Hai thiên tài với bộ óc siêu việt của thế giới cũng “lỗ sấp mặt” vì chứng khoán: Người thông minh chưa chắc đã đầu tư thông minh!

17/06/2021 12:59 PM | Sống

Khi đầu tư chứng khoán, không ai có thể đảm bảo rằng sự thông minh và tài năng thiên bẩm sẽ dẫn đến thành công. Câu chuyện về hai thiên tài của thế giới sau đây, nhà vật lý học thiên tài Isaac Newton và đại văn hào Mark Twain đã chứng minh điều đó.

Isaac Newton – khi IQ cao không có nghĩa là đầu tư thành công

Không ai có thể phủ nhận Isaac Newton là một thiên tài, là nhà bác học thông minh. Nhưng để trở thành một nhà đầu tư thành công, chỉ mỗi sự thông minh về IQ thôi chưa bao giờ là đủ.

Câu chuyện về sự thua lỗ của Newton tại South Sea đã trở thành một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất trong lịch sử ngành tài chính.

Khi nhắc tới thất bại này, Newton đã nói: “Tôi có thể tính toán chuyển động của các thiên thể nhưng bất lực trước sự điên rồ của con người”.

 Hai thiên tài với bộ óc siêu việt của thế giới cũng “lỗ sấp mặt” vì chứng khoán: Người thông minh chưa chắc đã đầu tư thông minh!  - Ảnh 1.

South Sea Co. là một đơn vị vận tải và thương mại đã thao túng chính quyền để giành được hợp đồng giao thương độc quyền tại Nam Mỹ, vùng biển Caribbean và vùng châu Á – Thái Bình Dương.

Năm 1719, nhận thấy thị trường thuận lợi, công ty này quyết định bán cổ phiếu ra công chúng và sớm trở thành cơn sốt đầu cơ tại đây. Và nhà vật lý học đại tài là một trong những người chạy theo cơn sốt ấy.

Trong cuốn sách “Nhà đầu tư thông minh” của Benjamin Graham, ông Jason Zweig của The Wall Street Journal kể đã một giai thoại về cuộc phiêu lưu đầu tư của Newton vào công ty South Sea:

“Mùa xuân năm 1972, Isaac Newton sở hữu cổ phần của công ty South Sea, cổ phiếu nổi tiếng nhất ở London. Nhận thấy thị trường đang vượt ngoài tầm kiểm soát, nhà vật lý học vĩ đại đã bán đi cổ phiếu của mình ở South Sea, thu về 100% lợi nhuận với tổng giá trị 7.000 bảng Anh. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, vì sự sôi động và nhiệt tình của thị trường, ông quay lại đầu tư vào South Sea với mức giá cao hơn rất nhiều, và đã lỗ 20.000 bảng (hơn 3 triệu USD tính theo giá giai đoạn 2002-2003). Trong quãng đời còn lại, ông "cấm mọi người nhắc đến từ South Sea trước mặt mình”.

Thất bại trong việc đầu tư của Newton rõ ràng không phải do ông thiếu tầm nhìn kinh doanh, thông tin hay năng lực. Việc chưa hình thành kỷ luật về cảm xúc là lý do chính dẫn đến "cú ngã đau" của ông.

Newton rõ ràng là một người thông minh xuất chúng. Nhưng sự thua lỗ này cho thấy ông không phải là một nhà đầu tư thông minh vì đã để cảm xúc xu hướng đám đông chi phối.

Hay như Graham đã mô tả: "Quả thật, vấn đề chính và thậm chí là kẻ thù tồi tệ nhất của nhà đầu tư có khả năng là chính anh ta."

Bài học từ thất bại thê thảm của nhà văn Mark Twain trên thị trường chứng khoán

Nhà văn Mark Twain (tên thật là Samuel Langhorne Clemens) được cả thế giới biết đến với các tác phẩm nổi tiếng như Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, Hoàng tử và Chú bé nghèo khổ, Cuộc sống trên sông Mississippi… Sự nổi tiếng với tư cách là một nhà văn đã mang lại cho ông sự giàu có đáng kể. Nhưng Twain đã phung phí tất cả vào vô số sai lầm đầu tư và kinh doanh.

Nhưng không chỉ nổi tiếng trên diễn đàn văn học, Mark Twain còn rất nổi tiếng trong cộng đồng đầu tư bởi những vụ thua lỗ thê thảm.

Vào tuổi 59 (tức thập niên 1880), ông đã có vụ thua lỗ nổi tiếng nhất, khiến thi hào mất ít nhất 150.000 USD, tương đương 4 triệu USD ngày nay. Trong hơn một thập kỷ, Twain đã đầu tư vào máy in do Paige phát minh, một chiếc máy nặng gần 4 tấn và hứa hẹn sẽ cách mạng hóa ngành xuất bản báo, sách và tạp chí. Tuy nhiên, người phát minh ra cỗ máy, ông Paige đã từ chối việc đưa cỗ máy ra thị trường cho đến khi ông ta cảm thấy đúng thời điểm. Trong các năm từ 1881 tới 1894, khi Paige đưa sản phẩm này ra thị trường thì đã có hàng trăm đối thủ khác, không thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, cuối cùng nó đã thất bại thê thảm. Mark Twain đã lỗ hàng trăm nghìn USD trong vụ đầu tư kể trên.

Thực ra trước đó, Mark Twain từng có một cơ hội đầu tư lớn, nhưng ông lại bỏ lỡ nó trong nuối tiếc. Đó là năm 1877, Mark Twain có cuộc gặp gỡ với  Alexander Graham Bell - người phát minh ra chiếc điện thoại đầu tiên và người đại diện của công ty Bell Telephone Company. Biết Mark Twain là một người yêu thích những phát minh mới, họ ngỏ ý mời ông đầu tư và tin chắc rằng phát minh này sẽ mang đến một tương lai rực rỡ.

Đại văn hào khi ấy, dù có sẵn tiền nhưng sau một hàng loạt thất bại trong đầu tư, tinh thần của ông đã không còn hào hứng nữa. Dù được đại diện công ty điện thoại kiên trì thuyết phục, đưa ra hàng loạt ưu đãi như chỉ với 500 USD là có thể sở hữu một khối lượng lớn cổ phiếu nhưng ông vẫn kiên định từ chối.

Sau đó, ông cho một người bạn vay 5.000 USD. Chỉ 3 ngày sau khi nhận được tiền, người bạn này đã phá sản. Còn về phần phát minh điện thoại, 9 năm sau, 150 nghìn chiếc điện thoại đã được lắp đặt ở Mỹ. Nó  trở thành một trong những phát minh quan trọng nhất và là ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận bậc nhất thời bấy giờ.

Sau này, Mark Twain còn đầu tư vào Plasmon, một hãng chiết tách sữa bột, một công ty ròng rọc hơi nước, và một công ty bảo hiểm khởi nghiệp. Ông cũng mất rất nhiều tiền khi mua và bán cổ phiếu sai thời điểm. Một trong nhiều ví dụ là Công ty Đường sắt Liên lục địa Oregon, mà ông đã mua với giá 78 đô la một cổ phần và bán ở giá 12 đô la.

Nợ nần chồng chất đã khiến Mark Twain tìm đến sàn chứng khoán mong tìm được vận may. Thế nhưng, ông càng đánh càng thua lỗ. Chuỗi thất bại đắng cay của đại thi hào đó sau này được đúc kết bằng câu danh ngôn mà ông mượn miệng nhân vật chính Wanxon thốt ra trong truyện ngắn “Bi kịch của chàng Wanxon ngốc nghếch”: “Tháng Mười, đấy là tháng chơi cổ phiếu nguy hiểm nhất. Còn các tháng nguy hiểm khác là tháng Bảy, tháng Một, tháng Chín, tháng Tư, tháng Mười một, tháng Năm, tháng Ba, tháng Sáu, tháng Mười hai, tháng Tám và cả tháng Hai nữa.”

 Hai thiên tài với bộ óc siêu việt của thế giới cũng “lỗ sấp mặt” vì chứng khoán: Người thông minh chưa chắc đã đầu tư thông minh!  - Ảnh 2.

Đầu tư thua lỗ, nhà văn nổi tiếng quay lại với văn đàn và dần dần phục hồi tài sản bằng chính năng lực thiên bẩm của mình, đó là đi diễn thuyết và viết văn.

Trong cuộc sống này, ai cũng sẽ có những cơ hội. Vấn đề là chúng ta có đủ năng lực để nhận ra và nắm bắt lấy cơ hội hay không. Newton hay Mark Twain đều có trí tuệ, kiến thức hơn người trong lĩnh vực của họ. Nhưng đối với việc đầu tư, họ lại chỉ là "tay mơ". Kiếm tiền ở thị trường chứng khoán là một thách thức ngay cả khi bạn hiểu rõ mình đang làm gì. Vượt qua giới hạn của bản thân, kỳ vọng kiếm "một món lời lớn" bên ngoài vùng an toàn của mình có thể là một hành trình rất đắt giá. Bởi vậy, bạn hãy biết mình là ai và tìm hiểu rõ việc mình làm là gì trước khi dấn thân.

Nguồn BI, Time...


Thiên An

Cùng chuyên mục
XEM