Hà Nội và những hành động quyết liệt để ứng phó với Covid-19 trước 2 tuần "quyết định"

25/03/2020 06:00 AM | Sống

Trên tinh thần "Chống dịch như chống giặc", thời gian vừa qua và nhất là trong 2 tuần "quyết định" tới, Hà Nội quyết tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng ứng phó với dịch bệnh.

Tính đến tối 24/3, Việt Nam ghi nhận 134 ca nhiễm Covid-19. Hà Nội là địa phương nhiều bệnh nhân nhất, với 44 trường hợp. Từ nay đến ngày 5/4 sẽ là 2 tuần "quyết định" của Hà Nội và Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp. 

Trên tinh thần "Chống dịch như chống giặc", thời gian vừa qua và nhất là trong 2 tuần tới, Hà Nội quyết tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng ứng phó với dịch bệnh. Thành phố đề nghị sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân Thủ đô. 

Thành lập thêm 4 khu cách ly tập trung với 11.600 chỗ lưu trú 

UBND TP đã phê duyệt các Quyết định thành lập 4 khu cách ly tập trung phòng chống bệnh Covid-19 với quy mô tiếp nhận 11.600 chỗ lưu trú. Bao gồm: Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai); Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm); Khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm) và Trường đại học FPT tại khu GD&ĐT, KCN cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất).

Cho đến nay, thành phố đã bố trí 15 khu cách ly (9 của quân đội, 1 của BV công an thành phố và 5 khu dân sự) với 14.629 chỗ. Trong đó, BV Công an thành phố có 88 chỗ dành cho cách ly, khách sạn Hòa Bình (quận Hoàn Kiếm) có 80 chỗ dành cho người nước ngoài tự trả phí. 

Thành phố quy định các khu cách ly tập trung có nhiệm vụ đảm bảo cơ sở vật chất cho công tác cách ly người từ vùng có dịch về hoặc người có yếu tố dịch tễ cần phải cách ly y tế. Các sở, ngành, đơn vị liên quan đảm bảo công tác thành lập và vận hành khu cách ly, thời gian triển khai thực hiện theo đúng quy định. 

7 ngày cải tạo cơ sở cũ của Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh thành bệnh viện dã chiến

Bệnh viện Đa khoa Mê Linh (cũ) nằm trong khu đất 12ha tại 2 xã Đại Thịnh và Tam Đồng (Mê Linh, Hà Nội) sau nhiều năm chưa được đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục của bệnh viện đã xuống cấp.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, những ngày tới, công dân từ các nước châu Âu về đông, Hà Nội đã lên kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, địa điểm tiếp đón, cách ly, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Mê Linh (cũ).

Trong 7 ngày qua, công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đã huy động và duy trì lực lượng cán bộ nhân viên từ 300-500 người mỗi ngày, khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến Mê Linh.

Đến ngày 24/3, Bệnh viện đã hoàn thành, sẵn sàng nhiệm vụ khám và điều trị bệnh nhân Covid-19. 

Hà Nội và những hành động quyết liệt để ứng phó với Covid-19 trước 2 tuần quyết định - Ảnh 1.

Bệnh viện dã chến Mê Linh hoàn thành sau 7 ngày cải tạo "thần tốc".


 "Gõ cửa từng nhà" rà soát người nhập cảnh chưa qua cách ly từ ngày 7/3 đến nay

Để đảm bảo ngăn chặn nguồn lây lan dịch bệnh, hạn chế tối đa số mắc và tử vong trên địa bàn, UBND thành phố yêu cầu các địa phương rà soát lập danh sách tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam chưa qua cách ly tập trung, đang cư trú trên địa bàn, từ ngày 7/3 đến nay. Từ đó, tổ chức giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly theo quy định.

Hà Nội thành lập các tổ công tác tại cơ sở tổ chức "vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà", các cơ sở lưu trú, rà soát chặt chẽ và lập danh sách. Nếu phát hiện trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về có biểu hiện ho, sốt, khó thở thì chuyển ngay tới Bệnh viện của TP theo hướng dẫn của ngành y tế.

Hà Nội và những hành động quyết liệt để ứng phó với Covid-19 trước 2 tuần quyết định - Ảnh 2.

Giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly tại địa phương 

Thành phố quyết định, các trường hợp F1, F2 hoặc các trường hợp đi từ nước ngoài về phải cách ly tập trung đều được xét nghiệm miễn phí 2 lần. Lần 1 khi nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài và lần 2 đối với những trường hợp sau khi đã cách ly đủ 14 ngày. Nếu âm tính sẽ được trở về nơi cư trú tiếp tục chủ động tự theo dõi sức khỏe đủ 14 ngày tiếp theo.

Giám sát chặt chẽ, quản lý số người đã xác minh lịch trình di chuyển của người nhiễm bệnh và những người tiếp xúc Fl, F2; nếu trường hợp Fl xét nghiệm âm tính thì những trường hợp F2 tự theo dõi và giám sát sức khỏe. Giám sát tại nơi cách ly tập trung, cơ sở y tế, cách ly tại nhà phải chấp hành một cách nghiêm túc.

Đối với trường hợp đã có Quyết định cách ly mà không chấp hành, có thế xem xét xử lý theo quy đinh của pháp luật. Hà Nội kích hoạt ứng dụng Hà Nội SmartCity, hỗ trợ quản lý, theo dõi diễn biến tình hình dịch Covid-19 và giám sát các trường hợp thuộc diện phải cách ly.

Khuyến cáo người dân không ra đường từ nay đến 5/4 

Trước tình hình dịch bệnh, chính quyền Hà Nội khuyến cáo người dân không nên đi ra ngoài nếu không có việc quan trọng, cần thiết từ nay đến ngày 5/4. Người dân đi ra chợ dân sinh, phải giữ khoảng cách và bắt buộc đeo khẩu trang. 

Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng, không tập trung đông người tại các nơi sinh hoạt công cộng, hội họp tôn giáo; không tập trung đông người tại các đám giỗ...; không nên tổ chức việc cưới hỏi trong thời gian dịch Covid-19.

Tạm thời dừng hoạt động các quán bar, karaoke, games online, rạp chiếu phim, cơ sở Massages các chương trình ca nhạc... trên địa bàn thành phố đến khi có thông báo mới của thành phố.

Hà Nội và những hành động quyết liệt để ứng phó với Covid-19 trước 2 tuần quyết định - Ảnh 3.

Sở Y tế chỉ đạo Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã cử ngay cán bộ xuống cơ sở để phổ biến, hướng dẫn các trung tâm thương mại, siêu thị... trên địa bàn thực hiện tốt công việc, biện pháp phòng ngừa, khử trùng tiêu độc, đảm bảo vệ sinh phòng chống dịch bệnh.

Các trung tâm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố tạm thời không đón khách tham quan để phun khử khuẩn vệ sinh môi trường, đảm bảo công tác phòng, chống dịch của thành phố; Các cơ sở kinh doanh, nếu không cần thiết, khuyến khích việc đóng cửa, trừ các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc, lương thực, thực phẩm.

Xây dựng kịch bản, đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân 

Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố, trong đó tập trung vào cấp độ 3-4, đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly.

Hiện, Hà Nội đang ở kịch bản số 2, giả định có 5 khu vực cách ly với số người trong khu vực cách ly 1.000 người và 12.750 người cách ly tại nhà trong thời gian 14 ngày. Hoạt động mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường và nhu cầu tăng cao hơn.

Đến nay, các doanh nghiệp lớn, hệ thống siêu thị đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp từ 300 – 500% so với bình thường, đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay cũng được các doanh nghiệp dự trữ với lượng lớn đảm bảo đủ cung cấp cho người dân.

Hà Nội và những hành động quyết liệt để ứng phó với Covid-19 trước 2 tuần quyết định - Ảnh 4.

Chính quyền đã giao Công an thành phố và Cục Quản lý Thị trường tăng cường, kiểm tra, kiểm soát việc đầu cơ tích trữ hàng hóa, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Sở Giao thông Vận tải phối hợp Công an Thành phố kịp thời giải quyết cấp phép cho xe vận tải của các doanh nghiệp lưu thông trong nội thành vận chuyển hàng hóa thiết yếu tới các cơ sở bán lẻ trực thuộc 24/24h/7 ngày trong thời gian tới theo danh sách do Sở Công Thương tổng hợp, đề xuất.

Chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất phòng cho trường hợp xấu nhất

Hà Nội quyết định hỗ trợ tiền ăn 100.000 đồng/ngày/người đối với người Việt Nam và người nước ngoài trong thời gian cách ly y tế. Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế có yêu cầu bữa ăn riêng theo nhu cầu của mình nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở, địa phương thực hiện cách ly y tế thì phải tự chi trả phần chi phí tăng thêm (nếu có).

Về các vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của những người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế trong thời gian cách ly y tế: theo quy định chung của Thành phố. Sau khi Bộ Y tế ban hành vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của những người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế trong thời gian cách ly y tế: thực hiện theo định mức của Bộ Y tế ban hành

Đến nay, thành phố cũng đã chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất phòng cho trường hợp xấu nhất, trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ cho các cán bộ phòng, chống dịch, dứt khoát không để y tá, bác sĩ bị lây nhiễm chéo.

Cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 5/4 

Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình khung học của các cấp học phổ thông để phù hợp kịch bản phòng, chống dịch Covid-19.

Trước tình hình thực tế về sự lây lan, phức tạp của dịch, thành phố quyết định tạm thời các cấp học tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 5/4/2020 để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh và yên tâm phụ huynh.

Đồng thời chủ động cho học sinh học trực tuyến, có thể ôn tập và học chương trình mới.

Trong các cuộc họp BCĐ phòng chống Covid-19, Chủ tịch UBND TP cho biết thời gian tới, "số ca bệnh sẽ tăng lên, người dân bởi thế dễ bị xao động". Tuy nhiên, ông nhắn nhủ, người dân nên bình tĩnh, vì Hà Nội đang chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh và chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm.

Theo Minh Nhân

Cùng chuyên mục
XEM