Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Tiền sẵn, ngân hàng có dễ giải ngân?

24/02/2023 09:08 AM | Kinh doanh

Như thông tin được chia sẻ tại Hội nghị về thị trường bất động sản tuần trước, sẽ có gói vay lên tới 120.000 tỷ đồng của 4 ngân hàng thương mại (NHTM) dành cho phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH), nhà cho công nhân và người thu nhập thấp. Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, gói tài chính này hiện đã sẵn sàng, điều kiện cũng được các ngân hàng chủ động xây dựng, tuy nhiên, khó nhất vẫn là cần dự án đủ tính pháp lý và điều kiện để giải ngân.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Tiền sẵn, ngân hàng có dễ giải ngân? - Ảnh 1.

Sẵn tiền nhưng ngóng dự án

Theo chia sẻ của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau cuộc họp với Thủ tướng ngày 17/2, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp được 4 ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank thu xếp. Vị này cho biết, gói này sẽ còn tăng khi nhiều ngân hàng khác đăng ký tham gia.

Vị đại diện NHNN cũng khẳng định: gói tín dụng này chắc chắn sẽ có lãi suất ưu đãi cho cả người xây dựng (chủ đầu tư, doanh nghiệp) và người mua nhà vay. “Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản, NHNN sẵn sàng tái cấp vốn để triển khai tiếp”, vị đại diện NHNN khẳng định.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank, cho biết, ngân hàng dự kiến dành 30.000 tỷ đồng cho nhóm đối tượng được nêu trong gói tín dụng mà NHNN công bố. “VietinBank đang xây dựng chính sách và sản phẩm với tinh thần sẽ triển khai nhanh và thực chất”, ông Bình nói.

Đại diện BIDV cho hay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này chắc chắn lãi suất sẽ thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng lãi suất trên thị trường. “Vài ngày tới, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cụ thể về việc BIDV tham gia gói tín dụng này”, đại diện BIDV nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng, gói tín dụng trên là sự chủ động của các ngân hàng thương mại và cũng định hướng rất rõ ràng là sẽ nhằm vào phân khúc thị trường đang khan nguồn cung trong khi nhu cầu lớn là NƠXH. Cụ thể, các chủ đầu tư có dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân và đối tượng thu nhập thấp triển khai và đối tượng đúng sẽ được vay.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, thời điểm này muốn làm NƠXH, nhà ở cho công nhân phải có quỹ đất và quy hoạch đầy đủ hạ tầng. “Chủ đầu tư phải đáp ứng đầy đủ pháp lý. Nếu pháp lý vướng mắc ở đâu có thể tháo gỡ nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật”, ông Hùng nói.

Cần có dự án, gói tín dụng mới khả thi

Việc có gói tín dụng này như đã hứa và các tổ chức tín dụng sẵn sàng vào cuộc cho thấy ngành ngân hàng cũng đã chuẩn bị rất kỹ càng và thực sự là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản trong bối cảnh các phân khúc thương mại, nghỉ dưỡng đang tê liệt. Tuy nhiên, vấn đề lớn cần nhìn nhận ở đây là cả ngành xây dựng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý không dễ gì cho ra đời nhanh được các dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Phát triển nhà ở CBRE, cho rằng để dòng vốn này có thể chảy vào thị trường, cần phải tháo gỡ rốt ráo các vướng mắc pháp lý. Thực tế, để được ngân hàng cho vay, dự án phải có giấy phép xây dựng trong khi đó, một dự án để ra được giấy phép xây dựng phải mất mấy năm mới xong.

“Muốn phát triển nhà ở giá rẻ mà mất 5-10 năm xin giấy phép, giá không còn rẻ nữa. Chúng ta chỉ cần 2-3 tháng là cấp cho họ. Các bộ, ngành và địa phương cần nhanh chóng tháo gỡ pháp lý cho các dự án để đưa sản phẩm ra ngoài thị trường và đủ điều kiện để doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận được vốn từ ngân hàng”, ông Kiệt nói.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không nằm trong chương trình cho vay mua NƠXH, nhà ở cho công nhân mà Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn đang triển khai (lãi suất ưu đãi hàng năm ở mức 4,8-5%).

Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, cho hay, hiện tại dòng sản phẩm cho người thu nhập trung bình khá, mức 30-50 triệu đồng/m2 đang khá hiếm ở Hà Nội và TPHCM. Còn dòng sản phẩm giá 20-30 triệu đồng/m2 ở các thành phố lớn hầu như đã “tuyệt chủng”, phải về tỉnh xa mới có… Do đó, việc cơ cấu lại các sản phẩm cực kỳ quan trọng. Theo ông Quyết, thị trường đã rất khác với trước đây, nguồn cung nhà ở năm 2022-2023 bị giới hạn rất nhiều so với năm 2011-2013 cùng với gói 30.000 tỷ đồng. Thời điểm đó, nguồn cung nhà ở giá bình dân chiếm gần 50%, NƠXH cũng có nguồn cung lớn.

Ông Quyết bày tỏ quan ngại, trong bối cảnh dự án mới không nhiều, dù có gói hỗ trợ cho vay phát triển NƠXH cũng khó tạo được sự đột phá cho thị trường. Ông cho rằng, Nhà nước cần có chính sách để phát triển phân khúc nhà giá trung bình.

Lãnh đạo một tập đoàn bất động sản lớn làm nhiều phân khúc cũng bày tỏ quan điểm rằng, nếu không có dự án, vốn tín dụng nhiều đến đâu cũng không khả thi.

Theo Ngọc Mai

Cùng chuyên mục
XEM