ doanh số bán hàng của các "ông lớn" ngành nước ngọt giải khát như Coca-Cola và PepsiCo. Vấn đề lớn hơn mà các công ty này đang phải đối mặt đó là ý thức cộng đồng về sức khỏe đang dần được nâng cao.

Theo số liệu thống kê của tạp chí chuyên ngành đồ uống Beverage Digest cho thấy năm 2015, tổng lượng tiêu thụ nước ngọt có ga ở Mỹ đã giảm 1,2% so với mức 0,9% năm 2014. Lượng tiêu thụ Coca-Cola ở thị trường này giảm 1%, trong khi con số này ở PepsiCo lên tới 3,2%.

Nguyên nhân chính dẫn đến tín hiệu tích cực được cho là ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh tác động xấu của nước ngọt đối với sức khỏe.

Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu về béo phì Obesity Society cho thấy lượng tiêu thụ đường hàng ngày của người Mỹ đã tăng 30% trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây. Vì vậy, xu thế về dinh dưỡng đang ngày càng được quan tâm hơn nhất là các vấn đề về mối nguy hại của việc sử dụng quá nhiều thực phẩm này.

Kết quả là, các hãng sản xuất nước ngọt lớn như PepsiCo và Coca-Cola đang tập trung vào việc đa dạng hóa các sản phẩm của mình bao gồm trà, cà phê, nước đóng chai.

Hồi tháng 4 năm nay, CEO của PepsiCo bà Indra Nooyi tuyên bố sẽ cắt giảm lượng bán hàng các sản phẩm nước ngọt có ga xuống còn dưới 25% trên toàn thế giới và đẩy mạnh các loại đồ uống chứa ít đường và nước khoáng đóng chai.

Bà Nooyi cho biết việc làm này giúp PepsiCo "Tái cơ cấu các sản phẩm nhằm tập trung hơn tới những khách hàng quan tâm đến vấn đề sức khỏe".

Coca-Cola cũng có những động thái tương tự. Ông James Quincey, giám đốc điều hành Coca-Cola chia sẻ: "Kể từ năm 2000, chúng tôi đã tăng số lượng bán hàng của các sản phẩm đồ uống không có ga từ 10% lên 30%".

Cũng giống như PepsiCo, Coca-cola đang tập trung phát triển các loại đồ uống như nước ép, trà, nước đóng chai. Ngay cả đối với các loại nước ngọt có ga thì các hãng này cũng đang tìm cách cắt giảm hàm lượng đường và calo.

Hiệp hội Đồ uống Mỹ cũng đã đưa ra những sáng kiến nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm lượng tiêu thụ nước ngọt xuống mức 20% đến năm 2025. Hồi tháng 10 vừa qua, PepsiCo tuyên bố đến năm 2025 hãng này sẽ cắt giảm hàm lượng đường trong 2/3 các sản phẩm của mình xuống còn 100 calo/350ml nước ngọt. Hiện tại, những loại đồ uống này chiếm 40% tổng sản phẩm của của PepsiCo.

Tuy nhiên trên thực tế, lượng đường trong các sản phẩm nước ngọt không hề giảm chỉ có kích cỡ lon được thu nhỏ lại. Điều này vừa có tác dụng giảm chi phí sản xuất, vừa hấp dẫn đối với người dùng, đồng thời giảm lượng calo hấp thụ trong mỗi lon nước ngọt.

Việc ban hành các chính sách thuế đánh vào nặng vào các loại đồ uống chứa nhiều đường không thể hạ gục các công ty lớn như Coca-Cola và PepsiCo một sớm một chiều. Tuy vậy, ít nhất nó cũng có tác động không nhỏ đến nhận thức người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng quá nhiều đường.

Theo Đức Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM