Góc kinh tế học: Dân số già hóa có thực sự là gánh nặng cho nền kinh tế?

23/10/2019 14:00 PM | Xã hội

Dân số cao tuổi không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà đây còn là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi, nhiều cơ hội kinh doanh phục vụ nhóm người cao tuổi sẽ xuất hiện.

Tỷ lệ sinh đã giảm đi trong nhiều thập kỷ qua trên quy mô toàn cầu, đồng thời với quá trình này là số lượng người già đang tăng lên tương ứng so với dân số trong độ tuổi lao động tại nhiều quốc gia. Một số nước vốn đang ở thời kỳ dân số vàng như Việt Nam cũng đối diện nguy cơ sớm bước vào thời kỳ già hóa nhanh chóng.

Đã có khá nhiều lập luận cho rằng quá trình này tác động tiêu cực đến tăng trưởng và gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Ở các nước phát triển, phe bảo thủ dựa trên lập luận này để đưa ra khuyến nghị cần có tỷ lệ sinh cao hơn, trong khi đó những người theo phái tự do lại dựa vào đây để đề xuất chính sách nhập cư cởi mở hơn.

Tuy nhiên, dường như giả định già hóa dân số tác động tiêu cực đến tăng trưởng là chưa có cơ sở chắc chắn và đã có nhiều bằng chứng khẳng định rằng quan điểm này không phải lúc nào cũng đúng, do vậy mối quan hệ giữa già hóa và tăng trưởng thực sự là vấn đề không thể kết luận một cách rõ ràng. Hãy xem các lập luận ủng hộ và chống lại quan điểm này!

Trước hết, lập luận khá phổ biến hiện nay cho rằng quan hệ này là đúng và khẳng định dân số già hóa dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Rõ ràng là khi một phần dân số của một nước không làm việc nữa, những người còn lại phải lao động nhiều hơn và thậm chí còn phải làm việc hiệu quả hơn để giữ mức sống của mọi người tăng lên. Nhiều người già hơn cũng có nghĩa là có nhiều tiền tiết kiệm hơn so với các cơ hội đầu tư, tạo áp lực làm lãi suất giảm đi.

 Góc kinh tế học: Dân số già hóa có thực sự là gánh nặng cho nền kinh tế?  - Ảnh 1.

Hai nghiên cứu gần đây ở Mỹ và một nghiên cứu khác ở châu Âu đã tìm thấy mối tương quan thống kê giữa dân số già và suy giảm năng suất. Cụ thể, họ tập trung vào cách một dân số có nhiều người già hơn nói chung cũng là một dân số có nhiều người già hơn trong số những người vẫn còn trong độ tuổi lao động ảnh hưởng đến năng suất. Lý thuyết, có vẻ đủ trực quan, là người lao động lớn tuổi chậm thích nghi với thay đổi hoàn cảnh, công nghệ và mô hình kinh doanh, và do đó kém năng suất hơn.

Tuy nhiên, vào năm 2017, các nhà kinh tế Daron Acemoglu và Pascual Restrepo đã nghiên cứu tốc độ tăng GDP bình quân đầu người trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2015 ở nhiều nước và so sánh với sự thay đổi tỷ lệ người già với số người trong độ tuổi lao động trong cùng thời kỳ đó. Trái ngược với giả định phổ biến nêu trên, về cơ bản nghiên cứu này không tìm thấy mối quan hệ nào như vậy cả.

Một ví dụ về già hóa thường được viện dẫn là Nhật Bản - nơi thực sự chứng kiến ​​tỷ lệ sinh giảm mạnh, tỷ lệ người già tăng cao và tình trạng trì trệ rõ rệt trong nền kinh tế. Nhưng Acemoglu và Restrepo đã so sánh tỷ lệ già hóa dân số của Nhật Bản với tốc độ tăng GDP bình quân đầu người với nhiều nước và cho thấy quan hệ này là không rõ ràng.

Một nghiên cứu gần đây của Úc về tỷ lệ tăng dân số ở nhiều quốc gia cũng cho thấy kết quả khá ngạc nhiên là những quốc gia có tốc độ tăng dân số chậm hơn, bao gồm cả những nước có mức tăng dân số âm đã có tăng trưởng nhanh cả về GDP bình quân đầu người và năng suất lao động.

Tại sao lại như vậy? Trước hết, vai trò đóng góp của người già không chỉ lệ thuộc vào bản thân họ, mà còn phụ thuộc vào nỗ lực và chi phí của người sử dụng lao động để giúp nhân công của họ thích nghi với độ tuổi. Những thập kỷ gần đây đã chứng kiến nhiều quốc gia có nhiều người già thực sự đặt nhiều nỗ lực và nguồn lực hơn vào việc cải thiện năng suất kinh tế trong bối cảnh tự động hóa và công nghệ mới được áp dụng ngày một phổ biến. Nói cách khác, các quốc gia trải qua những thay đổi nhân khẩu học theo xu thế già hóa này đã khá thành công trong việc điều chỉnh sự phù hợp và thích ứng tốt hơn giữa quá trình lão hóa và áp dụng tiến bộ công nghệ.

Thứ hai, lý thuyết cho rằng nhiều người già hơn có nghĩa là tiết kiệm nhiều hơn so với các cơ hội đầu tư và điều này tạo ra một lực hãm đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một nền kinh tế quá nhiều tiết kiệm do nhiều người già và hệ lụy là nền kinh tế ở vào trạng thái trì trệ do lãi suất thấp kéo dài, điều đó không hẳn là do có quá nhiều người già, mà có thể là do kích thích theo kiểu Keynes trong nền kinh tế là chưa đủ.

Tổng cầu bao gồm cả từ người già và trẻ em, ngay cả khi họ không làm việc nữa thì vẫn tham gia tiêu dùng. Dân số cao tuổi không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà đây còn là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi, nhiều cơ hội kinh doanh phục vụ nhóm người cao tuổi sẽ xuất hiện. Thậm chí, ở Trung Quốc thị trường này được coi là rất triển vọng khi tỉ lệ người cao tuổi chi cho các dịch vụ chiếm 165 tỉ USD/năm. Ở nhiều nước, người cao tuổi vẫm tham gia lực lượng lao động (khoảng 46% người cao tuổi Việt Nam vẫn đang làm các công việc được trả lương).

Ngay cả ở Việt Nam, trong thời gian tới có khả năng nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới, già hóa dân số mặc dù được coi là thách thức đối với tích lũy quốc gia, nhưng cũng cần được nhìn nhận trên khía cạnh tích cực.

Vấn đề là cần phải thích ứng với già hóa dân số, có chính sách tiếp cận toàn diện để chủ động chuẩn bị cho giai đoạn dân số già thông qua các chính sách phát triển dịch vụ chăm sóc xã hội, thúc đẩy cơ chế phối hợp công - tư trong cung ứng dịch vụ chăm sóc xã hội, nhất là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, gắn kết giữa chăm sóc y tế tại cộng đồng với dịch vụ chăm sóc xã hội chính thức và phi chính thức.

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt

Cùng chuyên mục
XEM