Hà Nội: Cả đời tích cóp được hơn 200 triệu đồng, cụ bà 88 tuổi mang đi đóng hụi, khi đòi nợ, chủ hụi chỉ móc trả 239.000 đồng

21/12/2017 10:30 AM | Xã hội

Trong những ngày này nhiều gia đình tại vùng quê nghèo thuộc thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội mất ăn, mất ngủ vì lâm vào cảnh vỡ hụi.

Thông tin bà chủ hụi tên P. ở huyện Thanh Oai bị vỡ hụi được lan truyền từ chính những người trực tiếp góp vốn tham gia với ước mơ làm giàu. Sau đó, nhiều người bảo nhau kéo đến nhà bà P. với mong muốn làm rõ cũng như đòi lại tiền nhưng không được tiếp xúc. Có thông tin cho rằng, bà P. đi điều trị bệnh hoặc bà P. đã bỏ nhà đi nơi khác ở, khiến cho người dân hoang mang, lo lắng vì có nguy cơ mất trắng số tiền đã góp cho chủ hụi.

Lang thang vì chồng không cho về nhà

Chiều 17/12, chúng tôi đã về địa trên để ghi nhận tình hình thực tế thì được biết bắt đầu từ tháng 11/2017 người dân tại đây đã bị đảo lộn. Theo như thông tin từ chính những người dân ở đây cho biết, rất nhiều gia đình đang đứng trước nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng và có cả những hoàn cảnh hết sức éo le cũng trắng tay vì nghe theo chủ hụi.

Hà Nội: Cả đời tích cóp được hơn 200 triệu đồng, cụ bà 88 tuổi mang đi đóng hụi, khi đòi nợ, chủ hụi chỉ móc trả 239.000 đồng - Ảnh 1.

Bà Sam phải sống cảnh lang thang vì mất tới 600 triệu đồng khi nghe theo chủ hụi.

Các trường hợp bị mất trắng hoặc lâm vào cảnh nợ nần không trừ một ai, dù già hay trẻ, giàu hay nghèo đều "dính" với chủ hụi.

Trường hợp được người dân nhắc nhiều nhất là bà Sam đã gần 60 tuổi, rơi vào cảnh ly tán sau khi bị mất trắng 600 triệu đồng, số tiền bà cùng gia đình tích cóp suốt nhiều năm.

"Khi vỡ lở cả thôn ai cũng khổ, nhưng khổ nhất vẫn là bà Sam. Bà ấy chơi tới 600 triệu, giờ mất trắng. Chồng đuổi đi không cho về nhà, đốt hết quần áo, chăn màn của bà ấy. Một tháng nay, bà ấy cứ đi lang thang khắp nơi vì không dám về nhà", một người dân trong thôn Châu Mai cho biết.

Theo người dân thôn Châu Mai, sau khi vỡ hụi, bà Sam bị chồng đuổi đi, không cho về cũng không có tiền để ăn tiêu nên cả ngày bà này chỉ ngồi ở cổng nhà bà P. (chủ hụi) gào khóc.

"Đến nỗi bà ấy tranh thủ về qua nhà băm rau cho lợn ăn, chồng cũng đuổi. Dân ở đây ai cũng thương bà ấy, gần 60 tuổi mà đầu bạc trắng chỉ vì nghĩ đến tiền hụi không biết đến khi nào mới lấy được", một người dân lắc đầu ngao ngán.

Được sự hướng dẫn của hàng xóm, chúng tôi đi tìm gặp bà Sam khi bà này đang đạp xe ở trong con đường làng.

Trao đổi với PV, bà Sam cho biết, gia đình bà đã đóng góp 600 triệu cho chủ hụi có tên là P.. Khi nghe tin chủ tuyên bố vỡ nợ, cả gia đình bà bàng hoàng, lo lắng. "Bây giờ tôi không biết phải đi đâu về đâu, tôi quá mệt mỏi và cũng hết chỗ tá túc. Chồng tôi đốt sạch quần áo, đánh đập, đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi có nhà mà như không", bà Sam cho biết.

Theo bà Sam, chủ hụi có hứa trả cho gia đình bà 2 sào ruộng, nhưng trước sự việc rối bời và quá nhiều người đòi nợ thì không chắc chắn chủ hụi giữ cam kết.

Con cái phải bỏ học

Cũng trong tình cảnh thẫn thờ vì mất tiền, căn nhà của cụ bà Hoàng Thị Mượn (88 tuổi) tăm tối, lạnh lẽo hơn bao giờ hết. Cụ Mượn cho biết, suốt 15 năm qua sống bằng nghề trồng cấy rau và tích góp được 210 triệu đồng, thì đã góp hết cho chủ hụi tên P.

Hà Nội: Cả đời tích cóp được hơn 200 triệu đồng, cụ bà 88 tuổi mang đi đóng hụi, khi đòi nợ, chủ hụi chỉ móc trả 239.000 đồng - Ảnh 2.

Sau bao nhiêu năm tích góp được hơn 200 triệu đồng, giờ đây, khi đến tuổi "gần đất xa trời" cụ Mượn lại trắng tay.

"Tôi đến đòi thì nó nói không có tiền, khi nào có thì nó báo. Tôi xót xa, khóc mãi, P. mới móc ra trả được cho tôi 239.000 đồng. Nó bảo, nó chết là hết. Nếu kiện cáo nó đi tù thì không trả. Nghĩ đến câu nói của nó, cứ đêm đến là tôi khóc một mình vì tiền đó là công sức tôi bán rau, con cháu cho không biết bao nhiêu năm nay", cụ Mượn chua xót.

Bi đát không kém gì các gia đình nêu trên, bà Đào Thị Phơi (64 tuổi, ở xóm 7) cũng đang lo lắng tột độ kể từ khi trong xóm xuất hiện thông tin vỡ hụi. Bà Phơi cho biết, hiện bà sống cùng con trai tên Hoàng Như Bền.

Hà Nội: Cả đời tích cóp được hơn 200 triệu đồng, cụ bà 88 tuổi mang đi đóng hụi, khi đòi nợ, chủ hụi chỉ móc trả 239.000 đồng - Ảnh 3.

Bà Phơi chia sẻ về việc con trai bị mất trắng 90 trệu đồng.

Trớ trêu thay, bản thân anh Bền lại là người bị câm điếc bẩm sinh, vợ chồng anh Bền quanh năm chỉ làm nghề nhặt ve chai, phế thải. Sau khi tích góp được khoảng 90 triệu đồng với ý định để xây nhà. Nhưng vì muốn có thêm tiền nên vợ chồng anh Bền đã đem theo toàn bộ số tiền này góp cho chủ hụi.

Bà Phơi vẻ mặt căm phẫn chia sẻ: "Hồi tháng 10, vợ chồng nó đến lượt lấy tiền nhưng chủ hụi không thể trả để cho nó xây nhà. Nhà đang xây dở, không lấy được tiền, vợ chồng nó lại phải vay lãi ngân hàng để xây cho xong".

Theo bà Phơi, từ ngày vỡ hụi, 2 đứa con lớn của anh Bền phải bỏ học phụ giúp bố mẹ kiếm tiền trả nợ. Vì quá tin tưởng vào hàng xóm nên vợ chồng con trai bà Phơi mới bỏ tiền ra để chơi hụi.

Trưa cùng ngày, chúng tôi tìm đến căn nhà khang trang được cho là của gia đình bà P. (chủ hụi) ở thôn Châu Mai. Tuy nhiên, cánh cửa của ngôi nhà này luôn trong tình trạng đóng kín.

Chờ đợi cơ hội mở cửa, chúng tôi đã đến gần nhưng bà P. phát hiện nên chỉ nói vài câu rồi lại đi vào nhà.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên lãnh đạo xã Liên Châu xác nhận đã nhận được thông tin phản ánh của 5 người dân về sự việc nói trên. Khi công an xã xuống làm việc thì có gần 80 người đã phản ánh. Sau khi làm công tác tư tưởng, tình hình đã dần ổn định. Lãnh đạo xã cũng xác nhận bà P. hiện vẫn đang ở nhà theo như người dân nhìn thấy.

Hiện tại vụ việc đã được báo cáo lên cấp huyện để có hướng xử lý.

Theo tìm hiểu của PV, cách đây khoảng 2 năm người dân địa phương này biết đến bà P. là một đại gia có tiếng chuyên cho vay và làm ăn lớn. Sau khi tìm hiểu, nhiều người đã hùn vốn cho bà P. để hưởng lãi suất cao.

Hiện tại có rất nhiều người đã tham gia vào hội của bà P., người đóng 4 triệu hoặc 5 triệu/tháng, với kỳ hạn 11 tháng sau sẽ được lĩnh. Một số người mới đóng được vài tháng thì vỡ trận, nhưng cũng có những người đóng tiền đều đặn, gần đến kỳ rút thì lại có nguy cơ mất trắng.

Theo Minh Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM