Gửi những bạn trẻ sắp ra trường: Đừng hi vọng 3 năm sau khi tốt nghiệp bạn sẽ trở thành người giàu từ số lương được nhận

20/05/2018 13:31 PM | Sống

Mà hãy hi vọng sau 3 năm bạn sẽ là người có chuyên môn uyên bác từ công việc bạn được làm.

Ngày tốt nghiệp, rời khỏi ghế nhà trường, bắt đầu nộp những lá đơn xin việc đầu tiên, các bạn trẻ chắc ai cũng giống ai. Một tâm trạng háo hức, tò mò xen lẫn khủng hoảng nhẹ. Không rõ từ nay cuộc đời mình sẽ như thế nào? Có giàu có không? Có sung sướng không? Có trở thành sếp không? Có thành giáo sư, tiến sỹ không... Tôi tất nhiên không phải là ngoại lệ!

Hôm qua, ngồi trên xe hơn 200km, mở lại email "yahoo" huyền thoại năm nào, đọc những lá thư đầu tiên bàn tán cùng chúng bạn về việc ứng tuyển vào chỗ này, chỗ kia mà không khỏi bồi hồi. Tôi chợt nhận ra rằng mình khi đó cũng có nhiều ưu điểm nhưng cũng đã mắc nhiều sai lầm không đáng. Mỗi sai lầm đã được trả giá bằng vài ba năm trai trẻ nhưng tôi (và có thể là các bạn) không hề biết.

Những ngày cuối tháng 5 cũng là mùa tan trường. Mùa chia tay nhau đi tìm kiếm những cơ hội mơi. Tôi có 6 lời khuyên từ đúc rút của mình cho những người trẻ đang bắt đầu tìm kiếm cơ hội như tôi 14 năm về trước:

1. Tập làm những việc mà bạn cho rằng dễ, chưa xứng với "vị thế bằng cấp" của mình

Đừng nề hà, đừng cảm thấy khó chịu khi được giao làm những công việc dễ hơn năng lực của bạn. Bạn được tuyển dụng vào làm một kỹ sư phần mềm nhưng chị kế toán nhờ bạn bấm lại dây mạng hay bạn được tuyển dụng làm chuyên viên content marketing nhưng chị lãnh đạo nói bạn đi tổng hợp các website trong ngành ô tô, độ khó không có chỉ tốn nhiều thời gian... 

Đôi khi những công việc như vậy giúp chúng ta rèn luyện tính kiên nhẫn và đôi tay của một người thợ. Sau này, "lỡ" trở thành lãnh đạo bạn sẽ thấy rằng kỹ năng đó là cần thiết.

2. Đặt một mục tiêu ngắn, trung hạn vô cùng nhỏ

Ví dụ được đi máy bay hoặc tự mua được một chiếc máy tính hay được ra nước ngoài. Phần lớn nhiều người trẻ đều nghĩ rằng với mức lương của mình hiện tại thì chắc "ba đời" không mua nổi một ngôi nhà, vậy nên không cần phải tiết kiệm. Điều đó vừa đúng vừa không đúng. 

Đúng ở yếu tố số học. 

Nhưng lại chưa đúng ở điểm bạn chưa biết dùng hàm số mũ và chưa tính được giá trị thặng dư theo năm tháng. 

Mới đi làm tất nhiên không mua được nhà. Nhưng có thể mua được những thứ đơn giản hơn nếu bạn có kế hoạch, dám lập kế hoạch để hướng tới mục tiêu đó. Biết đặt ra những mục tiêu ngắn hạn, hoàn thành nhiều mục tiêu nhỏ thì mục tiêu to sẽ tự hoàn thành. Tôi nhớ rằng mục tiêu nhỏ đầu tiên của mình từ khi bắt đầu kiếm được tiền bằng việc dạy gia sư là có đủ tiền để mua vé máy bay đi Singapore. Trước năm 2004, tôi chưa từng được đi máy bay.

Gửi những bạn trẻ sắp ra trường: Đừng hi vọng 3 năm sau khi tốt nghiệp bạn sẽ trở thành người giàu từ số lương được nhận - Ảnh 1.

3. Bắt đầu tìm bạn đời một cách nghiêm túc

14 năm nhìn lại từ bản thân mình và những người bạn quanh mình mới thấy rằng đôi khi tất cả những nỗ lực, những thành công trong sự nghiệp chỉ một chốc một lát tiêu tan vì những thay đổi liên quan đến người bạn đời. Thời thiếu nữ say mê, thời trai trẻ diệu kì ai mà không có những yêu đương lãng mạn. Điều đó cũng tốt cho cảm xúc, cho kỉ niệm. 

Nhưng người khôn thì nên có những mục tiêu cụ thể hơn, lí trí hơn để sau này không phải kêu ca: "Số tao nó thế, cái duyên cái số nó chụp lấy nhau". Chuyện tình yêu không giống như chuyện cổ tích đâu. Hãy tìm một người thật giàu trí tuệ và khát vọng mà yêu chứ đừng tìm một người giàu... bố mẹ.

4. Làm những công việc mà bạn chưa từng được đào tạo hay hiểu biết

Các bạn nhìn mà xem, rất nhiều người đã thành công với ngành nghề chả liên quan gì đến tấm bằng đại học của mình. Tôi là một người cực kỳ may mắn khi đến tận bây giờ vẫn được làm công việc về IT mà mình được đào tạo. Nhưng phần lớn không được may mắn như thế. Công việc từ những môn "trái ngành" cho bạn sự trải nghiệm phong phú, kinh nghiệm và sự hiểu biết rộng hơn. Những người làm được việc trái nghề cũng là người có khả năng thích ứng, năng lực sinh tồn cao hơn bình thường.

5. Khi đi xin việc, đừng hỏi tôi sẽ được trả bao nhiêu mà hỏi tôi sẽ được làm việc với ai và được làm công việc gì 

Năm 2009, khi mới khởi lập công ty được gần một năm, tôi đã gặp 5 - 6 bạn sinh viên mới ra trường ở Hồ Chí Minh và đề nghị mức lương 900 USD. Ưu điểm duy nhất mà tôi cảm nhận trực tiếp được từ bạn là nói tiếng anh khá lưu loát. Tôi là CEO lúc đó mức lương cũng chỉ có 7 triệu đồng. 

Đề nghị lương cao không sai. Nhưng nó không nên là điều kiện tiên quyết. Những năm đầu, các bạn nên đặt yếu tố học hỏi, tích luỹ kiến thức, cơ hội thăng tiến lên trên hết. Đừng hi vọng rằng sau 3 năm bạn sẽ thành người giàu có từ lương mình nhận được. Mà hãy hi vọng sau 3 năm bạn sẽ là người có chuyên môn uyên bác từ công việc bạn được làm.

Gửi những bạn trẻ sắp ra trường: Đừng hi vọng 3 năm sau khi tốt nghiệp bạn sẽ trở thành người giàu từ số lương được nhận - Ảnh 2.

6. Đọc nhiều, tìm hiểu nhiều về các mô hình kinh tế, xã hội

Đừng dành thời gian đọc những tin tức vô bổ, vừa mất thời gian vừa đem lại năng lượng không tốt. Thay vì đó, hãy cố gắng trở thành một người toàn diện hơn bằng cách đọc, tìm hiểu nhiều thông tin xã hội, các mô hình kinh tế. 

Tại sao New Zealand lại là đất nước số 1 thế giới về nông nghiệp? Tại sao Cu Ba lại mạnh về mía đường và xì gà? Tại sao Bình Thuận lại có thanh long ngon? Tại sao gà ri ở Tản Lĩnh lại là giống ngon nhất? Tại sao Brazil là một cường quốc về bóng đá thế giới? Tại sao Sillicon Valley lại có nhiều startup đình đám và thay đổi thế giới?

Nguyễn Khánh Trình

Cùng chuyên mục
XEM