Hàn Quốc đối mặt cuộc khủng hoảng lao động tồi tệ nhất từ năm 1997 đến nay do giới trẻ phải nhường người già việc làm

23/02/2021 11:15 AM | Xã hội

Tình trạng có quá nhiều người lớn tuổi sống trong cảnh nghèo đói đã khiến Hàn Quốc chú tâm hơn vào tạo việc làm cho người già mà bỏ qua lớp trẻ. Chính nguyên nhân này đã tạo nên một tầng lớp thất nghiệp và khốn khó dù có trình độ của những người trẻ tại Hàn.

Theo tờ Nikkei Asian Review, đại dịch Covid-19 đã khiến gần 1 triệu người lao động Hàn Quốc mất việc làm trong riêng tháng 1/2021, tạo nên cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ năm 1997 đến nay.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã phải thừa nhận đại dịch đã tạo ra cuộc khủng hoảng lao động nặng nhất kể từ cuộc suy thoái 1997, qua đó buộc Chính phủ phải làm mọi thứ có thể để tạo thêm việc làm cho người dân. Dẫu vậy, bản thân Tổng thống Moon Jae In cũng phải thừa nhận năng lực của Chính phủ là có hạn.

Hàn Quốc đối mặt cuộc khủng hoảng lao động tồi tệ nhất từ năm 1997 đến nay do giới trẻ phải nhường người già việc làm - Ảnh 1.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In

Từ bỏ những ước mơ

Cô Koo Seo Jib, một sinh viên 25 tuổi mới tốt nghiệp của đại học ngành hàng không Hàn Quốc đã phải từ bỏ giấc mơ của mình khi dịch Covid-19 khiến hàng loạt chuyến bay bị hủy. Sự khủng hoảng của ngành đã khiến những lao động như cô phải chuyển hướng sự nghiệp hoặc có những kế hoạch khác.

Hiện cô Koo đang làm tiếp tân bán thời gian cho một tổ chức tài chính nhưng vẫn hy vọng có thể quay về làm tiếp viên hàng không để theo đuổi giấc mơ.

Tương tự, cô Kim Seung A, một sinh viên 23 tuổi mới tốt nghiệp trường múa đã phải thất nghiệp khi lớp dạy múa của cô bị đóng cửa do đại dịch. Giờ đây cô Kim phải làm bồi bàn bán thời gian cho một nhà hàng và cố gắng tiết kiệm tiền sống sót qua mùa dịch.

Những trường hợp của cô Kim và cô Koo là còn may mắn bởi ít nhất họ có thu nhập. Trên thực tế cuộc khủng hoảng lao động của Hàn Quốc đã bắt đầu từ trước khi đại dịch diễn ra.

Việc Chính phủ tăng lương tối thiểu cũng như các tiêu chuẩn về làm thêm giờ sau hàng loạt vụ tử vong do quá sức đã khiến nhiều doanh nghiệp ngại ngần tuyển thêm lao động. Thậm chí nhiều nơi còn cắt giảm nhân viên để hạ chi phí nhân công.

Thế rồi đại dịch diễn ra và mọi chuyện trở nên ngày càng tồi tệ hơn nữa. Nhà hàng, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phải đóng cửa hàng loạt ở Hàn Quốc do vắng khách và các biện pháp giãn cách. Nhu cầu kiếm việc làm bán thời gian tại đây đột ngột tăng cao khi nhiều lao động mất thu nhập và gặp khó khăn để sống qua mùa dịch.

Hàn Quốc đối mặt cuộc khủng hoảng lao động tồi tệ nhất từ năm 1997 đến nay do giới trẻ phải nhường người già việc làm - Ảnh 2.

Số liệu của Tổng cục thống kê Hàn Quốc (NSO) cho thấy nước này đã mất 980.000 việc làm trong tháng 1/2021, xuống chỉ còn 25,82 triệu người có việc làm.

Đây là tháng suy giảm liên tiếp thứ 11 của Hàn Quốc và là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/1998 sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1997. Xứ sở kimchi hiện nay có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 5,7%, cao hơn 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Cuộc khủng hoảng lao động đã khiến giới trẻ Hàn Quốc lâm vào cảnh khốn cùng. Trong tháng 1/2021, khoảng 310.000 lao động dưới 29 tuổi đã bị mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ tại đây đã tăng lên mức 9,5%.

Khi giới trẻ phải nhường cho người già

Kể từ khi Tổng thống Moon Jae In lên nắm quyền vào năm 2017, số lao động trên 60 tuổi tại Hàn Quốc tăng nhưng tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ cũng tăng theo. Ngoài nguyên nhân dân số lão hóa nhanh và tỷ lệ sinh giảm thì chính sách của chính quyền Seoul cũng tạo nên tình trạng trên.

Trong 4 năm vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã chi tới 100 triệu Won, tương đương 90,47 tỷ USD cho thị trường lao động. Thế nhưng, phần lớn số tiền này là để trợ giúp những người cao tuổi kiếm việc làm.

Tình trạng có quá nhiều người lớn tuổi sống trong cảnh nghèo đói đã khiến Hàn Quốc chú tâm hơn vào tạo việc làm cho người già mà bỏ qua lớp trẻ. Chính nguyên nhân này đã tạo nên một tầng lớp thất nghiệp và khốn khó dù có trình độ của những người trẻ tại Hàn.

Trước thực trạng trên, chính phủ Hàn Quốc cho biết đã tăng số lượng tuyển dụng thêm 45% tại các ban ngành hành chính công so với cùng kỳ năm trước, thế nhưng khoảng một nửa số chỉ tiêu này đã giành cho những người cao tuổi và cơ hội cho lớp trẻ là không nhiều.

Hiện Tổng thống Moon Jae In và chính phủ Hàn Quốc đang kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân chung tay hỗ trợ, tăng cường tuyển dụng lao động. Tuy nhiên với những quy định chặt chẽ về lương cơ bản và giờ làm thêm, nhiều công ty khó lòng tăng chi phí nhân công trong mùa dịch Covid-19.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM