Hà Nội sẽ làm gì để trở thành siêu thành phố, sánh ngang với Hồng Kông, Singapore trong 15 năm tới?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội ngay từ đầu đã xác định lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.
Hà Nội mạnh, đất nước mới mạnh. Mục tiêu của Hà Nội sau năm 2030 sẽ là một siêu thành phố. Thủ đô sẽ là một trung tâm tài chính sánh ngang trung tâm tài chính của Hongkong, Singapore. Đó là gợi ý của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại sự kiện Hà Nội 2016 – Hợp tác đầu tư và phát triển diễn ra cuối tuần vừa qua.
Theo Bộ trưởng Dũng, Hà Nội đặt mục tiêu sau năm 2030 trở thành một siêu thành phố (mega city). Hà Nội phải xứng tầm trở thành trái tim của cả nước ở mọi khía cạnh. Hà Nội phải là thành phố đi đầu để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, trước tiên là Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ về cải cách hành chính, đầu tư.
“Tài chính là dòng máu nuôi doanh nghiệp, kinh tế, Hà Nội phải là trái tim, cung cấp dòng máu cho doanh nghiệp Hà Nội, cho cả nước. Phải phát triển trung tâm này sánh ngang trung tâm tài chính của Hongkong, Singapore”, ông Dũng đặt kỳ vọng.
Ý tưởng của người đứng đầu ngành đầu tư và sự quyết tâm của lãnh đạo Hà Nội được nhiều người dân Hà Nội và cả nước đón nhận.
Để Hà Nội là đầu mối kinh tế giao thương bậc nhất quốc gia, là nơi tập trung các trụ sở chính, chi nhánh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhỏ trong và ngoài nước, tổ chức có uy tín tầm cỡ quốc tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ngay từ đầu đã xác định lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.
Đầu tiên, Chính quyền Thành phố sẽ làm tốt vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.
Cụ thể, Thành phố Hà Nội sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ DN khởi nghiệp. Ban hành chương trình để thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển các hoạt động phi chính thức sang chính thức trên diện rộng bằng các việc làm cụ thể như: hỗ trợ, làm thủ tục từ hộ kinh doanh cá thể sang DN; hỗ trợ đào tạo để từ chủ hộ kinh doanh thành chủ các DN; hỗ trợ tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, đất đai...
Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội phấn đấu có thêm 200 nghìn DN được thành lập mới và hoạt động có hiệu quả.
Thứ hai, để tạo thuận lợi cho hoạt động của DN, Hà Nội sẽ thực hiện mô hình “liên thông” tập trung giải quyết thủ tục đầu tư tại một địa điểm. Tăng cường đối thoại chính quyền - DN. Công khai minh bạch các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất...
Thứ ba, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, chấm dứt việc thanh tra chồng chéo.
Thứ tư, từ tháng 6/2016, các hồ sơ đăng ký DN qua mạng được giải quyết trong 2 ngày làm việc (giảm 1 ngày so với quy định) đối với quá trình giao dịch trên mạng.
Thực hiện liên thông cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư.
Thứ năm, Hà Nội duy trì tỷ lệ thực hiện kê khai thuế điện tử đạt 100%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 100%. Giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch. Rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 21 đến 26 ngày, giảm từ 10 đến 15 ngày so với Quy định.
Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.
Trong lĩnh vực đầu tư, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng cho hay, Hà Nội kêu gọi vào 3 lĩnh vực chính: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung; đầu tư trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ; đầu tư trong các ngành, lĩnh vực để nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp hướng tới dịch vụ chất lượng cao theo tiêu chuẩn của khu vực ASEAN và quốc tế...
Trước mắt, trong 5 năm tới là Hà Nội cần huy động 2,5 – 2,6 triệu tỷ đồng.
Quan điểm của Hà Nội là sẽ kết nối đầu tư giữa ngân sách trung ương , địa phương và thu hút nguồn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, ngân sách thành phố chỉ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung, dự án trọng điểm mang tính đặc thù nhà nước.
Còn lại, Thành phố đặc biệt coi trọng kêu gọi đầu tư tư nhân; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung các dự án quy mô lớn, dự án sạch, có giá trị gia tăng cao, công nghệ sinh học, công nghệ cao...
Đối với các dự án theo hình thức PPP, sẽ tập trung vào xã hội hóa kết cấu hạ tầng , ưu tiên tăng trưởng xanh, công viên và khu vui chơi giải trí, nhà ở cải tạo chung cư cũ, sản xuất công nghiệp phụ trợ...
Đến thời điểm hiện nay đã có 70 nhà đầu tư gửi công văn xin chủ trương đầu tư, trong đó có 52 dự án mà Hà Nội kêu gọi đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 300.000 tỷ đồng.
Dự kiến Hà Nội đến năm 2020 sẽ có thêm 200.000 doanh nghiệp được thành lập và hoạt động. Cộng thêm 180.000 doanh nghiệp hiện có, Hà Nội sẽ đóng góp hơn 1/3 vào mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề ra.