Hàng loạt chính sách mới của tân Thống đốc Lê Minh Hưng: Lạt mềm buộc chặt

29/05/2016 11:52 AM | Kinh tế vĩ mô

Thông điệp từ hàng loạt chính sách mới ban hành mà vị Tân thống đốc muốn gửi đến thị trường là gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải tăng cường kiểm soát.

Một ngày cuối tháng 5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã ban hành hai quyết định thay đổi quan trọng liên quan đến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản và kinh doanh xuất khẩu và chỉ thị đầu tiên kể từ khi nhậm chức.

Tựu chung lại, thông điệp mà vị Tân thống đốc muốn gửi đến thị trường là gỡ khó cho các doanh nghiệp, đồng thời cũng không chủ quan với lạm phát, chưa siết vội dòng vốn vào bất động sản nhưng sẽ siết dần đi liền với chỉ đạo tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông...

Vốn cho vay bất động sản vẫn chưa bị siết

Trái với lo lắng của nhiều người, với những sửa đổi chính thức về Thông tư 36 cho thấy vốn cho vay bất động sản vẫn chưa bị siết trong năm nay.

Theo đó, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS tăng từ 150% lên 200% thay vì 250% như dự kiến; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ nguyên 60% đến hết năm 2016 rồi hạ dần.

Theo dự thảo trước đây, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản dự kiến tăng mạnh từ 150% lên 250%. Tuy nhiên, ở Thông tư 06 vừa bàn hành, tỷ lệ này chỉ nâng lên 200%, và được áp lộ trình thực hiện từ 1/1/2017.

Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017, và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%. Điều này chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước đã giãn lộ trình thực hiện giới hạn trên trong hơn 2 năm.

Như vậy, thời hạn nguồn vốn này bị siết đã được lùi đáng kể. Điều đó đồng nghĩa với việc vốn cho vay nói chung và vốn cho vay bất động sản nói riêng vẫn chưa siết.

Chính thức mở lại cho vay ngoại tệ từ 1/6

Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ.

Theo đó, một nhóm đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được trở lại vay vốn bằng ngoại tệ, sau khi cơ chế đã khép lại từ ngày 1/4 vừa qua.

Cụ thể, Thông tư 07 cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Điều kiện đi kèm, khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc mở lại cơ chế trên nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Gỡ khó cho doanh nghiệp, không chủ quan lạm phát

Điểm ưu tiên nổi bật tại Chỉ thị đầu tiên khi Thống đốc Lê Minh Hưng đảm nhiệm cương vị mới là tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng kiểm soát lạm phát và tăng cường an toàn hệ thống vẫn đặt lên hàng đầu.

Cụ thể, trong những tháng cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước kiên định với mục tiêu đã đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 23/2/2016, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.

Đặc biệt, đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc yêu cầu chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay ; chú trọng quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro chênh lệch kỳ hạn và loại tiền, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động;

Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước thông báo, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ các khoản cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo Mai Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM