Hai người Hà Nội tử vong vì sốt xuất huyết: Bệnh nguy hiểm như thế nào?

02/09/2020 10:54 AM | Xã hội

Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết, đặc biệt Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong đó có 2 nam bệnh nhân đã tử vong vì sốt xuất huyết chậm trễ đến viện.

Tử vong vì sốt xuất huyết

Chiều 1/9/2020, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nam bệnh nhân đến khám và xét nghiệm được phát hiện sốt xuất huyết. Kết quả, men gan của bệnh nhân tăng cao, trên 4.000 và bắt đầu suy gan, suy thận, suy đa tạng.

Lúc đầu bệnh nhân đến khoa Cấp cứu A9 được lọc máu và chuyển đến điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Sau nửa ngày. bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực để chạy EMO (tim phổi nhân tạo) và hồi sức, nhưng bệnh nhân đã tử vong.

Trường hợp này là nam bệnh nhân, 57 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước khi đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, bệnh nhân đã bị sốt 5 ngày và tự mua thuốc về điều trị.

Đây là trường hợp thứ 2 ở Hà Nội tử vong do sốt xuất huyết chỉ trong nửa tháng qua. Điều đáng nói là cả 2 bệnh nhân đều đến bệnh viện muộn với tình trạng bệnh nặng, suy đa tạng.

TS.BS Bùi Trí Cường - Khoa bệnh lây đường hô hấp và tiêu hóa, Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện TƯQĐ108 cho biết bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh.

Triệu chứng và diễn biến

TS Cường cho biết bệnh sốt xuất huyết thường khởi phát một cách đột ngột và tiến triển qua ba giai đoạn là giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn sốt trong 3-5 ngày đầu tiên, trong giai đoạn này bệnh nhân sốt cao 38-40 độ, liên tục, kèm theo các triệu chứng chung của nhiễm vi rút: đau đầu, mỏi cơ khớp toàn thân.

 Hai người Hà Nội tử vong vì sốt xuất huyết: Bệnh nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt

Giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 tính từ ngày đầu tiên khi bệnh nhân bị sốt.

Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch thường kéo dài từ 24 - 48 giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau.

Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện như vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh, nhỏ; huyết áp bị kẹt với hiệu số huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg; huyết áp bị tụt hoặc không đo được; lượng nước tiểu ít.

Triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng.

Dấu hiệu xuất huyết dưới da được biểu hiện với các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím.

Dấu hiệu xuất huyết niêm mạc được biểu hiện với hiện tượng chảy máu mũi, lợi; đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Dấu hiệu xuất huyết nội tạng có thể thấy ở hệ tiêu hóa, phổi, não; đây là dấu hiệu nặng.

Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy phủ tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không bị sốc.

Giai đoạn hồi phục thường xảy ra từ 24-48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm khi có hiện tượng tái hấp thu dần từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch máu. Giai đoạn hồi phục kéo dài khoảng từ 3-4 ngày tiếp theo. Người bệnh hết sốt, thể trạng được tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động ổn định và bắt đầu đi tiểu nhiều.

Bệnh nhân có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ. Trong giai đoạn này cần thận trọng truyền dịch, tuy nhiên truyền dịch quá mức có thể gây nên phù phổi hoặc suy tim. Số lượng bạch cầu ở trong máu thường tăng lên sớm sau giai đoạn hạ sốt. Số lượng tiểu cầu dần dần trở về chỉ số bình thường nhưng có thể chậm hơn so với số lượng bạch cầu.

Với diễn biến lâm sàng qua 3 giai đoạn đã nêu trên, việc theo dõi bệnh nhân chặt chẽ rất cần thiết để có biện pháp xử trí phù hợp theo từng giai đoạn và tiên lượng trước khả năng có thể ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là những biến chứng xảy ra.

TS Cường cho biết sốt xuất huyết nặng xảy ra khi người bệnh có một trong các biểu hiện thoát huyết tương nặng dẫn đến tình trạng sốc giảm thể tích hay còn gọi là sốc sốt xuất huyết, có ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều; có dấu hiệu xuất huyết nặng và suy tạng.

Sốc sốt xuất huyết có biểu hiện suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh với các triệu chứng như vật vã, bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh, nhỏ, huyết áp kẹt, hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg, tụt huyết áp hay không đo được huyết áp; số lượng nước tiểu ít.

Cách phòng tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và bọ gây. Buông màn khi đi ngủ vì hiện nay chưa có vắc xin để phòng bệnh.

Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM