Hà Nội sắp có đường Vành đai 4 "huyết mạch" với tổng mức đầu tư 135.000 tỷ đồng

19/07/2021 20:11 PM | Kinh tế vĩ mô

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của lãnh đạo Chính phủ cho biết, Chính phủ đồng ý để thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư dự án đường vành đai 4 với tổng mức đầu tư từ 105 - 135 nghìn tỷ đồng.

Kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua đã trở thành nỗi ám ảnh với những ai di chuyển trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến cầu Thanh Trì, Hà Nội. Tình trạng tắc nghẽn này không mới bởi nó đã tồn tại từ lâu.

Theo số liệu khảo sát của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, năng lực khai thác của tuyến đường Vành đai 3 chỉ đáp ứng khoảng 2.000 xe/giờ. Tuy nhiên, trên thực tế, tuyến đường này đang phải "cõng" đến 5.000 - 6.000 xe/giờ.

Giải pháp đặt ra nhằm phân luồng phương tiện, giảm tải cho tuyến đường Vành đai 3 này được cơ quan chức năng nghiên cứu tính toán từ hơn chục năm trước về phương án đầu tư một tuyến đường mới chạy song hành, đi xuyên qua nhiều tỉnh, thành từ Hà Nội qua Hưng Yên sang tới Bắc Ninh (đường Vành đai 4).

Hà Nội sắp có đường Vành đai 4 huyết mạch với tổng mức đầu tư 135.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Đường vành đai 4 được quy hoạch 10 năm chưa thực hiện được. Ảnh minh họa

Mới đây, theo thông tin từ văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa chủ trì cuộc họp về triển khai một số dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025.

Trước đó, lãnh đạo 5 tỉnh - thành gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã ký Tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư theo phương án các địa phương "chung lưng đấu cật" để thực hiện nhanh tuyến đường Vành đai 4 liên vùng này.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ giao UBND thành phố Hà Nội chuẩn bị đầu tư Dự án (trên cơ sở đã thống nhất với UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc), thống nhất với Bộ GTVT chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi thống nhất triển khai dự án, 5 địa phương và Bộ GTVT cũng thống nhất, để Hà Nội làm chủ đầu tư dự án. Tổng mức đầu tư dự án được dự toán là từ 105.000 tỷ đến khoảng 135.000 tỷ đồng.

Hà Nội sắp có đường Vành đai 4 huyết mạch với tổng mức đầu tư 135.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GTVT và thành phố Hà Nội cùng các tỉnh liên quan về triển khai tuyến đường vành đai 4. Nguồn: hanoi.gov.vn

Để huy động được nguồn vốn này, UBND thành phố Hà Nội cho biết, phố lên phương án thực hiện bằng hình thức xã hội hóa PPP, hợp đồng BOT.

Đáng chú ý, cùng với tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND 5 tỉnh, thành cùng lãnh đạo Bộ GTVT đã ký vào một bản thỏa thuận hợp tác đầu tư. Trong đó, nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan sau khi dự án được Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư.

UBND hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang, hai địa phương dù nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến Vành đai 4 sẽ phối hợp với cơ quan chức năng rà soát các quy hoạch liên quan, đặc biệt là mạng lưới đường giao thông có tính kết nối với tuyến đường Vành đai 4 để đảm bảo khớp nối đồng bộ về quy hoạch nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư mạng lưới kết cấu hạ tầng khung của Vùng Thủ đô.

Hà Nội sắp có đường Vành đai 4 huyết mạch với tổng mức đầu tư 135.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Hướng tuyến đường Vành đai 4 theo quy hoạch. Nguồn: Báo Giao Thông

Tuyến đường này không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô, cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mà còn giúp Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.

Khi được Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai, Hà Nội sẽ nhanh chóng phối hợp với các địa phương bắt tay vào thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo phương án tiến độ đề ra.

Theo kiến nghị của lãnh đạo 5 địa phương trên, tuyến đường Vành đai 4 nằm ở phía Nam Quốc lộ 18 có điểm đầu là cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội). Điểm cuối tuyến tại đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận xã Nam Sơn).

Toàn tuyến có tổng chiều dài tuyến 98 km, đi qua 3 tỉnh, thành gồm Hà Nội (54 km); Hưng Yên (23km); Bắc Ninh (21 km); mặt cắt lòng đường rộng 120m.

Với đoạn đi qua Hà Nội, tuyến đường đi qua 7 quận, huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông, trên tuyến có hai cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở.

Theo Hải Yến

Từ khóa:  vành đai 4
Cùng chuyên mục
XEM