Hà Nội xin ý kiến người dân về ga ngầm C9 cạnh hồ Gươm

10/03/2018 17:00 PM | Xã hội

Ngày 9/3, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức giới thiệu và lấy ý kiến người dân về quy hoạch tổng mặt bằng Ga ngầm C9 - Ga hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm).

Ga C9 thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. Theo phương án quy hoạch, Ga C9 được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa hồ Hoàn Kiếm.

Nhà ga dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, có 3 tầng. Khoảng cách ngắn nhất từ thân Ga C9 tới hồ Hoàn Kiếm khoảng 10m, tới tượng đài Cảm tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m.

Hà Nội xin ý kiến người dân về ga ngầm C9 cạnh hồ Gươm - Ảnh 1.

Ga có bốn cửa lên xuống, gồm cửa số 1 được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội; cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và trên một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; cửa số 3 đặt bên cạnh thân ga trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm; cửa số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử, phố Hàng Dầu.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, việc bố trí Ga C9 ở khu vực cạnh hồ Gươm có nhiều lợi ích, hạn chế phương tiện cá nhân, giảm áp lực giao thông cho khu vực hồ.

Bởi lẽ, khi người dân đến khu vực hồ bằng tuyến đường ngầm có thể sẽ không còn đi các phương tiện khác, nên hạn chế ách tắc giao thông.

Đề cập đến khu vực hồ Gươm là biểu tượng, chứng tích lịch sử văn hóa tâm linh của Hà Nội cần phải thận trọng khi triển khai xây dựng các công trình, ông Lê Trung Hiếu cho rằng, khi triển khai mặt bằng Ga ngầm C9 - Ga hồ Gươm, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã phối hợp với đơn vị tư vấn, xin ý kiến các đơn vị liên quan như​ Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch; Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội; tham vấn cộng đồng dân cư; cơ quan; tổ chức; hội liên quan và được chấp thuận.

Mặc dù vậy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vẫn chỉ đạo cần phải có tham vấn cộng đồng để tiếp tục hoàn thiện và quan trọng nhất là sớm chốt phương án quy hoạch tổng mặt bằng để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong thời gian trưng bày, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội bố trí bàn ghi nhận ý kiến tại chỗ, đồng thời tiếp thu các đóng góp của cán bộ, nhân dân Thủ đô cũng như các chuyên gia, nhà khoa học thông qua nhiều hình thức khác nhau như email.

Có mặt tại khu vực trưng bày, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, không gian hồ Gươm vốn thanh bình, là phố đi bộ đang được nhiều tỉnh thành và một số nước đánh giá cao.

Nếu bố trí Ga ngầm C9 ở gần khu vực hồ sẽ tạo áp lực giao thông cho khu vực đó. Hơn nữa với tần suất khoảng 4 phút/chuyến tàu, lượng người dồn về khu vực hồ Gươm sẽ rất lớn gây ra sự lộn xộn, tạo áp lực giao thông. Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh thì nên có một phương án hợp lý hơn trong việc đặt Ga ngầm C9.

Tuyến đường sắt số 2 dài 11,5 km (đoạn trên cao khoảng 2,6 km, đoạn ngầm 8,9 km), gồm có 10 ga; trong đó có 3 ga trên cao và 7 ga ngầm.

Tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 35.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.

Nếu được các cơ quan liên quan thông qua, có thể đến năm 2020 tuyến đường sắt này sẽ đi vào hoạt động.

Đến 31/3 là thời điểm kết thúc lấy ý kiến người dân về Ga ngầm C9./.

Theo P.V

Cùng chuyên mục
XEM