Hà Nội yêu cầu người dân sử dụng phương tiện công cộng phải đeo khẩu trang

19/04/2023 14:15 PM | Xã hội

Chính quyền TP Hà Nội yêu cầu người sử dụng phương tiện công cộng, người làm việc tại các siêu thị, rạp chiếu phim, quán bar, vũ trường đeo khẩu trang.

Trước bối cảnh số ca Covid-19 trên địa bàn tăng nhanh, tối 18/4 UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang theo hướng dẫn ngày 6/9/2022 của Bộ Y tế. Cụ thể, trên phương tiện giao thông công cộng, hành khách, tài xế, nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang.

Tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, quy định bắt buộc đeo khẩu trang áp dụng với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Ở một số không gian kín như quán bar, vũ trường, karaoke, cơ sở dịch vụ xoa bóp, làm đẹp, phòng tập thể hình, nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát, rạp xiếc, nhà thi đấu, nhân viên phục vụ, người bán hàng, người quản lý, người lao động bắt buộc đeo khẩu trang.

Tại các cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện đông người, nhân viên phục vụ, người quản lý và người tham dự cũng phải đeo khẩu trang.

Thành phố yêu cầu các cơ quan không mất cảnh giác, nắm bắt tình hình dịch bệnh để có phương án kịp thời; đẩy mạnh tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine; tăng cường kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở kinh doanh, tổ chức sự kiện, dịch vụ.

Sở Y tế Hà Nội được giao tăng cường biện pháp phòng, chống dịch tại trường học, cửa khẩu, cơ sở y tế; đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế.

Sở Y tế cũng rà soát, cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 theo nguyên tắc 4 tại chỗ; phân công số giường; nhân lực để theo dõi điều trị; chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân.

5 ngày qua, Hà Nội ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước, trung bình 96 ca/ngày, trong đó 30-50 ca nhập viện chủ yếu là người cao tuổi, mắc bệnh lý nền, còn lại được điều trị tại nhà. 566 bệnh nhân đang được điều trị ở các cơ sở y tế, trong đó 27 ca nặng phải thở ôxy qua kính hoặc mặt nạ, 2 bệnh nhân thở máy.

Các địa phương cần chủ động rà soát nhu cầu vaccine Covid-19

Theo SKĐS, số ca mắc Covid-19 tiếp tục có xu hướng gia tăng; các biến thể phụ phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tổng hợp nhu cầu vaccine phòng Covid-19 để tiêm trong 6 tháng cuối năm 2023, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ.

Theo ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), biến thể Omicron của SARS-CoV-2 đang lưu hành phổ biến trên thế giới với một số biến thể phụ, như: BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF. Trong đó biến thể phụ XBB.1.5 đã phát hiện tại 95 quốc gia.

Kết quả giám sát giải trình tự gene các ca bệnh trong nước cho thấy, các biến thể phụ phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam.

Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, nước ta đã ghi nhận 2.070 ca mắc Covid-19, trung bình 160 ca mắc/tuần, tỉ lệ bệnh nặng/mắc là 1,3%. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2023 đến nay, số mắc có chiều hướng gia tăng. Từ ngày 1-7/4 có 278 ca/tuần, tỉ lệ nặng/mắc là 1,4%; từ ngày 8-14/4 tăng lên 2.000 ca, tỉ lệ nặng/mắc là 1,1%.

Đến ngày 17/4, cả nước ghi nhận 1.031 ca mắc mới Covid-19. Đây là ngày có số ca mắc cao nhất trong khoảng gần 6 tháng qua.

Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, tháng 1/2023, BV chỉ tiếp nhận điều trị 20 ca mắc Covid-19, tháng 2 điều trị 21 ca, tháng 3 tăng lên 45 ca và từ tháng 4, con số này tăng lên nhanh. Cụ thể, tuần đầu tiên của tháng 4, BV điều trị 47 ca, tuần 2 tăng lên 85 ca. Cập nhật đến cuối ngày 17/4, BV đang tiếp nhận điều trị 146 ca, trong đó có 21 ca có dấu hiệu chuyển nặng.

Theo lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, 21 bệnh nhân có dấu hiệu bệnh chuyển nặng đa số trên 70 tuổi, có bệnh nền, như tiểu đường, huyết áp, lao, HIV, viêm gan, xơ gan…

Hiện, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã thành lập đường dây nóng để tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới nhằm phân tầng, chuyển bệnh nhân phù hợp, tránh quá tải cho tuyến trên.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, dự kiến trong tuần này, Hội đồng chuyên môn sẽ họp để rà soát, cập nhật lại hướng dẫn điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với tình hình mới.

Vaccine Covid-19 hiện nay vẫn hiệu quả phòng bệnh trở nặng

Theo ông Phan Trọng Lân, nước ta hiện nay chưa thay đổi khuyến cáo về tiêm vaccine Covid-19. Vaccine Covid-19 hiện nay dù còn hạn chế trong hiệu quả phòng lây nhiễm biến chủng Omicron, nhưng vẫn phòng hiệu quả các ca nặng và tử vong.

Vì vậy, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tổng hợp nhu cầu vaccine phòng Covid-19 để tiêm 6 tháng cuối năm 2023, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhóm đối tượng trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại một số địa phương còn tỉ lệ tiêm thấp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế sẽ căn cứ vào nhu cầu đề xuất vaccine Covid-19 của địa phương gửi về. Địa phương đề xuất bao nhiêu vaccine thì nhận đúng như thế. Thực tế, hiện nay, có những thời điểm, đơn vị chuyên môn đưa vaccine Covid-19 về tận cơ sở nhưng không có người nhận.

Mới đây, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cấp cho Hà Nội 10.000 liều vaccine Covid-19 để tiêm chủng cho các đối tượng theo hướng dẫn.

Trước đó, để tăng độ bao phủ và sử dụng hiệu quả vaccine Covid-19 AstraZeneca, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo, tham mưu việc tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là tiêm liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương chưa đạt tỉ lệ mục tiêu tối thiểu là 80%.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM