Hàng cứu trợ Venezuela: Mưu toan chính trị đằng sau danh nghĩa nhân đạo

13/02/2019 22:30 PM | Xã hội

Lãnh đạo phe đối lập của Venezuela thề sẽ đưa hàng viện trợ vào quốc gia này bằng mọi giá và hạn chót sẽ là ngày 23/2.

Bế tắc kéo dài

Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó, người tự xưng là tổng thống lâm thời của Venezuela, vừa đặt hạn chót với Tổng thống Nicolás Maduro và các lực lượng vũ trang nước này bằng việc thề sẽ đưa cái mà ông ta gọi là hàng viện trợ nhân đạo vào đất nước này vào ngày 23/2 dù "họ có thích hay không".

Phát biểu trước hàng chục nghìn ủng hộ tại cuộc diễn hành ở thủ đô Caracas, ông Guaido cho biết mình đang "ra lệnh trực tiếp" cho quân đội về việc ngừng chặn các đoàn xe cứu trợ tiến vào Venezuela từ các nước láng giềng Colombia và Brazil. Guaido cho rằng có 300.000 người Venezuela đang có nguy cơ chết vì đói và bệnh tật khi thiếu lương thực và thuốc men.

Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ dàng được Tổng thống Nicolás Maduro và quân đội ủng hộ ông dễ dàng nhượng bộ. Ông Maduro cho biết kế hoạch viện trợ thực chất chỉ là một "show diễn" và cái cớ cho cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu. Vị tổng thống hợp hiến của Venezuela nhấn mạnh rằng quân đội Venezuela sẽ dùng mạng sống của họ để bảo vệ biên giới đồng thời cảnh báo Washington đừng bắt đầu một cuộc chiến tranh khác.

Lãnh đạo phe đối lập Guaido có sự hậu thuẫn của Mỹ và hàng chục quốc gia khác. Tuy nhiên, ông Maduro có sự ủng hộ của quân đội Venezuela cũng như hậu thuẫn từ hàng loạt quốc gia, trong đó có Nga, Trung Quốc, Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ. Can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Venezuela rõ ràng sẽ gây ra một cuộc xung đột không ai mong muốn.

Phải thừa nhận rằng, thảm họa nhân đạo ở Venezuela không phải là điều cần bàn cãi. Tuy nhiên, các bên đều có những quan điểm của riêng mình. Phe đối lập đòi chính phủ mở cửa biên giới để đưa hàng viện trợ từ nước ngoài vào. Tuy nhiên, Chính phủ của ông Maduro nhấn mạnh rằng Venezuela, quốc gia giàu dầu mỏ, không cần viện trợ từ nước ngoài.

Theo chính phủ, cái Venezuela cần lúc này là việc Mỹ và đồng minh ngừng phong tỏa bao vây cấm vận để quốc gia này có thể dùng tiền của mình để mua những thứ cấp thiết nhất cho người dân và tự giải quyết vấn đề nội bộ. Hiện tại, Mỹ đang áp dụng lệnh trừng phạt mạnh tay với ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela – lĩnh vực duy nhất mang về ngoại tệ cho quốc gia này.

Thức ăn, thuốc uống trở thành vũ khí

Trong tình cảnh bi đát của người dân Venezuela ở thời điểm hiện tại, lương thực, thuốc men đã thực sự được vũ khí hóa. Các nhà phân tích cho rằng, ở Venezuela, ai kiểm soát được lương thực, thuốc men sẽ là người nắm được thế thượng phong trong cuộc xung đột chính trị ngày càng leo thang và trở nên phức tạp.

Rõ ràng, cả ông Guaido và ông Maduro cùng các bên liên quan đều biết rất rõ điều này và không ai sẵn sàng để đối phương nắm được ưu thế. Tuy nhiên, việc bao vây cấm vận Venezuela đã không khiến cho Chính phủ của ông Maduro sụp đổ nhanh nhưng phe đối lập và đồng minh của họ dự kiến. Thêm vào nữa, sự ủng hộ của quân đội với chính phủ sẽ khiến vấn đề thực sự phức tạp.

Khi tình cảnh hiện tại kéo dài, người dân Venezuela sẽ càng khốn đốn bởi mọi nguồn cung cho họ đều đã bị cắt. Một thống kê cho thấy, trung bình, mỗi người dân Venezuela đã mất trung bình 6 kg trọng lượng cơ thể vì khủng hoảng. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất vẫn đang ở phía trước.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM