Google thừa nhận có lỗi thuật toán khiến kết quả tìm kiếm về bầu cử bị sai lệch

17/11/2016 08:17 AM | Xã hội

Sáng sớm thứ hai (14/11), khi người dùng tìm kiếm cụm “final election results” (kết quả bầu cử cuối cùng), bài viết của 70News với kết quả ông Trump giành được nhiều phiếu phổ thông hơn nằm ở vị trí đầu tiên, trong khi kết quả đúng phải là ngược lại.

Mới đây, tập đoàn Facebook nhận được nhiều chỉ trích vì không lọc tin tức giả tràn lan trên Facebook ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trước vấn đề này, Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành của Facebook, đã phủ nhận những chỉ trích này và khẳng định chỉ một lượng nhỏ thông tin sai sự thật được chia sẻ trên Facebook. Tuy nhiên, Zuckerberg cũng công nhận phân biệt tin tức thật-giả là rất “phức tạp”.

Ngay sau vụ việc này, Google cũng gặp phải những rắc rối tương tự. Hãng vướng phải một vụ tranh chấp liên quan tới tin tức giả sau cuộc bầu cử vào tuần trước.

Vào thứ Hai (14/11), Google đã buộc phải thừa nhận lỗi thuật toán khi hiển thị một bài viết trên trang blog 70News ủng hộ phe cánh hữu ở vị trí đầu tiên trên trang tìm kiếm. Bài viết này đã đưa tin không chính xác rằng: ông Donald Trump giành được nhiều phiếu phổ thông hơn bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, trên thực tế, bà Hillary đã vượt ông Donald Trump với 700.000 phiếu phổ thông.

Cụ thể, sáng sớm thứ hai (14/11), khi người dùng tìm kiếm cụm “final election results” (kết quả bầu cử cuối cùng), bài viết của 70News giữ vị trí đầu ngay dưới biểu ngữ “In the news” trong công cụ tìm kiếm của Google. Buổi tối cùng ngày, bài viết này vẫn nằm ở vị trí thứ hai trên trang tìm kiếm, ngay dưới một bài viết của Washington Post đăng tải thông tin hoàn toàn trái ngược.

Ngoài ra, sau đó, tác giả bài viết trên đã đăng tải cập nhật trên trang 70News cho biết thông tin thiếu chính xác trong bài được lấy từ Twitter.

Google cho biết mục tiêu của mình là cung cấp những kết quả tìm kiếm sát và hữu dụng nhất và khẳng định: “Trong trường hợp này, rõ ràng chúng tôi đã không làm được điều này, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục cải thiện thuật toán của mình”.

Thay vì ghi đè lên các thuật toán theo cách thủ công nhằm tránh vướng phải cáo buộc thiên vị, Google nỗ lực áp dụng những kỹ thuật xếp hạng tìm kiếm với mục đích ngăn chặn vấn đề tương tự xảy ra.

Trong trường hợp này, tương tác phức tạp giữa hoạt động tìm kiếm và các phương tiện truyền thông xã hội đã ảnh hưởng mạnh đến xếp hạng tìm kiếm của Google. Cụ thể, hiển thị nội dung nổi bật trên mạng xã hội là một trong 200 tín hiệu được tính đến trong các thuật toán tìm kiếm của Google; và bài viết của 70News có vẻ như đã được lan truyền rộng rãi trên nhiều trang mạng xã hội.

Theo bà Sally Lehrman, giám đốc chương trình đạo đức báo chí tại Đại học Santa Clara tại Thung lũng Silicon, lỗi thuật toán này cho thấy khó khăn mà các nhà phân phối tin tức như Google hay Facebook, cũng như người dùng Internet, gặp phải khi phân biệt tin tức trực tuyến là thật hay giả. Bà cũng cho biết Google đã phản ứng tích cực với những ý tưởng đang được phát triển nhằm giúp các đơn vị cung cấp tin tức gửi tín hiệu, hỗ trợ các thuật toán tìm kiếm nhận biết được các nguồn tin đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, Google cho biết sắp tới sẽ áp dụng một chính sách mới và cập nhật các quy định của mình nhằm ngăn chặn các đơn vị cung cấp tin tức đăng quảng cáo bên cạnh “những nội dung sai sự thật”. Trong tương lai, Google sẽ ngừng đăng quảng cáo từ các trang web “xuyên tạc, trình bày sai hoặc che giấu thông tin về đơn vị cung cấp, nội dung của đơn vị cung cấp hoặc mục đích chính của thuộc tính trang web”.

Mặc dù vẫn thường dựa trên tính tự động hoá thông qua các thuật toán do nhân viên giám sát và phản hồi từ người dùng khi lọc tin tức, nhưng Google hiện vẫn chưa đưa ra bất cứ lý giải nào về cách thực hiện chính sách mới nói trên.

Theo Quỳnh Mai

Cùng chuyên mục
XEM