Hàng chục năm xây dựng công cụ tìm kiếm 'bất khả chiến bại' của Google và Baidu sắp đổ sông đổ bể, vì hiển thị kết quả người dùng quan tâm thì ít mà quảng cáo thì nhiều!
Người dùng đang có xu hướng quay lưng lại với 2 công cụ này vì hiển thị kết quả không thực sự liên quan đến điều họ muốn tìm hiểu.
Tháng 6 năm ngoái, một trang web hứa hẹn sẽ giúp học sinh Trung Quốc vào được đại học bằng "cửa sau" đã trở nên nổi bật trong số các kết quả của Baidu, công cụ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc. Điều đáng nói hơn là trang web trên là một trang lừa đảo khiến dữ liệu của học sinh có nguy cơ bị xâm phạm và họ phải trả tiền cho những kế hoạch giả mạo để đỗ đại học.
Trước đó, Baidu cũng liên quan đến vụ lùm xùm khác. Không ít người dùng cho biết họ đã bị một bệnh viện "lừa" và điều trị không hiệu quả. Tên của bệnh viện này xuất hiện ở vị trí gần đầu tiên trong kết quả tìm kiếm của Baidu. Đại diện công ty sau đó đã bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc đến những bệnh nhân bị lừa.
Các sự cố như trên đã làm tăng sự hoài nghi của người dùng về tính xác thực của Baidu. Những trang web lừa đảo kiểu như vậy được cho là đã mua vị trí top đầu trong kết quả tìm kiếm bằng cách trả nhiều tiền hơn cho Baidu so với các trang web khác.
Chính vì lý do đó, một lượng lớn người dùng Internet châu Á, đặc biệt là giới trẻ đã quay lưng lại với các ông lớn như Baidu hay Google. Việc thường xuyên phải xem hàng tá quảng cáo cùng những kết quả bị "mua chuộc", giờ đây, họ có xu hướng chuyển sang các trang web tìm kiếm khác như ByteDance của Trung Quốc và DuckDuckGo của Mỹ.
Zhao (29 tuổi), một giáo viên dạy tiếng Trung ở Thượng Hải cho biết cô đã xóa ứng dụng Baidu trên điện thoại của mình vào tháng trước, cô cảm thấy thất vọng bởi cách mà ứng dụng này hiển thị kết quả tìm kiếm.
Khi dùng ứng dụng này để tìm thông tin về một bộ phim lãng mạn do một người bạn giới thiệu, Zhao đã tìm thấy một số điều thú vị ở trên cùng. Tuy nhiên, ngay bên dưới là hàng loạt đề xuất "được cá nhân hóa" của các bộ phim khác có liên kết đến những trang web phát video trả phí – thông tin hầu như không liên quan đến điều mà cô muốn biết.
Mặc dù vậy, theo Viện nghiên cứu Công nghiệp Forward, Baidu vẫn là công cụ tìm kiếm hàng đầu tại đất nước tỷ dân, với thị phần hơn 70%.
Thế nhưng, ByteDance, công ty mẹ sở hữu ứng dụng chia sẻ video TikTok đã xây dựng một công cụ tìm kiếm của riêng mình và đang thách thức sự thống trị của Baidu. Đơn vị này ra mắt hoạt động kinh doanh mới bằng cách tận dụng chức năng tìm kiếm được tích hợp vào ứng dụng tin tức Toutiao của họ.
Hiện ByteDance chưa tiết lộ cơ chế hoạt động của công cụ này. Tuy nhiên, một CEO tại một công ty quảng cáo ở Trung Quốc cho biết điểm khác biệt của ByteDance là kết quả không bị ảnh hưởng bởi tiền phí quảng cáo mà các nhà quảng cáo phải trả".
Một nhân viên văn phòng ở Quảng Châu mới sử dụng ByteDance đã nói rằng kết quả tìm kiếm giống như quảng cáo đã ít hơn một nửa số lượng của Baidu.
Liang Zhenpeng, một nhà phân tích ngành CNTT cho biết: "Lượng quảng cáo quá nhiều trên Baidu đang làm giảm đi sự tiện lợi của người dùng và các nhà khai thác công cụ tìm kiếm khác vẫn có cơ hội tham gia thị trường".
Google, công ty chiếm tới 90% thị phần tìm kiếm toàn cầu cũng bị nhiều người dùng xa lánh. Công ty này có thể xác định gần chính xác người dùng đang ở đâu dựa trên địa chỉ IP trên thiết bị của họ và đưa ra phỏng đoán có cơ sở về sở thích của họ dựa trên lịch sử tìm kiếm. Sau đó, Google sử dụng dữ liệu này để điều chỉnh kết quả hiển thị. Dù chức năng này thu hút các nhà quảng cáo nhưng người dùng lại thấy khá phiền phức bởi kết quả được tính toán sẵn.
Lượng tìm kiếm trên Google đã giảm 8% từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay.
Theo công ty marketing dữ liệu Merkle, số lượng tìm kiếm trên Google đã giảm 8% từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay. Trong khi đó, lượng tìm kiếm của DuckDuckGo, một công cụ đang phát triển nhanh chóng tại Mỹ đã tăng 49% so với cùng kỳ.
"Chúng tôi không theo dõi bạn" là lời hứa của DuckDuckGo. Công cụ này trở nên phổ biến nhờ hiển thị kết quả chỉ dựa trên các cụm từ được nhập và tìm kiếm trước không hề ảnh hưởng đến những gì hiển thị trong tìm kiếm tiếp theo. Gabriel Weinberg, người sáng lập và CEO của DuckDuckGo tin rằng quá nhiều kết quả tìm kiếm được điều chỉnh có chủ đích sẽ tạo ra suy nghĩ thiên vị.
Ngoài ra, nhiều người trẻ đang gần như từ bỏ công cụ tìm kiếm. Thay vào đó, họ dùng công cụ khác. Ví dụ: Khi tìm nhà hàng, họ sẽ xem các trang web đánh giá hoặc dùng ứng dụng chuyên biệt thay thế.
Có thể nói, Baidu và Google đã mất nhiều năm để tạo ra công cụ "bất khả chiến bại" và thiết lập sự thống trị về mảng tìm kiếm. Tuy vậy, quyền lực của họ dường như đang dần thay đổi.
Một yếu tố khác thúc đẩy sự thay đổi trên là tìm kiếm bằng giọng nói. Loa thông minh, hệ thống định vị xe hơi, smartphone và những thiết bị có khả năng nhận diện giọng nói đang giúp người dùng "rảnh tay" hơn và cho phép tìm kiếm dễ dàng hơn. Điều này sẽ mang công nghệ thông tin đi sâu hơn vào cuộc sống của mọi người.
Theo dự đoán, đến năm 2020, 30% trong tổng số tìm kiếm sẽ được thực hiện thông qua các giao diện không cần màn hình. Nó sẽ làm thay đổi cách hoạt động của công cụ tìm kiếm. Đến thời điểm hiện tại, người dùng chủ yếu vẫn nhập thủ công cụm từ tìm kiếm và chọn từ danh sách kết quả trên màn hình. Nhưng với loa thông minh hay những thiết bị khác, kết quả sẽ được đưa ra bằng lời nói. Điều đó có nghĩa là thuật toán tìm kiếm phải chọn các tùy chọn phù hợp nhất.