Hà Nội có nên cấm xe xích lô?
UBND TP Hà Nội đang tiến hành lấy ý kiến cấm các loại xe xích lô, xe ba bánh phục vụ kinh doanh để giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc cấm xe xích lô đang tạo ra những luồng dư luận trái chiều, gây nhiều tranh cãi.
Không ít ý kiến cho rằng, xích lô được xem là nét đẹp văn hóa du lịch, việc cấm xe xích lô là một thiệt thòi cho ngành du lịch Thủ đô. Thậm chí có ý kiến cho rằng đây là thể hiện của tư duy không quản được thì cấm.
Xích lô - nét đẹp truyền thống và rất độc đáo của Việt Nam
Xích lô tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có lịch sử hàng trăm năm và gắn với người Hà Nội xưa. Đây là một nét văn hóa độc đáo rất riêng ở Việt Nam mà du khách nước ngoài rất thích ở Hà Nội, Huế hay một số tỉnh thành khác.
Không biết tự bao giờ, trong mắt của du khách quốc tế, xích lô đã trở thành “biểu tượng phương tiện du lịch” ở Việt Nam. Cũng giống như khi nhắc tới xe túc túc là mọi người sẽ nghĩ ngay tới Thái Lan, còn với xe xích lô, du khách nước ngoài sẽ nghĩ tới Việt Nam.
Người dân thấy tiếc nuối nếu như xích lô bị cấm triệt để
Trước thông tin Hà Nội sẽ cấm xe xích lô, anh Phan Tiến Duy Phương (một du khách đến từ TP HCM) chia sẻ: "Lần nào ra Thủ đô Hà Nội, tôi cũng rất thích ngồi xe xích lô ngắm phố phường. Vừa để cảm nhận về không khí, nét đẹp của người Hà Nội và cũng là lúc để mình có thời gian nghỉ ngơi, sống chậm lại một chút.
Nếu một ngày không còn xe xích lô trên phố, bản thân tôi sẽ cảm thấy khá buồn và chưa biết sẽ sử dụng phương tiện gì không gây ô nhiễm môi trường để thăm thú Thủ đô".
Mặt khác, nghề đạp xích lô là nghề lấy công làm lời, dùng mồ hôi, sức lực đổi lấy chén cơm, manh áo. Trước khi có quyết định cấm xích lô, họ cũng đã phải chịu nhiều vất vả, nếu bây giờ "mảnh đất sống" cuối cùng của họ cũng bị tước mất, không biết cuộc sống của họ sẽ đi về đâu.
Hơn nữa, cũng rất nhiều lái xe xích lô bỏ số tiền lớn để may đồng phục, sửa sang xích lô, thuê thầy về dạy ngoại ngữ giao tiếp với du khách nước ngoài sẽ đều "đổ sông, đổ biển".
Nhiều du khách quốc tế muốn đến Việt Nam chỉ để được một lần trải nghiệm cảm giác ngồi lắc lư trên chiếc xích lô, bon bon đi qua từng con phố cổ hay chầm chậm ngắm cảnh xung quanh Hồ Gươm hoặc Hồ Tây. Vừa ngồi xích lô vừa hít thở không khí thoáng mát, trong lành, vừa chụp ảnh và họ cũng có thể dễ dừng lại bất cứ đâu nếu muốn.
Xích lô thì không giống như xe máy hay taxi mà nó đơn sơ, chầm chậm, lắc lư như một giai điệu trên đường phố, có thể dễ dàng lách qua những con phố hẹp. Chính vì những điều giản dị đó mà xích lô khiến nhiều du khách quốc tế yêu thích và có cảm tình bởi xích lô mang đến cho họ cảm giác thư thái.
Xích lô ngày nay đã trở thành một phương tiện mang đậm truyền thống, văn hóa Việt Nam. Bên cạnh phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, xích lô còn thể hiện sự sáng tạo độc đáo mang phong cách lạ lẫm trong các lễ hội, cưới hỏi rước dâu bằng xe xích lô.
Ở Hà Nội, người dân và du khách có thể thường xuyên thấy cảnh những chiếc xích lô chở mâm tráp ăn hỏi, đón dâu. Người dân và du khách đều cảm thấy thích thú trước những hình ảnh này. Khi đi thành hàng, những chiếc xích lô phục vụ đám cưới, đám hỏi được trang trí đẹp với màu đỏ, vàng bắt mắt, gắn ruy băng, cầu hoa lộng lẫy, ngay cả những người tài xế xích lô cũng diện trang phục lịch sự như áo sơmi, thắt cravat đỏ tạo sự thanh lịch, gợi nhớ nét đẹp trong văn hóa cưới hỏi xưa.
Xích lô là một món quà văn hoá truyền thống vô giá mà lịch sử đã trao tặng cho đất nước Việt Nam. Mặc dù xã hội ngày càng hiện đại và văn minh với nhiều phương tiện tân tiến nhưng ở một khía cạnh lịch sử nào đó chúng ta phải nỗ lực giữ gìn và phát triển để xích lô không đi vào quên lãng và biến mất khỏi đời sống người dân Thủ đô.
Việc cấm xích lô, trong đó có xích lô phục vụ du lịch, lại càng cần được cân nhắc, suy nghĩ cho thật kỹ. Nếu cấm hẳn, có thể đây là hành động từ đừng bỏ đi một nét đẹp của người Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nếu cấm, ngành Du lịch sẽ bị ảnh hưởng
UBND TP Hà Nội vừa báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”. Đáng chú ý, báo cáo này cho biết, TP Hà Nội đang nghiên cứu dừng hoạt động xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người và dừng hoạt động đối với xe xích lô.
Có nhiều lý do để cấm xích lô, trong đó điển hình là do loại hình phương tiện này thường xuyên nối đuôi nhau thành hàng dài di chuyển, dừng đỗ không đúng quy định gây ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, người điều khiển loại phương tiện này còn có hành vi “chặt chém” khách du lịch; phương tiện cũ, xấu xí và chở nhiều hàng hóa gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới sự văn minh, lịch sự của du lịch Hà Nội.
Hàng năm có khoảng trên 100.000 khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ xích lô du lịch
Không chỉ những tài xế xích lô bị thiệt thòi, mà ngay cả các công ty du lịch cũng tỏ vẻ nuối tiếc khi không còn loại hình du lịch này.
Theo một số đại diện Công ty hoạt động về du lịch, thì khách tham quan bằng xích lô là loại hình thu hút du khách nước ngoài, tạo doanh thu không nhỏ. Theo thống kê, hàng năm có khoảng trên 100.000 khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ xích lô du lịch.
Đây là phương tiện giao thông độc đáo của Việt Nam mà những nước khác không có. Hơn nữa, việc tham quan bằng xích lô cũng rất tiện lợi vì vừa an toàn, thoải mái vì xe lại chạy với tốc độ vừa đủ chậm cho khách có thời gian tham quan TP.
Nếu như cấm loại hình này, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác sẽ mất đi một nguồn thu không nhỏ từ khách du lịch nước ngoài.
Theo thống kê, hiện Hà Nội có khoảng 400 xe xích lô hoạt động trên các tuyến phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm, trong khi Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội chỉ mới cấp phép lưu hành cho 80 xe hoạt động, chia đều cho 4 công ty du lịch.
Theo Công an quận Hoàn Kiếm, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã xử lý 268 trường hợp xe xích lô vi phạm trên địa bàn với 2 lỗi chủ yếu là dừng đỗ sai quy định và di chuyển thành hàng dài gây cản trở giao thông.
Tuy nhiên, nếu như việc cấm xe xích lô nói chung, xe xích lô phục vụ du lịch nói riêng được thực hiện, sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành du lịch của Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành khác. Không những vậy, việc cấm còn ảnh hưởng trực tiếp tới hàng nghìn người hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo thống kê không đầy đủ, du lịch xích lô đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người, không chỉ tại Hà Nội mà còn tại nhiều nơi khác như: Huế, Đà Nẵng, Hội An, TP HCM… Như ở Huế, Hội An, Hà Nội có nhiều gia đình mấy đời làm và sống bằng nghề xích lô chở khách du lịch.
Nếu như bây giờ cấm xích lô thì thay bằng phương tiện gì để dạo quanh 36 phố phường, những khu phố cổ mà không ồn ào, không gây ô nhiễm và cũng để một bộ phận người dân có thu nhập ổn định.
Nên chăng, chúng ta chỉ cấm xích lô để đi bán hàng rong do nó nhếch nhác, cản trở giao thông. Còn xích lô phố cổ đưa khách du lịch đi tham quan thì không nên cấm, không nên xóa bỏ. Qua khảo sát đánh giá thì người nước ngoài cũng rất thích loại hình du lịch đó. Thêm vào đó, hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của du khách, loại hình phương tiện này ngày càng được nâng cấp, dần trở nên văn minh, lịch sự.
Có thể, trước đây từ khi chưa hiện đại hóa, xích lô sử dụng tràn lan và còn có nhiều hạn chế như: Xe quá cũ, xấu xí và chở nhiều hàng hóa. Điều này đã làm xích lô trở nên nhếch nhác, không văn minh, lịch sự. Nhưng giờ xích lô đã được nâng cấp, sửa chữa, hình dáng vô cùng bắt mắt. Xích lô du lịch đều khá sạch sẽ, được trang bị mái che và nhìn rất thời trang.
Những tài xế đạp xích lô du lịch thường khá lịch sự, hoà nhã và nhiệt tình, đôi khi giao tiếp tiếng Anh với khách nước ngoài rất tốt. Một số hãng hoạt động xích lô du lịch lớn còn trang bị cả đồng phục cho tài xế đạp xích lô tạo nên sự trang trọng và chuyên nghiệp trong mắt của du khách.
Thêm vào đó, những người tài xế xích lô thường rất rành đường, các quán ăn, nhà hàng và sẵn sàng giới thiệu cho khách du lịch, tạo điểm nhấn trong lòng du khách khi tới Việt Nam.
Nếu như cấm xích lô, không được chạy xích lô đưa du khách đi tham quan, những người làm nghề đạp xích lô sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn, phải chật vật để xoay xở tìm việc, nghề khác mưu sinh…
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc NXB giao thông, việc xem xét dừng xe xích lô hoạt động thể hiện cơ quan chức năng Hà Nội có một thói quen không quản lý được lại cấm. Theo ông Thủy, UBND TP Hà Nội không nên cấm xe xích lô hoạt động, bởi lẽ loại xe này có từ lâu đời, tiện dụng và giải quyết việc làm cho người lao động nghèo.
Ở Thái Lan, Lào... cũng có nhiều loại xe truyền thống vẫn được hoạt động. “Theo tôi, nếu cho rằng loại xe này gây ùn tắc giao thông để dừng hoạt động thì chưa thỏa đáng. Hà Nội không nên cấm xích lô hoạt động, quan trọng là cách quản lý cho hợp lý”, ông Thủy nói.
Ông Thủy đề xuất, cơ quan chức năng Hà Nội nên quy định rõ vạch đường nào xe xích lô được đi, giờ được phép hoạt động và tuyến đường loại xe này được lưu thông. Thêm nữa, cũng cần quy định số lượng xe xích lô cùng đi một lúc, không thể để vài chục xe nối đuôi nhau đi hàng dài trên phố.
Đồng thời, xích lô cũng cần quy định tiêu chuẩn chất lượng, mỹ quan, độ an toàn khi sử dụng. Xe xích lô còn là đặc trưng văn hóa, hình ảnh xa xưa của Hà Nội, góp phần thu hút khách du lịch. Bởi vậy không nên dừng hoạt động xe xích lô, xóa hết nét xưa của Thủ đô.