Hàng trăm chủ quán karaoke Hà Nội kêu cứu: Cảnh sát PCCC nói sẽ tháo gỡ

16/02/2023 11:08 AM | Xã hội

Trước sự việc hàng trăm nhà đầu tư karaoke ở Hà Nội kêu cứu trước nguy cơ phá sản, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã giải thích và nêu giải pháp.

Mới đây, hàng trăm chủ đầu tư quán karaoke tại Hà Nội đã cùng ký đơn kêu cứu khi đứng trước bờ vực phá sản vì phải tạm dừng hoạt động do liên quan đến công tác PCCC.

Hàng trăm chủ quán karaoke Hà Nội kêu cứu: Cảnh sát PCCC nói sẽ tháo gỡ - Ảnh 1.

Hàng trăm chủ quán karaoke tại Hà Nội cùng ký đơn kiến nghị được hoạt động trở lại.

Trước vấn đề trên, đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PCCC&CNCH) Công an TP Hà Nội thông tin, toàn thành phố có 1.548 cơ sở kinh doanh karaoke lớn nhỏ, trong đó hơn 400 cơ sở nhỏ lẻ tự phát, không có đăng ký kinh doanh…những trường hợp này chắc chắn phải tự giải thể.

Bên cạnh đó có 1.000 cơ sở, trong đó 600 cơ sở chưa được cấp phép đầy đủ giấy tờ liên quan về PCCC, an ninh trật tự, văn hoá…cũng phải củng cố, hoàn thiện.

“Còn khoảng 400 cơ sở được cấp phép đầy đủ giấy tờ mà vẫn bị tạm đình chỉ hoạt động vì lý do như có thể cơ sở đã được thẩm duyệt, lúc nghiệm thu hiện trạng chưa trang trí bổ sung các tiêu chí của quán karaoke, khi kiểm tra vi phạm một số lỗi như đường hành lang, cầu thang bộ đóng kín lại mở cửa, vật liệu trên hành lang thoát nạn là vật liệu dễ cháy, phòng hát bố trí này kia, diện tích phòng hát bị co hẹp…Tất cả những điều này cơ sở buộc phải khắc phục” , ông Hiếu nhấn mạnh.

Hàng trăm chủ quán karaoke Hà Nội kêu cứu: Cảnh sát PCCC nói sẽ tháo gỡ - Ảnh 2.

Những lá đơn kiến nghị được hàng trăm nhà đầu tư karaoke gửi tới cơ quan chức năng.

Trước thắc mắc của chủ đầu tư dịch vụ karaoke về việc sau khi nhận biên bản kiểm tra vẫn không biết phải sửa chữa ra sao cho đúng quy định của pháp luật, đại tá Hiếu cho rằng, đơn vị đã phân cho công an 30 quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phải giải thích cho hộ dân, hộ kinh doanh, không để người dân bức xúc.

Theo ông Hiếu, Giám đốc công an TP Hà Nội đã giao cho Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH liên tục trong thời gian qua tổ chức hội thảo đưa ra kiến nghị, đề xuất với UBND TP Hà Nội để UBND TP kiến nghị với Bộ Công an, Bộ Văn hoá, Bộ Xây dựng nhằm tháo gỡ tình trạng trên.

“Việc này phải làm trên cơ sở chỉnh sửa đúng pháp luật, sửa như thế nào để đúng quy định thì chúng tôi có trách nhiệm hướng dẫn cho các hộ kinh doanh. Còn Hà Nội phải khẳng định rằng doanh nghiệp kinh doanh karaoke sẽ được cấp phép mới trong thời gian tới, các địa điểm mới mở nếu đảm bảo sẽ đều được cấp. Trong tháng 12/2022, chúng tôi đã kiến nghị đề xuất với lãnh đạo UBND TP Hà Nội, thành phố đã chỉ đạo ngành văn hoá hoàn thiện để trình UBND TP ban hành quy định về thực hiện Nghị định 54 về karaoke Đây cũng là cách tháo gỡ cho doanh nghiệp”, đại tá Hiếu phân tích.

Bên cạnh đó, ông Hiếu nhấn mạnh, việc kiểm tra, rà soát lại những cơ sở không có khả năng khắc phục để buộc cơ sở đó phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh hoặc đi địa điểm khác.

Còn khi cơ sở kinh doanh karaoke quay lại hoạt động thì chủ doanh nghiệp phải cam kết hoạt động đúng giờ, không sử dụng những gì Nhà nước cấm, đảm bảo điều kiện PCCC.

Trước đó, nhiều chủ cơ sở karaoke khẳng định, phần lớn các cơ sở kinh doanh karaoke đều hoạt động với mong muốn đúng với quy định của pháp luật nhất có thể. Điều đó thể hiện qua việc từ năm 2017, các đoàn kiểm tra luôn thực hiện kiểm tra định kỳ với các hộ đang hoạt động kinh doanh karaoke và vẫn kết luận là đảm bảo yêu cầu về PCCC theo quy định. Tuy nhiên, sau một số vụ cháy xảy ra tại quán karaoke trên địa bản cả nước, bất ngờ những cơ sở đủ quy định hoạt động trước đó lại được bị kết luận không đủ điều kiện hoạt động.

Mọi người đều nêu quan điểm không thể để "con sâu làm rầu nồi canh" được, không thể đánh đồng những cơ sở đó với hàng nghìn quán karaoke đang cố gắng hoạt động đúng quy định của pháp luật, dẫn đến nguy cơ phá sản của ngành dịch vụ này.


Theo THÀNH LÂM

Cùng chuyên mục
XEM