Hàng nghìn sếp công ty du lịch phải… cắp sách đến trường

28/10/2018 13:21 PM | Xã hội

Chỉ vì một quy định vô lý, hàng nghìn lãnh đạo các công ty du lịch phải chi tiền khủng để… đi học lại.

Thông tư 06/2017 của Bộ VH-TT&DL quy định chi tiết một số điều Luật Du lịch 2017 nêu rõ: Từ 1/1/2019, người phụ trách kinh doanh các công ty lữ hành nội địa, quốc tế như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc… phải có bằng cấp cao đẳng (CĐ) chuyên ngành lữ hành.

Để được tiếp tục hoạt động theo Luật Du lịch 2017, các công ty phải bổ sung điều kiện bằng cấp như trên. Trong trường hợp không có bằng CĐ chuyên ngành lữ hành trở lên thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế hoặc nội địa.

Điều này cũng đồng nghĩa hàng ngàn giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT… các công ty du lịch phải đi học lại để bổ sung bằng cấp.

Quy định lạ lùng, không giống ai

Quy định trên đang vấp phải sự phản ứng rất mạnh của các công ty du lịch, chuyên gia vì có nhiều bất hợp lý. Ông Đào Văn Chiêu, đại diện Group Việt Nam Travel, cho hay ông có bằng thạc sĩ Việt Nam học nhưng vẫn phải đi học lại lớp nghiệp vụ. Điều này khiến ông vô cùng bức xúc.

“Tôi đường đường chính chính tốt nghiệp đại học (ĐH). Bằng ĐH của tôi ghi là “quản trị kinh doanh-du lịch”, trong khi Thông tư 06 quy định bằng phải ghi chính xác là “quản lý và kinh doanh du lịch”, tức trên bằng chỉ khác chữ “lý” và chữ “trị”. Hiểu một cách nôm na nghĩa là bằng ĐH ghi “quản trị kinh doanh-du lịch” của tôi không được chấp nhận, phải đi học lại.

Trong khi sinh viên tôi dạy, tốt nghiệp ở những trường CĐ, trên bằng chỉ ghi chữ du lịch lại hợp pháp. Lãnh đạo công ty có học đàng hoàng mà tới đây tôi không còn được làm đại diện hợp pháp của công ty mình nữa” - ông Chiêu bức xúc.

Ông Chiêu cũng thắc mắc không hiểu sao cơ quan chức năng lại ban hành quy định ngược đời làm khổ người kinh doanh như vậy.

“Tôi đã hoạt động trong ngành du lịch 18 năm nay. Tôi cũng từng kinh qua các chức vụ quản lý của nhiều đơn vị như Công ty Vận chuyển Saigontourist, TTC Group... Với cách làm tắc trách của cơ quan quản lý du lịch khi ban hành văn bản trên đã làm ảnh hưởng đến hoạt động, kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp (DN)” - ông Chiêu nói.

Tương tự, ông TGT, giám đốc một công ty du lịch ở Hà Nội, kể mới đây phải đóng 2,5 triệu đồng đi ôn thi lớp nghiệp vụ du lịch.

“Tôi đã có 20 năm gắn bó, điều hành trong ngành du lịch. Tôi đã có bằng chuyên ngành văn hóa du lịch, khoa Du lịch do Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cấp. Nhưng chỉ vì trên bằng ghi thừa hai chữ “văn hóa” mà tôi phải đi học lại những gì đã được đào tạo chính quy. Điều này là vô lý vì nó thực sự làm mất thời gian, gây lãng phí, tốn kém và không cần thiết” - ông T. nêu quan điểm.

Từ nhìn nhận trên, ông T. đề nghị với những lãnh đạo công ty đã có kinh nghiệm nhiều năm điều hành du lịch, đang quản lý tốt công ty của mình… thì không cần phải đi học lại nữa vì quá vô lý, không có ý nghĩa, chỉ gây phiền phức.

Ông NVD, giám đốc một công ty lữ hành ở TP.HCM, nêu quan điểm: Nhiều giám đốc công ty du lịch đã có vài chục năm trong nghề. Bản thân ông có bằng cử nhân, đồng thời trong quá trình công tác vừa tự học, tự tích lũy kinh nghiệm và tham gia thỉnh giảng, tham gia các talkshow… nhưng nay phải cắp cặp đi học lại, trông rất… kỳ cục và không giống ai.

