Grab hậu thâu tóm Uber: Khách hàng bức xúc, tài xế "kể khổ"

25/08/2018 08:30 AM | Kinh doanh

Sau khi thâu tóm Uber, chiếm lĩnh toàn bộ thị trường Đông Nam Á, Grab tham vọng và đã chuẩn bị những bước tiếp theo để trở thành siêu ứng dụng. Thế nhưng, Grab cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó chất lượng dịch vụ đi xuống đã xảy ra ở nhiều quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam.

Trả tiền trước vẫn không được đi xe

Đặt một chuyến GrabCar để đưa con đến trường, nhưng chị H.T (Tây Hồ, Hà Nội), một khách hàng thường xuyên của Grab lại nhận được điện thoại nhờ hủy chuyến của tài xế Grab với lý do đang ở rất xa. Chị H.T bức xúc: “Khi tôi không đồng ý hủy chuyến vì lý do này, tài xế đã để treo cuốc xe. Do đang cần nên tôi buộc lòng phải hủy chuyến để thực hiện gọi một cuốc xe khác. Tuy nhiên phải đến lần thứ 3 tôi mới thực hiện được chuyến đi”.

Cũng ở trong hoàn cảnh đó, chị T.M (Trung Hòa, Hà Nội) đặt một chuyến xe đi ăn trưa cùng bạn bè với giá cuốc xe chưa đến 30.000 đồng. Tài xế nhận cuốc liên tục hủy chuyến khiến chị buộc lòng phải sử dụng phương tiện khác mặc dù ví GrabPay của chị đang rất sẵn tiền.

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp khách lên tiếng phàn nàn về tình trạng hủy chuyến đối với dịch vụ GrabCar đang xảy ra liên tục trong thời gian gần đây.

Ngay trên fanpage chính thức của Grab tại Việt Nam, hàng loạt bình luận của khách hàng nhằm phản hồi về tình trạng huỷ chuyến cũng xuất hiện với tần suất dày đặc. Điểm chung của các phản ánh này là tình trạng hủy chuyến liên tục nhất là đối với các cuốc xe ngắn.

Đáng chú ý, ngoài các tài xế chủ động hủy chuyến thì nhiều tài xế đã liên lạc và yêu cầu khách hàng hủy chuyến để thực hiện cuốc gọi xe khác do tình trạng tắc đường hoặc đang ở quá xa…Nếu khách không đồng ý, tài xế để treo cuốc xe không đến đón dù khách hàng đang rất cần di chuyển.

Tình trạng này diễn liên tục trong thời gian gần đây và đặc biệt ở các cuốc xe ngắn và trong giờ cao điểm khiến cho nhiều khách hàng tỏ ra chán nản bởi không thể đi xe dù tiền đã nạp vào trong ví GrabPay. Không ít khách hàng cho rằng đây chính là hậu quả khi Grab gần như đang "một mình một chợ" kể từ khi Uber chính thức bán lại thị trường và rút khỏi Việt Nam.

Mặc dù đã có một số ứng dụng gọi xe nở rộ sau khi Uber "ra đi" thế nhưng các khách hàng chưa thực sự biết nhiều đến các ứng dụng mới hoặc chưa gọi được xe thường xuyên khi các ứng dụng này mới chỉ đang trong thời gian thu hút tài xế.

Trả lời câu hỏi của ICTnews về tình trạng hủy chuyến liên tục, đại diện Grab Việt Nam cho biết: Grab luôn khuyến khích các đối tác tài xế hoàn tất các chuyến xe đã nhận và chỉ hủy chuyến trong trường hợp khẩn cấp. Trong thời gian vừa qua, khách hàng có thể đã gặp phải tình huống nhận được yêu cầu hủy chuyến từ các tài xế GrabCar. Lúc này, khách hàng nên phản ánh lại với Grab Việt Nam.

Ngoài ra, Grab Việt Nam cho biết thường xuyên thực hiện các chương trình thưởng nhằm mục đích khuyến khích các đối tác tài xế hoạt động hiệu quả hơn. Hiện tại, GrabCar đang có các chương trình thưởng như: "Thưởng giờ cao điểm" để khuyến khích tài xế hoàn thành cuốc xe trong giờ cao điểm để đạt mức thưởng tương ứng; "Thưởng đón khách" để khuyến khích tài xế chấp nhận đón khách ở xa, nhất là trong giờ cao điểm...

Các chương trình này là nỗ lực từ Grab để có khoản tiền thưởng cho những tài xế phải di chuyển xa để đón khách, từ đó khuyến khích tài xế tích cực nhận chuyến hơn và có thêm cơ hội nâng cao thu nhập; đồng thời giúp khách hàng có tỉ lệ đặt xe thành công cao hơn và thời gian đặt xe ngắn hơn, đặc biệt là khi nhu cầu di chuyển tăng cao. Toàn bộ tiền thưởng của các chương trình này đều do Grab chi trả, hoàn toàn không ảnh hưởng đến cước phí của hành khách và cũng không khấu trừ phí sử dụng ứng dụng của đối tác tài xế.

Tài xế Grab "kể khổ"

Số lượng cuốc xe không còn nhiều như trước, chi phí nhiều hơn, các chương trình thưởng ít hơn, thu nhập giảm, áp lực bị khách hàng "chấm sao" và khóa tài khoản đang đè nặng lên vai các tài xế Grab nhất là các những người mua xe trả góp.

Grab đang sở hữu lượng tài xế khổng lồ hoạt động trong mạng lưới của mình tại thị trường Việt Nam.

Cuối 2017, lượng tài xế tham gia taxi công nghệ trên toàn quốc ở vào khoảng 50.000. Con số này tất nhiên không thuộc hết về Grab sau khi Uber rút khỏi Việt Nam, nhưng lượng tài xế hoạt động Grab vẫn chiếm phần đông đảo.

Khi được hỏi về lý do hủy chuyến, theo một số tài xế GrabCar tại Hà Nội, do hiện tại Grab cắt thưởng cuốc ngắn và áp dụng chính sách thưởng cuốc khó hơn nên các tài xế phải lựa chọn chuyến xe mới có thể đảm bảo thu nhập.

Một số trường hợp khác được giải thích là do Grab phát cuốc quá xa (trong khi số tiền cuốc lại ít) đặc biệt trong giờ cao điểm khiến cho tài xế khó mà đón khách hoặc nếu đón thì chi phí cho các cuốc khách này sẽ tăng cao.

Một tài xế lấy ví dụ, nếu một ngày có khoảng 20 cuốc xe giá dưới 30.000 đồng thì tổng số tiền tài xế thu về là chưa đến 600.000 đồng. Nếu trừ đi phí cho hệ thống, xăng xe thì số tiền thu về còn không đáng kể. Đó là chưa kể đến hệ thống phát cho tài xế các cuốc phải đón khách ở xa. Đây là lý do khiến rất nhiều tài xế phải gọi nhờ khách hủy chuyến hoặc tự hủy dù biết rằng sẽ không đạt thưởng.

Theo phản hồi từ các tài xế, hiện Grab liên tục đưa ra các chính sách mới đối với tài xế trong đó có các chương trình thưởng trong khung giờ cao điểm hoặc thưởng đón khách. Thế nhưng các điều kiện nhận thưởng khó thực hiện. Do đó, hiện nay, nhiều tài xế đã không còn chạy theo các chương trình thưởng của Grab nữa mà lựa chọn các cuốc xe để đi.

Theo Duy Vũ

Từ khóa:  grab , uber , tài xế
Cùng chuyên mục
XEM