Hàng loạt thành phố lớn trên thế giới đang thực hiện những bước đi táo bạo để cấm ô tô

27/04/2019 09:01 AM | Xã hội

Các thành phố trên khắp thế giới từ London, Paris cho đến Bắc Kinh, Seoul bắt đầu nhận ra rằng môi trường sẽ trở nên sạch hơn nếu ưu tiên dẹp bỏ ô tô.

Các thành phố trên khắp thế giới đang áp dụng những cách thức khác nhau để giảm thiểu lượng ô tô di chuyển trên đường. Một số thậm chí còn chuyển đổi mục đích sử dụng của những không gian rộng lớn trước kia dành cho ô tô, hạn chế thời điểm và khu vực mà các phương tiện ô nhiễm nhất có thể hoạt động.

Đối với hầu hết các thành phố, lý do chính cho sự thay đổi này là nhằm giảm ô nhiễm không khí, hiện đang là nguyên nhân tử vong của nhiều người hơn hút thuốc lá. Nhưng nó cũng là cách để các thành phố giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và số lượng ô tô quá lớn hoạt động trên đường phố. Dưới đây là 6 trong những thành phố chuyển đổi nhanh nhất.

Oslo

Hàng loạt thành phố lớn trên thế giới đang thực hiện những bước đi táo bạo để cấm ô tô - Ảnh 1.

Ở trung tâm thành phố Oslo, những chỗ đỗ xe trước đây đã trở thành làn đường dành cho xe đạp, ghế dài và công viên nhỏ. Tính đến đầu năm nay, thành phố này đã hoàn thành quá trình loại bỏ 700 bãi đỗ xe để khuyến khích người dân không lái xe, đồng thời dựng một số trạm sạc cho ô tô điện và thêm chỗ đỗ xe cho những người lái xe khuyết tật.

Đồng thời, Oslo đang cải thiện giao thông công cộng và làm cho hoạt động đi xe đạp dễ dàng hơn. Mục tiêu của Oslo là để giảm ô nhiễm đồng thời sử dụng không gian công cộng hiệu quả hơn.

Bà Hanne Marcussen, phó thị trưởng của thủ đô Na Uy cho biết: “Những thành phố, như Oslo, đã được xây dựng để phục vụ ô tô trong nhiều thập kỉ, và đã đến lúc chúng ta thay đổi nó. Tôi nghĩ điều quan trọng là tất cả chúng ta đều nghĩ tới kiểu thành phố mà chúng ta muốn sinh sống. Tôi chắc rằng khi mọi người tưởng tượng thành phố lý tưởng của họ, đó sẽ không phải là một giấc mơ về không khí ô nhiễm, ô tô kẹt cứng trên đường, hay các con phố lấp kín bởi những chiếc ô tô đang đỗ tại đó.”

London

Hàng loạt thành phố lớn trên thế giới đang thực hiện những bước đi táo bạo để cấm ô tô - Ảnh 2.

Khi London phát triển trong vài thập kỉ tới, hơn 100.000 người nữa sẽ phải di chuyển đến trung tâm thành phố này, và khu vực này cũng sẽ đón chào thêm 3.000 cư dân mới. Nếu tất cả lượng người này lái xe, giao thông sẽ bị tắc nghẽn. Để đối phó với vấn đề phát triển và ô nhiễm không khí vốn đang hiện hữu, chính quyền thành phố đang đề xuất một kế hoạch mới, trong đó ½ số đường phố sẽ hoàn toàn cấm ô tô hoặc ưu tiên cho người đi bộ - ô tô và xe đạp phải nhường đường cho người đi bộ.

Thủ đô nước Anh cũng muốn xây dựng các làn đường dành riêng cho xe đạp có thanh chắn bảo vệ trên hầu hết các con phố lớn. Trong kế hoạch mới, ở những nơi ô tô được phép hoạt động, giới hạn tốc độ được đề xuất là 15 dặm/giờ (khoảng 24,1 km/giờ). Đó là những nỗ lực mới nhất của London để giảm lưu lượng giao thông. Thành phố sẽ hoàn thiện chiến lược giao thông mới vào mùa xuân này.

Trước đó, vào năm 2003, thành phố này đã tiên phong trong việc đề xuất chi phí tắc nghẽn, một khoản phí mà các tài xế phải trả nếu họ lái xe vào trung tâm London trong giờ cao điểm. Vào năm 2010, London khai trương “siêu xa lộ” dành cho xe đạp trên các tuyến đường đông đúc. Kể từ năm 1999, số lượng ô tô lưu thông trên đường phố đã giảm khoảng ¼.

Seoul

Hàng loạt thành phố lớn trên thế giới đang thực hiện những bước đi táo bạo để cấm ô tô - Ảnh 3.

Trong năm đầu tiên hoàn thành chuyển đổi cầu vượt cao tốc thành đường dành cho người đi bộ vào năm 2017, 10 triệu người đã sử dụng tuyến đường này và công việc kinh doanh đã được cải thiện trong khu vực, doanh số đã tăng 42%.

Hiện tại, chính quyền thành phố lên kế hoạch bổ sung khu vực mới dành cho người đi bộ. Một số làn đường trên các đường phố lớn sẽ được chuyển đổi thành làn đường dành cho xe đạp và xe buýt. Thủ đô Hàn Quốc cũng bắt đầu cho ra mắt hàng loạt các xe buýt mới chạy bằng điện, lên kế hoạch sẽ có sự phục vụ của 3.000 chiếc vào năm 2025. Điều này cũng sẽ khuyến khích nhiều người chọn xe buýt hơn để di chuyển thay vì sử dụng ô tô cá nhân. Một hệ thống xếp hạng ô tô được thiết kế để ngăn những phương tiện gây ô nhiễm nhất lưu thông trong trung tâm thành phố. Đến năm 2020, chỉ có ô tô điện mới được phép hoạt động.

Madrid

Hàng loạt thành phố lớn trên thế giới đang thực hiện những bước đi táo bạo để cấm ô tô - Ảnh 4.

Vào tháng 11 năm ngoái, thành phố bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm khắc trên khắp trung tâm thành phố để cố gắng giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và tắc đường. Phương tiện cũ, ô nhiễm bị cấm, nhưng xe điện vẫn có thể lưu thông. Cũng có những trường hợp ngoại lệ: Người dân sống trong trung tâm thành phố và người khuyết tật vẫn có thể sử dụng những chiếc ô tô gây nhiều ô nhiễm hơn, và các phương tiện khẩn cấp vẫn có thể hoạt động trong khu vực này. Taxi chạy bằng xăng hoặc dầu diesel vẫn có thể lưu thông ở trung tâm nếu chúng còn khá mới.

Nhưng khi luật bắt đầu có hiệu lực, tỷ lệ tắc đường nhanh chóng giảm 32%. Chính quyền thành phố giải thích trên website của họ rằng khu vực phát thải thấp được thiết kế để trở thành lá phổi cho trung tâm thành phố.

Lấy cảm hứng từ thành công của Madrid, vào cuối năm 2018, chính phủ Tây Ban Nha đã đề xuất cấm bất kì chiếc xe nào phát ra khí thải hoạt động trong các trung tâm thành phố lớn trên toàn quốc.

Bắc Kinh

Hàng loạt thành phố lớn trên thế giới đang thực hiện những bước đi táo bạo để cấm ô tô - Ảnh 5.

Để giải quyết tắc nghẽn giao thông và cắt giảm ô nhiễm, Bắc Kinh đã cấm các ô tô không thuộc sở hữu của người dân thành phố lưu thông trên 23 tuyến phố lớn. Thêm vào đó, những người sử dụng ô tô bị hạn chế dựa vào biển số xe: đuôi biển số xe của họ sẽ quyết định một ngày nào đó trong tuần mà họ không thể lái xe. Bắc Kinh cũng đề nghị các ưu đãi tài chính nhỏ cho những người chọn không lái xe thêm một ngày.

Paris

Hàng loạt thành phố lớn trên thế giới đang thực hiện những bước đi táo bạo để cấm ô tô - Ảnh 6.

Vào năm 2017, một đường cao tốc đông đúc bên cạnh sông Seine đã trở thành đường đi bộ và công viên. Đó là một phần trong nỗ lực của chính quyền thành phố Paris để giảm ô nhiễm. Thành phố cũng hạn chế ô tô cũ, phát ra nhiều khí thải lưu thông trong thành phố vào các ngày trong tuần.

Đến năm 2024, ô tô chạy bằng diesel sẽ không được phép chạy trong Paris, và đến năm 2030, ô tô chạy bằng xăng sẽ bị cấm hoàn toàn. Giao lộ cũng đang được thiết kế lại để ưu tiên người đi bộ, và làn đường dành cho xe đạp và các phương tiện giao thông công cộng đang phát triển.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM