Hãng phim truyện Việt Nam được săn đón không phải bởi những bộ phim hay, mà do sở hữu hàng loạt khu "đất vàng"

29/03/2016 09:40 AM | Kinh doanh

Sở hữu quỹ đất vàng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có lẽ là điếm sáng duy nhất của Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) đối với nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) là nhà đầu tư chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).

Theo đó, Vivaso sẽ phải chi số tiền tối thiểu là 33,12 tỷ đồng mua 3,25 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ.

Điều đáng bàn là cổ đông chiến lược của VFS, Vivaso lại đang trong thời điểm làm ăn thua lỗ. Theo báo cáo tài chính gần đây nhất, doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 của Vivaso đạt 706 tỷ đồng. Lỗ gần 8 tỷ đồng.

Trong khi đó, hơn 20 năm nay, VFS cũng lâm vào tình cảnh khó khăn, làm ăn bết bát, thua lỗ triền miên.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2004-2014, VFS đã lỗ khoảng 39,6 tỷ đồng. Số lỗ từ năm 1998 trở về trước là 1,98 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do VFS làm các bộ phim theo đơn đặt hàng của nhà nước, thời gian đầu tư dài, doanh thu thấp. Chưa kể, công ty còn nợ tiền thuê đất 5,7 tỷ đồng.

Vậy ngoài tiềm năng phát triển điện ảnh, đem lại lợi nhuận trong tương lai, VFS có điểm sáng gì để Vivaso sẵn sàng chi tiền mua lại ngay cả khi hầu bao kiệt quệ?

Có lẽ, đó chính là những lô đất vàng mà VFS đang sở hữu.

Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam hiện đang là chủ sở hữu một diện tích rất lớn giáp với hồ Tây, Hà Nội, khoảng 5.500 m2.

Khu đất vàng này có một vị trí đắc địa, hai mặt tiền là đường Thụy Khuê và đường ven Hồ Tây. Nằm liền kề với trường THPT Chu Văn An, xung quanh là các nhà hàng hoạt động rất sầm uất, nhộn nhịp.

Ngoài ra, công ty này còn có 905 m2 ở Hoàng Hoa Thám làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe và quản lý khu đất rộng 6.382 m2 tại Đông Anh (Hà Nội) là trường quay phim.

Ở TP. HCM, VFS còn sở hữu 600m2 ở đường Thái Văn Lung, ngay sau Nhà hát thành phố ở quận 1 TP.HCM.

Theo phương án, sau cổ phần hóa, VFS dự kiến ngoài phim truyện và nghệ thuật sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh khác như kinh doanh nhà hàng, quán ăn, xuất khẩu các mặt hàng kinh doanh của công ty.

Công ty đặt mục tiêu năm 2016 đạt doanh thu 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, VFS chưa nói đến mức lợi nhuận là bao nhiêu.

Hãng Phim truyện Việt Nam là hãng phim nhà nước lớn nhất Việt Nam được thành lập năm 1953, hiện thuộc sở hữu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đã có khoảng hơn 300 bộ phim truyện nhựa, phim nghệ thuật và phim tài liệu được hãng sản xuất nổi tiếng trên thị trường như: Chung một dòng sông, Bao giờ cho đến tháng 10, Em bé Hà Nội, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm…

Ngày 29/6/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định chuyển đổi Hãng phim Truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim Truyện Việt Nam.

Tuy nhiên, kể từ khi không còn được Nhà nước Việt Nam bao cấp 100% và chuyển sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn thì Hãng phim Truyện Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Đã có thời điểm, hơn 100 cán bộ, nhân viên của Hãng nhận lương theo mức cơ bản 650.000 đồng vì Hãng không có đủ khả năng theo quy định mới của Nhà nước. Thậm chí, nhiều người còn bị cắt lương với muôn vàn lí do khác nhau.

Năm 2012, công ty này còn đứng trước nguy cơ giải thể.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM