Hãng mỹ phẩm Trung Quốc thành công bằng nền tảng công nghệ

29/08/2020 20:20 PM | Công nghệ

Hãng chỉ xếp sau L’Oreal và LVMH tại Trung Quốc, thị trường mỹ phẩm lớn thứ 2 trên toàn thế giới.

Công ty kỳ lân Perfect Diary, trụ sở Quảng Châu, đang có ý định IPO tại Hong Kong, Trung Quốc. Trước đó, hãng nhắm vào thị trường Đông Nam Á – nơi có hàng triệu người trẻ tuổi sử dụng mạng xã hội giống như Wen Shan, 21 tuổi, sinh viên đến từ Quảng Đông.

Wen từ bỏ những hãng mỹ phẩm nổi tiếng của phương Tây như NARS hay Revlon và dành ngân sách 3.000 nhân dân tệ hàng năm cho Perfect Diary. Theo Wen, mỗi sản phẩm của Perfect Diary thường có giá chưa đến 100 nhân dân tệ và cũng do cùng bên thường cung ứng cho các thương hiệu phương Tây sản xuất.

Wen chuyển sang dùng mỹ phẩm Perfect Diary sau khi được bạn cùng phòng gợi ý. “Thông thường, các hãng mỹ phẩm nước ngoài có nhiều loại kem nền khiến tôi bối rối không biết loại nào phù hợp với mình. Hãng mỹ phẩm nội đia sẽ biết lựa chọn nào là tốt hơn cho làn da người Trung Quốc”.

Theo thống kê của Euromonitor năm 2019, mặc dù vẫn nhỏ bé so với những hãng mỹ phẩm khổng lồ như L’Oreal, Perfect Diary đang chiếm tới 4% thị phần mỹ phẩm trang điểm tại Trung Quốc. Perfect Diary và MAC của Estee Lauders đồng hạng 3, xếp sau 2 thương hiệu cao cấp là LVMH của Christian Dior và 3 thương hiệu khác của L’Oreal – đang chiếm tới 20% thị phần mỹ phẩm trang điểm tại Trung Quốc.

Euromonitor cho biết quy mô thị trường mỹ phẩm nội địa Trung Quốc tăng gấp đôi từ năm 2015 đến 2019 lên 8 tỷ USD, và dự báo bùng nổ vào năm 2024, lên đến 15 tỷ USD. Động lực của thị trường tiêu dùng nội địa Trung Quốc chính là tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng.

Sự thành công của Perfect Diary đến từ những nền tảng truyền thông xã hội như Douyin – Tiktok tại Trung Quốc – hay WeChat, thu thập thông tin về khách hàng và dựa vào đó để đưa ra các sản phẩm mới, sau đó tiếp cận khách hàng qua những “người truyền cảm hứng” ví dụ như "vua son môi” Li Jiaqi.

Nổi tiếng với khẩu hiệu “Các cô gái, hãy mua ngay!”, anh Li đã giúp các mỹ phẩm của Perfect Dỉary trở nên phổ biến qua những lần phát trực tuyến trên nền tảng thương mại khổng lồ Alibaba.

Trong khi đó, các nhà phân tích lại cho rằng sự thành công của Perfect Diary đến từ những người trẻ tuổi, một “thế hệ Z” sẵn sàng sử dụng các sản phẩm nội địa. Bà Mei Xin, chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Huatai, nhận định “Thế hệ Z đang được nuôi dưỡng và trưởng thành trong thời đại Trung Quốc giàu có. Không giống như những thế hệ trước, họ không tin rằng Mặt trăng ở phương Tây lớn hơn Mặt trăng ở Trung Quốc”.

Để mắt tới thị trường Đông Nam Á

Được thành lập bởi nền tảng thương mại số Yatsen của doanh nhân Huang Jinfeng vào năm 2017 và chỉ là hãng mỹ phẩm trực tuyến, Perfect Diary hiện nay có hơn 150 cửa hàng trên toàn Trung Quốc, và đang hướng tới mục tiêu 200 cửa hàng vào cuối năm. Công ty cũng đồng thời chú trọng mở rộng thị trường ra nước ngoài.

“Nền tảng thương mại số Yatsen hoạt động với mục tiêu đưa thương hiệu mỹ phẩm nội địa sánh ngang với các hãng nước ngoài", ông Huang cho biết.

Trong vài tháng gần đây, Perfect Diary đã mở cửa hàng trực tuyến dành cho khu vực Đông Nam Á như Philippines, Singapore, Malaysia. Công ty cũng có gian hàng chính hãng tại Lazada – công ty con của Alibaba ở Đông Nam Á.

“Chúng tôi luôn lắng nghe nhu cầu của khách hàng, và thường xuyên nghiên cứu về những sản phẩm họ mong muốn. Ví dụ như các khách hàng cho biết họ mong muốn một sản phẩm mới về phấn nền vì đó là thứ họ phải dặm lại thường xuyên", ông Huang chia sẻ về cách hãng ra mắt một sản phẩm phấn trang điểm giữa mùa đại dịch.

Perfect Diary cũng ký các hợp đồng với những nhà sản xuất hàng đầu thế giới như Intercos, trụ sở Milan, Italia. Intercos có nhà máy tại Trung Quốc đang cung ứng cho L’Oreal cùng nhiều hãng khác.

IPO tại Hongkong

Perfect Diary chưa từng công bố báo cáo tài chính, hay công ty làm ăn có lãi hay không.

Theo những nguồn tin của Reuters, tập đoàn Yatsen được tài trợ bởi những nhà đầu tư lớn như Hillhouse Capital, Sequoia Capital, Tiger Global Management, Boyu Capital hay Chinese Culture Group. Yatsen đang tổ chức gọi vốn trước IPO, được định giá khoảng 4 tỷ USD.

Goldman Sachs và Morgan Stanley được chọn để dẫn dắt đợt IPO tại Hong Kong của Perfect Diary, đặt mục tiêu huy động khoảng 500 triệu USD tính đến cuối năm 2020. Một số nguồn tin cho rằng con số này có thể lên tới 5 tỷ USD nhưng vẫn kém xa vốn hóa thị trường hơn 180 tỷ USD của L'Oreal.

Trong khi đó, những sinh viên như Wen vẫn tiếp tục thêm vào tủ đồ trang điểm của mình những thỏi son hay phấn nền của Perfect Diary.

“Tôi không quan tâm đến thương hiệu. Lúc đầu tôi không biết Perfect Diary là một hãng mỹ phẩm Trung Quốc. Thế nhưng giờ tôi đã biết và tôi cảm thấy rất vui khi sử dụng một hãng mỹ phẩm nội địa”.

Ngọc Trang

Cùng chuyên mục
XEM