Hai điều bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng phải học nếu muốn trở thành bạn của con

06/07/2019 07:05 AM | Xem - Đọc

Time-In (hay còn gọi là thời gian ở bên nhau) trái ngược với Time-Out (thời gian tách biệt/thời gian tạm lắng). Về cơ bản, Time-In có nghĩa là dành thời gian bên con để nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với con.

Có thể một số người sẽ cười khẩy rằng: “Ôi trời, ai chẳng biết là nên ở bên cạnh con và có mối quan hệ tốt với con”. Nhưng họ có biết ảnh hưởng cụ thể của nó đến hành vi của con không? Và bên cạnh là bên cạnh đến mức độ nào để không tạo ra cảm giác áp lực, áp đặt lên con?

    Thay vì nói hãy cùng nhau làm

Tôi từng quen một ông bố đơn thân, anh cũng là tác giả một cuốn sách đã xuất bản tại Việt Nam. Thực sự ấn tượng ngay từ lần gặp đầu tiên khi được lắng nghe về cách anh đã một mình nuôi dạy con trai. Con trai anh hiện nay đang là sinh viên du học tại Mỹ, cậu cũng chính là người đã từng được báo chí nhắc đến khi dành được 4 suất học bổng của 4 trường Đại học top 100 của Mỹ.

Anh đã chia sẻ rằng khi con trai anh còn học THCS, cậu là một đứa trẻ nhút nhát, rất tự ti, luôn tự phủ nhận chính mình. Cậu không phải là đứa trẻ trưởng thành từ một trường chuyên lớp chọn nào, và khả năng học tập cũng không xuất sắc.

Vậy là ông bố đơn thân hơn 40 tuổi, lần đầu tiên đã quyết định đưa con đi nhảy dù, chỉ để mong rằng con sẽ tự tin hơn. Hay trong một buổi sự kiện tại lớp, khi thấy cảnh các bạn cổ vũ con mình lên hát, nhưng con thì liên tục chối vì mặc cảm thấy bản thân hát không hay. Quan sát thấy điều đó, anh đã nhanh chóng tạo cơ hội cho hai bố con cùng nhau đi học hát, để cuối cùng sau đó tự cậu bé đã thốt lên là “Hóa ra con hát cũng hay đấy chứ bố nhỉ?”.

Gần 3-4 năm trời, cũng người đàn ông đó một mình cần mẫn tìm hiểu thu thập thông tin tuyển sinh của các trường đại học bên Mỹ, từ cách nên học gì để có được học bổng du học, điểm tuyển sinh các trường bao nhiêu, cần những hồ sơ gì...

Tất cả những công lao đó đến cuối cùng đã được đáp trả bằng thành tích mà cậu con trai đã đạt được, và cũng nhờ vậy mà bản thân anh đã xuất bản được một cuốn sách của riêng mình.

Hay như câu chuyện của một chị diễn viên tôi từng biết, lâu lâu lại đem cậu con trai 12 tuổi của mình tới đoàn phim từ 7h sáng đến 10-11h đêm. Để cậu có thể quan sát quá trình mẹ làm việc trong suốt một ngày, thỉnh thoảng còn xin đạo diễn cho cậu bé một vai diễn quần chúng nhỏ. Trong một lần bông đùa tôi có hỏi cậu bé “Cháu đến đoàn làm phim ngồi cả ngày thế có chán không, có muốn về nhà chơi điện tử không?”. Thì tự cậu bé đã nói là “Cháu muốn xem mẹ làm việc, mẹ vất vả mới có tiền nuôi cháu, sau này cháu cũng muốn mình sẽ làm việc chăm chỉ như mẹ, kiếm thật nhiều tiền để mẹ không khổ nữa”.

Không một lời dạy dỗ cụ thể nào, nhưng tôi nghĩ người bố người mẹ ấy đã làm được việc mà rất nhiều ông bố bà mẹ khác mất nhiều năm trời cũng khó làm được.

Thực chất xét về mặt tâm lý để gắn kết với một ai đó, đặc biệt là con cái mình, không thể nói gắn kết là gắn kết được. Ngoài quá trình chúng ta dành thời gian đọc sách cho con, khen ngợi khích lệ con, luôn ở bên cạnh mỗi khi con cần, cho con biết lợi ích khi con làm đúng. Nhưng điều trên hết mà tôi thấy rất nhiều phụ huynh hiện này còn lơ là, đó là quá trình chúng ta cùng làm với con.

Chính quá trình cùng nhau làm một việc gì đó, chúng ta đến gần với nhau hơn.

