Hàn Quốc: Hết thời đánh giá đẳng cấp qua công việc

14/10/2020 13:44 PM | Xã hội

Hàn Quốc là đất nước phát triển nhưng vẫn giữ nhiều quan niệm cổ hủ. Trẻ em bị đè nặng dưới đủ kiểu áp lực, đặc biệt là học hành để trở thành người làm công ăn lương. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát gần đây, những ngành nghề được các bậc cha mẹ kỳ vọng nhất đang lần lượt “rớt đài”.

Cuồng thành tích

Không có nơi nào trên thế giới, giáo dục tư lại phát triển và lớn mạnh hơn ở Hàn Quốc. Nó được gọi bằng thuật ngữ là hagwon, mang nghĩa “hình thức kinh doanh giáo dục thông qua dạy thêm, dạy kèm”. Ngay cả khi chưa đến tuổi đi học, trẻ em Hàn Quốc đã tiếp xúc với hagwon. Theo báo cáo từ năm 2008, đất nước này đã có tới 70.000 cơ sở dạy kèm khác nhau.

Tại Hàn Quốc, thành tích học tập là tiêu chuẩn đánh giá con người. Mọi cha mẹ đều cố gắng tạo điều kiện cho con em học hành hết công suất. HS Hàn Quốc vừa rời lớp trường công lập là lại “mài quần” trên các ghế học viện, trường tư. Có đến 60% HS THCS và THPT ở đây phải cắm đầu vào học từ sáng đến đêm trong suốt 6 ngày/tuần.

Trên thế giới, thành tích học tập của HS Hàn Quốc luôn nằm trong tốp đầu. Người Hàn Quốc tin tưởng, bằng cấp xếp hạng xuất sắc là chìa khóa mở ra tương lai tươi sáng. Trung bình, mỗi gia đình Hàn Quốc trích trên 10% thu nhập đầu tư cho con em học thêm. Cách đây 10 năm, có đến 80% HS trung học ở đây vào các trường ĐH. Trung bình mỗi năm, Hàn Quốc có thêm 500.000 cử nhân. Họ đều hy vọng xin được việc làm ổn định trong các công ty, tập đoàn lớn hoặc viên chức nhà nước.

Sự cạnh tranh về thành tích ở Hàn Quốc nặng nề hơn bất cứ nền giáo dục nào. Một mặt, nó thúc đẩy các em học tập hết mình, đạt kết quả tốt nhất. Mặt khác, nó làm nảy sinh hàng loạt  hậu quả. Những em không theo kịp kiến thức sớm bị bỏ bê, trách phạt và kỳ thị. Nhiều HS vì không chịu nổi áp lực từ mọi phía đã tự vẫn. Tỷ lệ người tự tử ở Hàn Quốc là 1/5.000 người, cao gấp đôi Hoa Kỳ. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (The Organisation for Economic Co-operation and Development-OECD) phải đưa ra đánh giá, Hàn Quốc là đất nước tệ nhất với trẻ em.

Thay đổi lớn

Hàn Quốc: Hết thời đánh giá đẳng cấp qua công việc - Ảnh 1.
Giao hàng đang là nghề “phất” nhất ở Hàn Quốc.

Jin (41 tuổi) là bà mẹ có 2 con đang học mẫu giáo ở Hàn Quốc. Tuy đứa lớn mới có 7 tuổi, nhưng cô luôn không ngừng đắn đo có nên cho chúng đi học thêm luôn từ bây giờ không. “Tôi vẫn nghĩ, nếu chúng có thể trở thành bác sĩ thì danh giá và tuyệt vời quá”, Jin chia sẻ. Bản thân cô cũng từng “học gần chết”, tốt nghiệp trường ĐH danh giá và hiện là một nhân viên được trả lương cao.

“Nếu không sớm cho các con đi học thêm như chúng bạn, tôi sợ hai đứa không theo kịp bài giảng lúc đến trường”, Jin tiếp tục. Song khi nhìn lại quá khứ của mình, cô thay đổi. “Cho dù các con tôi không trở thành bác sĩ, thậm chí không lên nổi ĐH thì cũng có sao đâu. Điều quan trọng nhất là chúng vui vẻ và khỏe mạnh kia. Chuyện tương lai thì ai mà biết trước cho được”.

Suy nghĩ của Jin cũng là tư tưởng chung của nhiều bậc sinh thành Hàn Quốc thời bây giờ. Theo khảo sát hướng nghiệp của Bộ Giáo dục Hàn Quốc vào cuối năm 2019,  trên 7.500 HS lớp 6 có 11,6% các em muốn trở thành vận động viên, chỉ 6,9% muốn trở thành GV và 5,6% muốn trở thành bác sĩ.

