Hà Nội, mỗi khi gió mùa lại nghe mẹ bảo: “Trời lạnh rồi, khoác cái áo vào đi con”

02/12/2019 14:05 PM | Sống

Có những người miền Tây mong chờ cơn nước lũ về hàng năm, mang theo cá tôm và một mùa bội thu no đủ. Người Hà Nội cũng ngóng chờ gió mùa, mang theo hoài niệm và những ký ức bên gia đình.

Sáng nay đi làm, trời trở gió. Thực ra gió đã về từ đêm hôm trước, từ lúc nửa đêm tôi thức dậy vì gió lạnh, kéo chân cao hơn và trùm kín từ đầu tới chân. Ở trong chăn, tôi biết mình yên ổn dù ngoài kia gió mùa đã len lỏi khắp phố phường.

Phòng ăn ở trường để điều hòa nhiệt độ cao, ấm thật đấy nhưng khác cảm giác ấm áp lúc nào trong chăn co ro. Con bé ngồi cạnh kêu gió mùa thành thị giờ khác rồi, ở trong phòng kín mít cũng chẳng biết gió mùa về từ bao giờ. Ngày xưa nhà ba gian, gió thổi thốc từ gian trước sang gian sau, chị em ôm nhau co ro ngủ. Gió mùa, thấm tận da thịt.

Hồi còn ở căn nhà ba gian tuềnh toàng, mẹ có một hàng phở nho nhỏ, chắc cũng chỉ mở được một năm - hoặc mình cũng quá nhỏ để nhớ. Những ngày gió mùa về, sáng ra tính quay sang ôm mẹ vì lạnh thì mẹ đã dậy nhóm lò, tiếng bếp khò át cả tiếng gió. Lờ mờ tỉnh dậy, ngái ngủ.

"Mẹ ơi lạnh quá".

"Khoác cái áo vào đi" - cái áo mẹ lấy ra tối qua, có mùi băng phiến của mấy chiếc tủ ngày xưa. Nhưng lúc đó mùi gì cũng không thơm bằng mùi nước dùng phở. Lạnh thế, mặc gì ấm là được.

"Ra đây ngồi một tí cho ấm". Khò một lúc thì bếp than cũng hồng. Nhìn vào bếp lửa rồi mắt cũng nặng trĩu, thỉnh thoảng khẽ động vì ánh lửa lép bép. "Năm nay gió mùa về sớm nhỉ" - mẹ nói bâng quơ, không phải hỏi mình. Gà gật một lúc, mẹ bế lại vào trong giường.

"Thôi ngủ đi tí nữa, tẹo dậy đi học". Nghe được tới câu ngủ đi tí nữa thôi, còn dậy đi học thì đã ù ù trong tiếng gió.

Sáng nay xuống nhà chuẩn bị đi làm, mẹ cũng gọi với theo "Khoác cái áo vào đi, nay trời trở lạnh". Những hôm gió mùa mới thấy mẹ già, và ai cũng có vẻ già hơn. Vì những câu nói xưa cũ, vì chiếc áo khoác bố mẹ cứ mặc từ mùa này qua mùa khác, vì dáng vẻ chậm rãi có phần lọm khọm của bố mẹ những ngày trở lạnh.

Bên nhà hàng xóm, thằng cu con học lớp 2 chuẩn bị đi học, mẹ nó gọi với ra từ trong nhà: “Khoác cái áo này vào đi con” - thằng bé vùng vằng kêu nóng nhưng mẹ nó bắt mặc bằng được, nó phụng phịu. Tôi cười và nghĩ rằng, nếu đến tuổi tôi, có lẽ chúng sẽ tự mặc và không cần bố mẹ nhắc. Những câu nói quen thuộc ngày gió mùa, như của mẹ tôi sáng nay, không phải để nhắc tôi nhớ về việc phải giữ gìn sức khỏe - có lẽ chỉ là thứ yếu. Với mẹ đó là một thói quen, với tôi đó là kỷ niệm.

Hà Nội, mỗi khi gió mùa lại nghe mẹ bảo: “Trời lạnh rồi, khoác cái áo vào đi con” - Ảnh 1.

Những ký ức bên mẹ, bên gia đình ngày gió mùa là một điều gì đó rất Bắc Bộ, rất Hà Nội. Tôi biết gió mùa tới khi tối hôm qua mẹ đã lôi mấy tấm chăn con công dày bình bịch, lúc ngủ chỉ muốn đạp ra vì nóng. Tôi biết gió mùa tới khi áo khoác được mẹ gói ghém kỹ trong tủ giờ đã nằm trên móc treo. Gió mùa tới cũng là lúc mẹ dặn đi dặn lại: “Đừng có rửa mặt nước nóng không mặt nẻ toác ra đấy”. Lạnh thế, chịu sao được mà rửa mặt nước lạnh.

Trên con đường đi bộ từ nhà tới trường có hàng chục bà mẹ như mẹ tôi. Họ gọi với từ nhà ra khi lũ trẻ đang đổ ra đường buổi sáng. “Mặc áo vào chưa thằng kia” - một bà mẹ nào đó quát. “Khoác cái áo vào đi, hoặc cầm theo không chiều đi về lạnh” - lại một mẹ nữa ôn tồn hơn. Lũ trẻ chẳng cần biết gió mùa là gì, chỉ biết là lại phải mặc thêm áo, vướng víu khó tả.

Đô thị hóa càng nhanh, cuộc sống càng hiện đại, gió mùa càng ít nghĩa lý hơn với người trẻ. Đám trẻ giờ đây ở trong các căn chung cư nhiều hơn, cửa đóng kín mít. Chiếc điều hòa khiến người ta thoải mái hơn trong những điều kiện thời tiết cực đoan nhưng cũng xóa nhòa đi niềm vui hít hà ra khói, co mình trong áo ấm của những ngày thời tiết trở lạnh. Thời nhỏ của chúng tôi, chiếc áo khoác dày dặn cũng là một điều gì đó quý giá vì chắc mỗi đứa chỉ có 1-2 cái. Mẹ trân trọng và nâng niu tấm áo khoác như cách mẹ quan tâm tới chúng tôi vậy. Quần áo giờ đây không còn là những món hàng cả năm chỉ trông chờ tới ngày Tết hay thỉnh thoảng lắm mới được mua. Ngày gió mùa, ngày chớm thu, ngày đông rét mướt… mặc gì cũng được vì đã có điều hòa và máy sưởi. 

Hà Nội, mỗi khi gió mùa lại nghe mẹ bảo: “Trời lạnh rồi, khoác cái áo vào đi con” - Ảnh 2.

Những ngày gió mùa, cảm giác mọi thứ cũng cũ kĩ hơn nhiều. Vì trời bảng lảng, bầu không khí nhuốm màu ảm đạm. Lòng người cũng yên tĩnh hơn khi ngày gió mùa tìm tới, đâu đó như ai cũng có nhiều tâm sự. Tâm trí mỗi người luôn chất chứa trăm nỗi muộn phiền và lắng lo nhưng đâu đó chỉ chờ tới ngày gió mùa để trút ra, để nằm im tận hưởng sự tĩnh lặng của đất trời, vẻ đẹp của mùa đông. 

Lũ miền tây đem đến cho người dân sinh kế, sự trù phú và ấm no vật chất. Rồi từ vật chất đủ đầy ấy, người ta cũng vui hơn, hào sảng và yêu đời hơn. Gió mùa cũng mang đến miền Bắc sự bình tâm và an yên trong tâm hồn, như một dòng nước để xoa dịu con người sau những ngày bụi bẩn, ô nhiễm và nóng nực. Mùa hè để lại cho Hà Nội những ngày nắng nóng như đổ lửa, ai cũng mệt mỏi và uể oải xen lẫn bực dọc. Nhưng một cơn gió mùa đến, người ta lại thấy lòng mình yên lành. 

Hà Nội, mỗi khi gió mùa lại nghe mẹ bảo: “Trời lạnh rồi, khoác cái áo vào đi con” - Ảnh 3.

“Có lẽ chỉ khi nào gió mùa về, tao mới thấy Hà Nội bình yên và chậm lại như người ta nói”, cậu đáp.

Tôi cũng thấy Hà Nội bình yên hơn những ngày gió mùa, thấy mẹ già đi sau mỗi ngày Hà Nội trở gió, thấy những câu chuyện tuổi thơ trở về hiện tại, thấy cuộc sống không phải lúc nào cũng khiến ta hạnh phúc vì những điều mới mẻ. Đêm nằm trong chăn ấm thấy tiếng ho khục khặc của mẹ, tôi hiểu rằng gió mùa dù có thi vị, dù có cảm xúc hay da diết thì cũng là dấu hiệu báo một năm nữa đi qua. Sẽ đến một lúc, tôi không còn được nghe tiếng mẹ nói: “Khoác cái áo vào đi con, trời lạnh rồi đấy”.

Hà Nội, mỗi khi gió mùa lại nghe mẹ bảo: “Trời lạnh rồi, khoác cái áo vào đi con” - Ảnh 4.

Hôm nay, trời lạnh hơn thật. Gió mùa vẫn như năm xưa, mà mẹ đã khác. Vài chục cái gió mùa nữa, hy vọng mẹ còn ở bên đời chúng tôi.

Theo Minh Đức

Cùng chuyên mục
XEM