Hàng triệu liều vaccine Covid đang bị thế giới bỏ phí, "kẻ ăn không hết người lần chẳng ra"

14/08/2021 17:37 PM | Sống

Nhiều nơi trên thế giới đang "khát" vaccine. Nhưng ở một số nước, hàng triệu liều vaccine đang bị vứt bỏ. Đó là những liều thuốc bị lãng quên.

Suốt hàng tháng trời, chiếc tủ lạnh cơ sở chính phủ nằm trong một trường đại học của Hà Lan đã được dùng để lưu trữ khoảng 90 chiếc hộp nhỏ, chứa đựng số vaccine AstraZeneca trị giá hàng ngàn đô. Nhưng 6 con số nhỏ bé trên chiếc hộp sắp khiến chúng rơi vào quên lãng mãi mãi. Đó là hạn sử dụng của chúng, trong tháng 08/2021.

Với Dennis Mook-Kanamori, một bác sĩ từ Trung tâm Y tế ĐH Leiden, việc hàng ngàn liều vaccine sắp hết hạn như vậy thực sự là một thảm kịch. Nhưng thứ khiến ông cảm thấy bất mãn hơn là nhà chức trách chấp nhận để chúng hết hạn, thay vì tìm cách chia sẻ cho những quốc gia cần hơn.

"Một thái độ thể hiện chủ nghĩa thượng đẳng," - Mook-Kanamori nhận xét.

 Hàng triệu liều vaccine Covid đang bị thế giới bỏ phí, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra - Ảnh 1.

Ảnh minh họa


Chuyện xảy ra ở cơ sở của Mook-Kanamori chỉ là phần nổi của một tảng băng khổng lồ. Trên thế giới, không thể đếm xuể có bao nhiêu chiếc tủ lạnh và kho lưu trữ đang ở trong tình trạng tương tự, với hàng triệu liều vaccine Covid sắp hết hạn trước khi được sử dụng. Khi nhu cầu tiêm chủng ở các nước giàu có như Hà Lan xuống thấp, bụi lại phủ nhiều hơn, và lại có thêm các liều thuốc quá hạn xuất hiện.

Tháng 7/2021, Mook-Kanamori đã phải tự tay tiêu hủy 600 liều vaccine. Đến cuối tháng 8, con số dự tính sẽ thêm 8000 liều nữa. Trừ phi có gì thay đổi thì đến tháng 10, tổng cộng sẽ có hơn 10.000 liều vaccine tại Leiden bị vứt bỏ. Và giới chuyên gia nhận định rằng có khoảng 200.000 liều vaccine AstraZeneca tại Hà Lan sẽ phải chịu chung số phận.

Đây là một tình cảnh khó chấp nhận, xét trên việc đa số thế giới vẫn chưa có đủ vaccine dù là những nơi chịu nhiều rủi ro nhất. Trên toàn châu Phi tính đến cuối tháng 7, mới chỉ có 2,2% người dân được tiem chủng 1 mũi. Trong khi đó ở Hà Lan, phân nửa dân số đã được tiêm đủ. Chính phủ Hà Lan cho biết vì một số quy định pháp lý và xuất nhập khẩu, số vaccine này sẽ không thể chuyển ra nước ngoài bất chấp các chỉ trích từ giới y bác sĩ.

 Hàng triệu liều vaccine Covid đang bị thế giới bỏ phí, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra - Ảnh 2.

Trên thực tế, mọi chương trình tiêm chủng đều sẽ có những liều vaccine bị lãng phí trong đó. Tuy nhiên ngay cả khi chỉ áp dụng mức tiêu chuẩn, số vaccine không được sử dụng trên phạm vi toàn cầu vẫn thật đáng ngại. Chỉ là có bao nhiêu liều đã hết hạn hoặc sắp hết hạn, chưa ai trả lời được.

"Chưa có ai theo dõi các liều vaccine hết hạn một cách có hệ thống," - trích lời Prashant Yadav, chuyên gia cung ứng vật tư y tế tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu. Thay vào đó, các thông tin về lĩnh vực này được công bố hết sức nhỏ giọt trên truyền thông.