    Bạn phải cho con có Time-In tốt thì Time-Out mới đem lại hiệu quả

Trong cuốn sách “Kỷ luật không nước mắt” của tác giả Sara Au – Peter L Stavinoha. PH.D. đã đề cập đến việc chỉ khi những đứa trẻ được trải qua những khoảng thời gian yêu thích ở bên cha mẹ (Time-In) thì khoảng thời gian tách biệt, thời gian tạm lắng (Time-Out) mới mang ý nghĩa là một hệ quả tiêu cực (hình phạt).

Cần Time-In mang ý nghĩa tròn vẹn để có tác dụng làm đòn bẩy cho việc xây dựng kỷ luật song song đó.

Bất cứ mối quan hệ nào cũng vậy nếu yêu thương càng nhiều, nếu ta cho đi quá nhiều thì đứa trẻ ấy sẽ dễ trở nên chán ghét, vô cảm, không biết coi trọng, không biết ứng xử, xa dài là không biết ơn.

Yêu thương rất nhiều theo nghĩa không có kỉ luật, không có bất kì quy định ranh giới giá trị nào đối với con. Đặc biệt đối với nhiều bố mẹ Việt Nam, ví dụ con đi không cẩn thận va phải cái bàn thì bố mẹ đã vội vàng ra đánh cái bàn “Cái bàn này hư quá, thôi không khóc mẹ thương, mẹ mua kẹo cho, không chơi với bàn nữa”. Rồi nào thì dọn dẹp bưng bê, gấp quần áo làm mọi chuyện cho con từ nhỏ.

Nếu yêu thương rất ít theo nghĩa quá nghiêm khắc, kỉ luật khắt khe thì sẽ khiến đứa trẻ dễ rơi vào tình trạng tự ti, vì nghĩ rằng mình không được yêu thương, mình kém cỏi, lâu ngày sẽ đánh mất dần bản lĩnh của đứa trẻ. Hoặc đứa trẻ sẽ trở nên khó kiểm soát hơn, dễ tức giận, bất mãn vì cảm thấy mình đã cố gắng rất nhiều mà không được thừa nhận. Chúng sẽ cảm thấy chẳng cần phải nỗ lực nữa làm gì đằng nào cũng vậy, chúng tự đánh mất đi động lực muốn cố gắng cho chính mình và cho gia đình.

Yêu thương vừa phải và cân bằng với chuyện kỉ luật, có yêu thương nhưng có kỉ luật, điều này sẽ giúp trẻ nhỏ tự nhận thức được rằng mình cần phải “học cách” để có được yêu thương từ người khác, cần học cách ứng xử, và hoàn thiện chính mình, chúng biết rằng khi mình sai thì mình sẽ bị kỉ luật, nhưng nếu mình cố gắng nỗ lực thì mình sẽ có được điều mình mong muốn.

    Kết

Mối quan hệ tốt đẹp với con sẽ cho bạn lợi thế và giúp cho nhiều chiến lược mà chúng ta thảo luận trong quyển sách này phát huy một cách hiệu quả cao hơn và bền vững hơn.

Con sẽ phản ứng tích cực hơn với sự dẫn dắt và chỉnh đốn của bạn, sẽ thoải mái hơn khi chia sẻ cảm xúc, đồng thời sẽ thấy an toàn và chắc chắn hơn trong mối quan hệ với cha mẹ.

Bạn hãy sử dụng hiệu quả những giây phút ở bên con, ngay cả khi bạn không có nhiều thời gian dành cho trẻ. Hãy tận dụng mọi thời khắc bên nhau để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với con. Bạn sẽ ngạc nhiên về việc ngay cả những hoạt động bình thường nhất cũng có thể tạo ra cơ hội để bạn giao tiếp bình thường và không căng thẳng với con.

Càng dành nhiều thời gian cho con, bạn càng có nhiều cơ hội để nghe con nói về cuộc sống và trải nghiệm của trẻ. Những thông tin đó có thể đem đến cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn về những gì con trẻ suy nghĩ.

Cũng như người lớn, trẻ em thường không thể hiện suy nghĩ của mình theo mệnh lệnh. Thay vào đó, suy nghĩ của trẻ sẽ bộc lộ ra vào những thời điểm khác nhau và chúng ta cần phải có mặt vào những khoảnh khắc thân mật đó để nghe được tiếng lòng của con.

*Bài viết được lược trích từ cuốn sách “Kỷ luật không nước mắt” theo quan điểm của các tác giả Sara Au – Peter L Stavinoha, PHD*.

Sâu Búc

Cùng chuyên mục
XEM