Góc tối ngành công nghiệp từ thiện ở Mỹ: Nhận hàng tỷ USD nhưng chi chưa đến 4% cho người nghèo, 96% còn lại vào túi môi giới, lãnh đạo tổ chức...

27/05/2021 10:16 AM | Xã hội

50 tổ chức từ thiện tệ nhất nước Mỹ đã quyên góp được hơn 1,3 tỷ USD nhưng lại chi tới gần 1 tỷ USD cho các nhà môi giới đã giúp họ kêu gọi ủng hộ tiền.

Theo hãng tin CNN, câu chuyện các tổ chức quyên góp từ thiện lừa đảo niềm tin của người đóng góp nhằm trục lợi cá nhân là điều chẳng có gì mới. Trong một báo cáo điều tra năm 2013, hãng tin đã bình chọn ra 50 tổ chức từ thiện tệ nhất nước Mỹ với những cáo buộc lừa dối người đóng góp.

Cụ thể, 50 tổ chức này chỉ làm từ thiện thực tế 4% số tiền quyên góp được và thậm chí một số tổ chức còn chi ít hơn thế. Ví dụ như một tổ chức từ thiện cho bệnh nhân tiểu đường quyên góp được gần 14 triệu USD trong 10 năm nhưng lại chỉ chi khoảng 10.000 USD cho các bệnh nhân. Có 6/50 tổ chức từ thiện xếp hạng tệ nhất của CNN không hề chi một đồng nào theo những lời mà họ kêu gọi quyên góp.

Điều tra của CNN cho thấy hầu hết 50 tổ chức từ thiện tệ nhất nước Mỹ đều lừa dối những người đóng góp về hướng đi của số tiền, qua đó trả lương hậu hĩnh cho nhân viên và quản lý hay tổ chức những buổi quyên góp xa xỉ mới trong giới nhà giàu.

Góc tối ngành công nghiệp từ thiện ở Mỹ: Nhận hàng tỷ USD nhưng chi chưa đến 4% cho người nghèo, 96% còn lại vào túi môi giới, lãnh đạo tổ chức... - Ảnh 1.

Trong 10 năm trước đó, 50 tổ chức từ thiện tệ nhất nước Mỹ đã quyên góp được hơn 1,3 tỷ USD nhưng lại chi tới gần 1 tỷ USD cho các nhà môi giới đã giúp họ kêu gọi ủng hộ tiền. Số tiền này nếu dùng vào việc từ thiện thay vì trả phí hoa hồng thì sẽ xây được 20.000 ngôi nhà tình nghĩa, mua 7 triệu chiếc xe lăn cho người tàn tật hay thanh toán gần 10 triệu tiền bảo hiểm cho phụ nữ tại Mỹ.

Một tổ chức từ thiện tại Tennessee đứng thứ 12 trong danh sách 50 tổ chức tệ nhất tại Mỹ của CNN đã hoạt động được 30 năm. Trong vòng 10 năm trước đó, tổ chức này đã kêu gọi được gần 30 triệu USD cho hoạt động mà họ quảng cáo là giáo dục trẻ em về phòng chống ma tuý, giữ gìn sức khoẻ và cổ vũ thể thao.

Thế nhưng điều tra của CNN cho thấy 80% số tiền chảy thẳng vào túi của những nhà môi giới kêu gọi ủng hộ đóng góp, số tiền còn lại thì được dùng chi trả cho những hoạt động vui chơi, chèo thuyền của vị chủ tịch tổ chức này.

Trong bản kê khai thuế, tổ chức này tự hào vì chương trình giáo dục trẻ em của họ thu hút tới 1,3 triệu người tham gia. Thế nhưng theo những người quản lý sân khấu nơi thường diễn ra sự kiện của tổ chức này, mỗi tuần chỉ có khoảng 3.600 người đến tham gia.

Thay hình đổi dạng

Tổ chức từ thiện tệ nhất tại Mỹ theo CNN là Kids Wish Network khi họ quyên góp được hàng triệu USD cho chiến dịch giúp đỡ trẻ nhỏ, thế nhưng họ lại chi chưa tới 3% cho nhiệm vụ mà mình quảng cáo. Trong 10 năm trước đó, tổ chức này đã chi tới gần 110 triệu USD cho các nhà môi giới và 4,8 triệu USD chảy vào túi hội đồng sáng lập hoặc những công ty có liên quan về lợi ích.

Góc tối ngành công nghiệp từ thiện ở Mỹ: Nhận hàng tỷ USD nhưng chi chưa đến 4% cho người nghèo, 96% còn lại vào túi môi giới, lãnh đạo tổ chức... - Ảnh 2.

Hãng tin CNN cho biết các cuộc điều tra của tờ Tampa Bay Times và CIR cho thấy ít nhất 6.000 tổ chức từ thiện tại Mỹ chấp nhận thanh toán cho các nhà môi giới để có thể vận động quyên góp, một hình thức chẳng khác gì đi "xin" tiền của giới nhà giàu lẫn doanh nghiệp để đổi lấy tiếng tăm, trong khi số tiền thực sự được làm từ thiện lại chiếm tỷ lệ thấp.

Điều tra của Tampa và CIR cho thấy rất nhiều tổ chức bị chính quyền cảnh cáo hoặc thậm chí là đóng cửa tại một số bang, thế nhưng chủ của các tổ chức này lại chuyển sang địa điểm mới với cái tên mới.

Dẫu biết rằng các tổ chức từ thiện cần ngân sách để hoạt động nhưng các chuyên gia cho rằng họ không nên chi tiêu quá 35% số tiền quyên góp được cho việc này. Nếu không, bản chất của tổ chức từ thiện sẽ thay đổi và niềm tin của người quyên góp sẽ không còn.

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM