Gồng mình giữa tâm bão Covid-19, TGĐ Vinatex viết tâm thư đề xuất 3 bài học phải quyết liệt thực hiện và kiến nghị 2 giải pháp hỗ trợ gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

03/04/2020 09:41 AM | Kinh doanh

Mới đây, trước tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng, TGĐ Vinatex Nguyễn Tiến Trường đã có tâm thư chia sẻ với người lao động và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, ông Trường nêu ra các bài học cần quyết liệt thực hiện tại các doanh nghiệp, cũng như kiến nghị đề xuất đối với doanh nghiệp trong giai đoạn này.

3 bài học phải quyết liệt thực hiện

Ông Trường dẫn chứng ngay từ tháng 2/2020 khi dịch Covid-19 chưa lan rộng ở Việt Nam thì theo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đã thống kê có hơn 180.000 doanh nghiệp trên cả nước gặp khó khăn phải giảm quy mô hoạt động, thậm chí là sa thải người lao động. Sang tháng 3/2020, tình hình khó khăn về lao động, sản xuất đã diễn ra trên phạm vi toàn cầu khi các hệ thống bán lẻ đóng cửa và các thành phố lớn bị phong toả. Dự kiến, sau dịch Covid-19 trên thế giới sẽ mất đi khoảng 30 – 40 triệu việc làm.

Ngành Dệt May Việt Nam đang đứng trước một thách thức rất lớn do sử dụng nhiều lao động nên thiếu việc làm là hết sức nghiêm trọng. Thực tế, nếu doanh nghiệp không có việc làm thì sẽ không có tiền để chi trả các chi phí, trong đó lớn nhất là tiền lương. Nếu chỉ trả tiền lương tối thiểu cho người lao động trong 3 tháng thì doanh nghiệp đã không còn một đồng vốn nào. Mấu chốt ở đây là làm sao giữ được dòng tiền trong doanh nghiệp. Chính vì thế, đây là câu hỏi rất lớn đặt ra cho trái tim, khối óc của những người quản lý và tất cả người lao động.

Trong thời điểm khó khăn này, ông Trường chỉ ra 3 bài học phải được kiên định, quyết liệt thực hiện với chất lượng cao nhất tại tất cả các doanh nghiệp:

Thứ nhất là, không ngại khám phá, sáng tạo, đi vào những ngả đường mà chúng ta chưa bao giờ đi. Thực tế, trong 2 tháng vừa qua chúng ta đã tổ chức sản xuất những mặt hàng chưa từng sản xuất như khẩu trang phòng dịch và sắp tới là khẩu trang y tế, bộ quần áo y tế cho bác sỹ, bệnh nhân, bộ quần áo phòng dịch. Đây là những mặt hàng không chỉ phục vụ nhu cầu chống dịch trong xã hội mà còn góp phần giảm bớt khó khăn đối với việc bị hoãn, dừng, hủy đơn hàng kể từ đầu tháng 3 trở lại đây với tất cả doanh nghiệp. Chúng ta triển khai làm việc từ xa, điều không ai nghĩ có thể làm với ngành "con mọn" như dệt may, mở ra khả năng hoạt động với chi phí thấp hơn cho doanh nghiệp.

Thứ 2 là, người lãnh đạo các doanh nghiệp cần tự chấn chỉnh mình, giữ được niềm tin mạnh mẽ, quyết liệt và tin tưởng vào thắng lợi. Ý chí của người đứng đầu sẽ là động lực lan tỏa đến toàn doanh nghiệp. Chỉ có người đứng đầu mạnh mẽ, quyết tâm thì mới có khả năng chèo chống con thuyền doanh nghiệp vượt qua được khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Đây cũng là dịp để phân biệt doanh nghiệp – doanh nhân tầm thường và những doanh nghiệp – doanh nhân có ý trí vươn lên mạnh mẽ.

Thứ 3, đây là lúc mọi ứng xử với nhau phải xuất phát từ cái tâm chân thành. Ngành dệt may có truyền thống nghĩa tình nhưng lúc này là lúc cần phát huy cao hơn nữa tinh thần thuỷ chung, nghĩa tình ấy. Chúng ta biết rằng, nếu cái tâm thật chân thành thì dù hoạt động SXKD có khó khăn đến đâu cũng sẽ ổn định và vượt qua được. Người lao động cũng cần nhìn vào văn hóa của doanh nghiệp và cách ứng xử chân thành của lãnh đạo doanh nghiệp đối với mình để quyết định san sẻ cùng nhau vượt qua khó khăn. Với niềm tin, những người lao động sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp để xây dựng tương lai tươi sáng hơn sau khủng hoảng.

2 kiến nghị, đề xuất gỡ khó

TGĐ Vinatex nhận định, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng chưa bao giờ có về kinh tế khi lần đầu tiên trong lịch sử, cầu thế giới đột ngột dừng lại. Trong hơn 1 tuần nay, không chỉ ngành Dệt May Việt Nam mà ngành Dệt May Ấn Độ, Bangladesh cũng đã lên tiếng về việc bị dừng, hoãn, hủy đơn hàng làm cho người lao động không có việc làm. Theo thống kê của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, ngay trong tháng 4 sẽ có trên 30% lao động của Ngành thực sự thiếu việc làm. Tháng 5,6 tới đây, việc cam kết nhận hàng, tổ chức sản xuất của các khách hàng đều chưa rõ ràng nên có thể số người lao động sẽ gặp khó khăn trong tháng 5 sẽ là trên 50%.

Ông Trường cho biết, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh như dừng đóng bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, công đoàn phí và cho vay để trả lương tối thiểu cho người lao động bị nghỉ việc. Đối với các doanh nghiệp đông lao động như ngành dệt may thì đây là gói hỗ trợ hết sức cấp bách, cần thiết và rất quan trọng vì đây là lúc doanh nghiệp không có nguồn tiền về để thanh toán các khoản chi ở trong nước. 

Tuy nhiên, thực tế thì nếu chưa có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đến cơ sở thì việc tiếp tục thu bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, công đoàn phí vẫn diễn ra ở các địa phương. Các vấn đề về lao động và tiền lương đang rất nóng từng tuần, từng ngày đối với các doanh nghiệp dệt may vì vậy, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần được nhanh chóng đưa vào thực hiện để gỡ khó cho doanh nghiệp. 

Bên cạnh các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ thì ngành Dệt May Việt Nam có 2 đề xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam:

Một là trong điều kiện xuất khẩu khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp trong cộng đồng Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để cùng sử dụng sản phẩm của nhau.

Thứ hai, ngành điện cần xem xét giảm giá cho các doanh nghiệp và cho hoãn các kỳ trả nợ tiền điện dài ra. Hiện nay, ngành điện đang thu tiền điện 3 kỳ 1 tháng thì trong điều kiện hết sức khó khăn nên hoãn 3 tháng thu một lần. Đây chính là sự hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp có thể tồn tại được và sau này tiếp tục là khách hàng của ngành điện Việt Nam.

Gồng mình giữa tâm bão Covid-19, TGĐ Vinatex viết tâm thư đề xuất 3 bài học phải quyết liệt thực hiện và kiến nghị 2 giải pháp hỗ trợ gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam  - Ảnh 1.

PV

Cùng chuyên mục
XEM