Ở Israel, 80.000 liều vaccine Pfizer sắp hết hạn bị vứt bỏ vào cuối tháng 7; 73.000 liều vaccine từ nhiều hãng khác nhau cũng đã bị tiêu hủy ở Ba Lan; và khoảng 160.000 liều Sputnik V gần hết hạn đã bị gửi lại Nga từ Slovakia - số phận sau đó không rõ. Còn tại Mỹ, riêng bang North Carolina ước tính đã có 800.000 liều sắp hết hạn.

 Hàng triệu liều vaccine Covid đang bị thế giới bỏ phí, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra - Ảnh 3.

Số lượng vaccine bị bỏ phí trên thế giới đang rất đáng ngại (Ảnh minh họa)


Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, khoảng 470.000 liều vaccine đã hết hạn ở châu Phi tính đến ngày 9/8. "Đa số các liều vaccine khi tới đây chỉ còn hạn sử dụng rất ngắn," - Richard Mihigo, điều phối tiêm chủng tại châu Phi của WHO cho biết.

Thiệt hại từ số vaccine bị lãng phí này rất khó ước tính vì không có đủ số liệu. Như tại Mỹ, có hàng triệu liều đã hoặc sắp hết hạn, và với giá thành khoảng 20 đô mỗi liều, con số thiệt hại có thể lên tới hàng chục triệu đô hoặc hơn.

Nhưng điều quan trọng hơn là câu chuyện chống dịch của nhân loại sẽ rất bi đát. "Số liều vaccine chúng ta có vẫn là chưa đủ," - Lawrence Gosti, giáo sư ĐH Georgetown cho hay. "Chúng đang dần hết hạn, đang bị hỏng vì không đủ thiết bị lưu trữ và cũng không được phân bổ một cách hợp lý. Thật là thảm họa."

Tại sao vaccine phải có hạn sử dụng?

Mọi thứ trên đời đều có hạn dùng, đặc biệt là dược phẩm. Nhưng vaccine, nó biến đổi với tốc độ còn nhanh hơn bất kỳ loại thuốc nào. Như Tamiflu - thuốc trị virus cúm gia cầm H5N1 - có thể lưu trữ trong vài năm, trong khi vaccine Covid thì chỉ được vài tháng.

Qua thời gian, các liều vaccine sẽ "không còn giữ được khả năng kích thích hệ miễn dịch," - trích lời Jesse Goodman, giáo sư y khoa ĐH Georgetown và là cựu nghiên cứu trưởng của FDA Hoa Kỳ. Điều này khiến vaccine yếu dần đi. Hơn nữa, các loại vaccine dùng công nghệ mARN (như Pfizer và Moderna) còn mong manh hơn nữa.

 Hàng triệu liều vaccine Covid đang bị thế giới bỏ phí, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra - Ảnh 4.

Hạn sử dụng của vaccine là do nhà sản xuất đưa ra và được các nhà lập pháp địa phương kiểm duyệt. Đa số các vaccine Covid-19 hiện nay được cấp phép sử dụng khẩn cấp, trong khi dữ liệu quan sát mới chỉ là 6 tháng. Do đó, hạn sử dụng đặt ra cũng ngắn hơn.

Theo WHO thì không giống như việc lãng phí những lọ vaccine đã mở rồi, chuyện vaccine chưa mở nhưng bị lãng phí vì hết hạn vốn có thể tránh khỏi. Về tổng thể, lượng vaccine bị lãng phí trên toàn cầu chỉ nên ở mức dưới 1%.

Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Các dữ liệu cho thấy đa số các chiến dịch vaccine toàn cầu cho con số lãng phí lên tới 10%, thậm chí là cao hơn.

Kẻ ăn không hết, người tìm chẳng ra

Marco Blanker, bác sĩ tại thị trấn Zwolle (Hà Lan) cho biết ông đã phải vứt 58 liều vaccine trong 1 ngày hồi mùa xuân năm nay vì không ai chịu đến tiêm, khi công chúng đang có thái độ tiêu cực với vaccine của AstraZeneca.

"Điều này thật tàn khốc. Chúng tôi đã cố gắng hết sức vào những tuần trước đó để không bỏ phí đến 1 giọt vaccine."

Blanker đăng tải hình ảnh về những liều vaccine bị vứt bỏ lên Twitter. Tấm ảnh ấy làm dấy lên tranh luận dữ dội trong công chúng Hà Lan. Ít lâu sau, các bác sĩ trong nước đã cùng nhau tạo ra một ứng dụng, nhằm hỗ trợ tái phân bổ các liều vaccine chưa dùng tới.

 Hàng triệu liều vaccine Covid đang bị thế giới bỏ phí, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra - Ảnh 5.

Nhưng rồi nhu cầu tiêm chủng ở Hà Lan tan biến. 55% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi vaccine AstraZeneca chỉ được khuyên dùng ở một số nhóm tuổi. Vậy nên Blanker cùng một vài bác sĩ khác như Mook-Kanamori đang tìm kiếm các quốc gia khác sẵn sàng chấp nhận loại vaccine này.

Nambia - quốc gia tại Tây Phi dường như là một địa điểm ổn, vì họ "khát" vaccine. Thậm chí có một bác sĩ người Hà Lan sẵn sàng bay đến Nambia để vận chuyển vaccine. Tuy nhiên, nhà chức trách tại Hà Lan vẫn giữ nguyên lập trường: các liều vaccine chỉ được phép xử lý sau khi hết hạn mà thôi.

Đơn giản là không có đủ thời gian

Ngay cả khi các liều vaccine được phân phối đến nơi cần chúng nhất, hạn sử dụng vẫn lại là vấn đề. Toàn châu Phi, đa số các quốc gia đã sắp xếp để được vận chuyển vaccine trong vòng 3 - 4 tháng. Nhưng khi vận chuyển bị chậm trễ, họ bị ép vào thế phải xử lý một lượng lớn vaccine trong thời gian ngắn hơn.

Như Liberia, họ chỉ có 15 ngày để phân phối hàng chục ngàn liều vaccine AstraZeneca từ Liên minh châu Phi. Và 27.000 liều đã hết hạn.

 Hàng triệu liều vaccine Covid đang bị thế giới bỏ phí, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra - Ảnh 6.

Châu Phi "khát" vaccine, nhưng để phân bổ các liều vaccine sắp hết hạn tại đây cũng chẳng dễ

"Chúng tôi không có đủ thời gian," - Bộ trưởng Bộ Y tế Liberia Wilhemina Jallah cho biết.

Benin cũng phải vứt bỏ 51.000 liều vaccine vào tháng 7 sau 3 tháng vật lộn để vận chuyển chúng - Landry Kaucley, giám đốc vận chuyển vaccine của đất nước cho biết. Một phần nằm ở nỗi sợ tiêm chủng, sau khi một số quốc gia châu Âu tạm dừng tiêm nhằm điều tra về rủi ro tác dụng phụ của thuốc.

Tình cảnh ở nhiều quốc gia khác tại châu Phi còn bi đát hơn. Tại Malawi, chính phủ đã phải thiêu hủy gần 20.000 liều vaccine AstraZeneca hết hạn vào tháng 5 - một động thái theo lời nhà chức trách địa phương là vì công chúng không chấp nhận các liều vaccine hết hạn. Một số nơi từ chối tiếp nhận vaccine, nếu như chúng sắp hết hạn sử dụng.

Vấn đề là hạn sử dụng in trên vaccine có thể thay đổi. FDA trong tháng 7 vừa qua đã gia hạn sử dụng cho vaccine của Johnson & Johnson lên 6 tháng, thay vì 4,5 tháng. Đại diện của Quỹ Đầu tư Trực tiếp tại Nga cũng kỳ vọng có thể gia hạn sử dụng của vaccine Sputnik V từ 6 tháng lên thành 1 năm. Nếu điều này có thể xảy ra, nhân loại sẽ có thêm thời gian để xử lý vaccine thừa.

Nhiều chuyên gia mong muốn COVAX - cơ chế san sẻ vaccine toàn cầu - có thể giúp phân bổ vaccine trước khi chúng hết hạn sử dụng. Nhưng thực sự, tìm ra cách để chia sẻ cũng là vấn đề khó - theo bác sĩ Mook-Kanamori..

"Tôi có thể phân bổ 8000 liều vaccine trong một ngày tại Namibia nếu họ sẵn sàng tiêm chủng. Vấn đề là không ai sẵn sàng cả."

Nguồn: Washington Post


J.D

Cùng chuyên mục
XEM