Nếu trước đây, người Hàn Quốc bằng mọi cách thúc ép con em theo các ngành nghề như bác sĩ, cảnh sát, chuyên gia pháp lý thì bây giờ, họ quan tâm tới nhiều lựa chọn hơn. Trong top 10 ngành nghề được để ý nhất ở Hàn Quốc hiện nay, xuất hiện một số cái mới toanh như game thủ chuyên nghiệp, nhà sáng tạo nội dung, chuyên gia làm đẹp...

Buông bỏ kỳ thị

Thực tiễn tại Hàn Quốc chỉ ra, tấm bằng cử nhân hay thạc sĩ từ các trường ĐH danh giá chưa hẳn là chiếc vé bay tới khung trời mơ ước. Với hàng trăm nghìn SV tốt nghiệp mỗi năm, thị trường công việc ở đây đã không đáp ứng nổi nhu cầu. “Chúng ta cần thay đổi quan niệm về thành công”, đại biểu quốc hội Bae Eun Hee kêu gọi. “Đã đến lúc mở rộng khái niệm này và xem hạnh phúc cũng là một hình thái của nó”.

Bên cạnh việc quá coi trọng thành tích, người Hàn Quốc cũng từng đánh giá con người dựa trên nghề nghiệp. Họ phân bì nghề sang ngành hèn, chỉ đánh giá cao những đối tượng làm công ăn lương. “So với 10 năm trước, các công việc được SV quan tâm đang đa dạng hơn rất nhiều”, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo. “Sự tập trung của họ vào một ngành nghề cụ thể cũng giảm đáng kể”.

Đặc biệt, giới trẻ Hàn Quốc đang vô cùng hứng thú với các con đường sự nghiệp mới lạ, ví dụ như nhà sáng tạo nội dung (content creator).

Nhà sáng tạo nội dung là người dùng khả năng sáng tạo, làm ra các nội dung độc đáo, thu hút người xem trên những phương tiện truyền thông như YouTube, Blog, Instagram...

Tại Hàn Quốc, diễn viên hài DJ Gamst đã mở một kênh YouTube rất thành công, thu hút 1,86 triệu người theo dõi và hơn 1 tỷ lượt xem, đạt thu nhập 400 triệu won/tháng (tương đương 7,85 tỷ đồng). YouTuber Kim Jae Hyun mới 13 tuổi thì kiếm 1 triệu won/tháng (tương đương 19,6 triệu đồng) thông qua kênh YouTube cá nhân.

Bắt nhịp xu hướng, nhiều phụ huynh Hàn Quốc đua nhau tự tay tạo và điều hành kênh YouTube cho con cái, hy vọng biến nó thành “tài sản tương lai”.

Theo Cơ quan Thông tin Thống kê Hàn Quốc (Korean Statistical Information Service), số người lao động (15 tuổi trở lên) đang có việc làm chỉ khoảng 27 triệu người, thấp hơn năm ngoái 274 nghìn người. “Những đứa trẻ lớn lên trong làn sóng hagwon đang rất bối rối trước mục tiêu trở thành người làm công ăn lương, vì nó không còn chắc chắn nữa”, nhân viên văn phòng Shin Hye Yoon (31 tuổi) nhận định. “Tệ hơn cả là giữa thời đại này, chúng không biết phải đưa ra lựa chọn thế nào thì mới tốt”.

Thực tế, môi trường công sở ở Hàn Quốc vô cùng khắc nghiệt. Ngoài sự cạnh tranh đầu vào tàn khốc, nó còn “vắt chanh bỏ vỏ” nhân viên. Không ít cử nhân, thạc sĩ đã bằng mọi cách để chen được một chân lại bỏ việc khi đã có vị trí nhân viên chính thức. “Tôi bỏ làm nhà thiết kế thương mại vì không chịu nổi áp lực nữa”, Hur Hye Chan (28 tuổi) lên tiếng. Hiện tại, anh tạm làm người giao hàng, chờ cơ hội khác.

Tại Hàn Quốc, giao hàng đang là nghề dễ kiếm nhất. Ngay cả người chỉ làm việc 4 giờ/ngày và 3 ngày/tuần cũng lĩnh trung bình 1,6 triệu won/tháng (khoảng 31,4 triệu đồng). Nếu làm toàn thời gian, họ có thể nâng mức thu nhập bình quân lên 4,2 triệu won/tháng (khoảng 82,5 triệu đồng).

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nghề giao hàng lại càng khát nhân viên và trả lương cao hơn. Nhiều thanh niên Hàn Quốc thoải mái gạt bỏ ánh mắt người đời, vui vẻ làm “shipper” không cần bằng cấp.

Thái Thiên

Cùng chuyên mục
XEM