Vị lãnh đạo công ty trên nhấn mạnh: “Tôi đề nghị Tổng cục Du lịch nên có cách làm tôn trọng DN, hợp lý hơn. Các công ty du lịch đều muốn tuân thủ đúng quy định của pháp luật nhưng phải làm sao để họ cảm thấy được nhẹ gánh về thủ tục chứ không nên đẻ ra giấy phép con, đồng thời thể hiện việc không tôn trọng lãnh đạo các DN”.

Bằng cấp chưa chắc giúp doanh nghiệp tốt hơn

Trước quy định về bằng cấp chuyên ngành lữ hành đang gây khó cho DN, Sở Du lịch TP.HCM mới đây đã có công văn gửi Tổng cục Du lịch đề nghị hướng dẫn cụ thể để tạo thuận lợi cho các DN.

Sau đó, trong phản hồi, đại diện Tổng cục Du lịch viện dẫn một số quy định và khẳng định: “Người có bằng tốt nghiệp trung cấp, CĐ, ĐH ngành đào tạo khác hoặc ngành có liên quan đến du lịch mà không đúng với các ngành quy định tại Thông tư 06 phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa, quốc tế”.

Bình luận về phản hồi của Tổng cục Du lịch, chuyên gia du lịch Nguyễn Tuấn Quyền phân tích: Qua giải thích của Tổng cục Du lịch cho thấy cơ quan này dựa vào Thông tư 24/2017 của Bộ GD&ĐT và Thông tư 04/2017 của Bộ LĐ-TB&XH. Nhưng nghịch lý là thông tư của hai bộ trên lại ban hành vào năm 2017, do đó đã phủ định văn bằng của những người đã tốt nghiệp trước năm 2017.

Mặt khác, thông tư ban hành giữa năm 2017 thì ít nhất phải đến năm 2019 hệ CĐ và đến năm 2021 hệ ĐH mới có thể ghi đúng ngành theo yêu cầu tại Thông tư 06 của Bộ VH-TT&DL.

Từ phân tích trên, chuyên gia du lịch Nguyễn Tuấn Quyền nhận định rằng có thể đây là sơ suất của Bộ VH-TT&DL khi ban hành Thông tư 06, nghĩa là đã không tính đến yếu tố lịch sử trong cách ghi nội dung bằng cấp. Vậy nhưng cơ quan này lại cứng nhắc yêu cầu trên văn bằng phải ghi đúng từng chữ một mới chấp nhận, thay vì cầu thị để sửa sai.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội, đánh giá: Trước khi Thông tư 06 ban hành, đáng lẽ cơ quan ban, ngành cần xem xét lại những bằng nào được cấp trước khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực và bằng nào cấp sau luật 2017 để từ đó có những cách áp dụng thỏa đáng, khoa học.

Thế nhưng Thông tư 06 đánh đồng tất cả, chẳng khác nào xóa sổ tất cả mã ngành du lịch được Bộ GD&ĐT thừa nhận và các trường ĐH đào tạo hàng chục năm trước đây. “Làm như thế là bất hợp lý, các DN không tâm phục khẩu phục” - ông Dũng nêu quan điểm.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng kinh nghiệm điều hành thực tế và ý tưởng dịch vụ tốt giúp doanh nhân điều hành công ty tốt hơn là chỉ có bằng cấp.

Theo Tổng cục Du lịch, cả nước có khoảng 6.900 công ty du lịch. Trong đó có khoảng 1.900 công ty lữ hành quốc tế, 5.000 công ty lữ hành nội địa.

Theo thông báo của trường CĐ Văn Lang Hà Nội, chỉ riêng chi phí tổ chức ôn và thi chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch đã tốn hết 2,5 triệu đồng/người. Còn học bổ sung và thi lấy chứng chỉ hết 3,5 triệu đồng/người...

Như vậy, theo tính toán của một số chuyên gia, các công ty lữ hành cả nước phải chi ra hơn 17,250 tỷ đồng chỉ để ôn và thi lấy chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch. Riêng tại TP.HCM, với 1.300 công ty lữ hành quốc tế và nội địa sẽ phải bỏ ra hơn 3,2 tỷ đồng để ôn thi và lấy chứng chỉ.

Theo Tú Uyên

Cùng chuyên mục
XEM