Giữa bão Covid, các đại gia bán lẻ muốn kết bè vượt sóng, làm cá lớn nuốt cá nhỏ, hay sắm vai ngư ông đắc lợi?

21/07/2021 13:30 PM | Kinh doanh

Báo cáo thị trường quý 2/2021 của Colliers Việt Nam chỉ ra, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng trên thị trường bán lẻ vẫn diễn ra các thương vụ mua bán, chuyển nhượng quy mô lớn, khiến thị trường này biến động trong quý 2. Các doanh nghiệp bán lẻ lớn có nhiều vị thế trong việc lựa chọn hướng đi: muốn kết bè vượt sóng, làm cá lớn nuốt cá nhỏ, hay sắm vai ngư ông đắc lợi giữ cần câu.

Cụ thể, vào tháng 5, E-mart, nhà bán lẻ lớn nhất tại Hàn Quốc, đã bán mảng kinh doanh cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam cho Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) trong nước, đánh dấu việc rút lui khỏi Việt Nam sau bảy năm. Điều này xảy ra ngay sau khoản đầu tư 400 triệu USD từ một tập đoàn do gã khổng lồ Trung Quốc Alibaba và Baring Private Equity Asia vào The CrownX, một công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn Masan, để vận hành chuỗi siêu thị VinMart.

Điều này sẽ cho phép Alibaba và Lazada, được Alibaba mua lại vào năm 2018, tiếp cận mạng lưới phân phối gồm hơn 2.000 cửa hàng mà không cần phải tốn thời gian và tiền bạc để thiết lập mạng lưới phân phối. Thỏa thuận này càng làm nổi bật tác động của thương mại điện tử đối với ngành bán lẻ và được kỳ vọng sẽ giúp Alibaba đẩy nhanh kế hoạch từ trực tuyến đến ngoại tuyến (O2O) tại Việt Nam.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ Nhật Bản đang mở rộng tại Việt Nam, với việc Aeon Mall đã ký biên bản ghi nhớ để phát triển trung tâm thương mại tại Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai và đang lên kế hoạch và nghiên cứu để mở rộng thêm tại tỉnh Bắc Ninh và Thừa Thiên-Huế. Muji và Uniqlo cũng đang tích cực mở rộng và mở thêm nhiều cửa hàng tại Việt Nam.

Mặt khác, các nhà bán lẻ đang tìm hiểu các cơ hội đầu tư để cải thiện trải nghiệm bán lẻ tổng thể và tận dụng các xu hướng bán lẻ đầy hứa hẹn tại Việt Nam. Masan đã mua 20% cổ phần của Phúc Long, và VinCommerce đã ký kết hợp tác chiến lược với Phúc Long để cùng phát triển Ki-ốt Phúc Long tại hơn 2.200 cửa hàng VinMart + trên toàn quốc. Các ki-ốt này góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi mỗi cửa hàng VinMart + thành điểm đến đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của mọi người tiêu dùng. Giá trị thị trường trà và cà phê của Việt Nam ước tính đạt 2,3 tỷ đô la và được ước tính sẽ tăng trưởng hơn 10% mỗi năm, và có nhiều tiềm năng để mở rộng chuỗi cửa hàng trà và cà phê có thương hiệu.

Theo Colliers Việt Nam, các mô hình bán lẻ đang phát triển được cải tiến rõ nét. Quý 2 chứng kiến nhiều thay đổi trong mô hình hoạt động của nhiều nhà bán lẻ. Đáng chú ý nhất là việc PNJ chính thức phân phối các sản phẩm mang thương hiệu Pandora tại các cửa hàng của mình, tạo bước tiến trong chiến lược trở thành cửa hàng đa thương hiệu.

Điều này nâng cao năng lực hợp tác quốc tế, năng lực bán lẻ và hoạt động đa thương hiệu của PNJ, đồng thời giúp thu hút nhiều khách hàng hơn và giảm được chi phí. Bởi sự ảnh hưởng của đại dịch, nhiều chuỗi cửa hàng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và buộc phải xem xét lại các chiến lược của họ.

Báo cáo của đơn vị này cũng chỉ ra tình hình hoạt động của thị trường bán lẻ của các thị trường Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng.

Tại Tp.HCM: Do tình hình dịch bệnh biến đổi phức tạp, nguồn cung mới duy nhất trong quý 2/2021 là Satra Mall (Centre Mall) quận 6 đã không kịp hoàn tất trong quý này, dẫn đến Tp.HCM không ghi nhận bất cứ nguồn cung mới nào trong quý. Tuy nhiên, TP.HCM có thể kỳ vọng sẽ có đến hơn 200.000 m2 trung tâm thương mại trong năm 2021 với điều kiện tất cả các dự án được hoàn thành đúng tiến độ.

Giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại giảm 15% trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ 135 USD/m2/tháng còn 115 USD/m2/tháng, với tỷ lệ trống trung bình khoảng 1,5%. Giá thuê trung bình ở khu vực ngoài CBD có mức giảm sâu hơn, khoảng 30% trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ 35 USD/m2/tháng còn 24,5 USD/m2/ tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 14%.

Tại Hà Nội: Sẽ không có nguồn cung mới được ghi nhận tại Hà Nội trong quý này. Vincom Mega Smart City, một trong những dự án trung tâm thương mại đình đám nhất của Vincom Retail tại Hà Nội được dự kiến sẽ khai trương trong năm nay.

Tương tự như ở Tp.HCM, giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội cũng giảm nhẹ trong giai đoạn diễn ra dịch bệnh. Cụ thể, trong khu vực CBD, giá thuê được ghi nhận giảm 10%, từ 108 USD/m2/tháng còn 98 USD/m2/ tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 11%. Ngoài khu vực CBD, giá thuê giảm 25%, từ 28 USD/m2/tháng còn 21 USD/ m2/tháng với tỷ lệ trống trung bình khoảng 14.5%.

Về phân khúc nhà phố cho thuê, do tiềm lực của khách thuê nhà phố không mạnh như khách thuê tại khu trung tâm thương mại, do đó mức giảm giá thuê mặt bằng nhà phố giảm mạnh hơn so với giá thuê trung tâm thương mại. Tại cả Tp.HCM và Hà Nội, giá thuê mặt bằng nhà phố giảm từ ít nhất 20% đến 50% so với giá trước khi diễn ra dịch bệnh.

Tại Đà Nẵng: Không có nguồn cung mới trong quý 2/ 2021. Nguồn cung bán lẻ trong tương lai chủ yếu nằm ở các dự án khách sạn, dự kiến sẽ hoạt động sớm nhưng đã phải tạm dừng vì đại dịch. Đối với một số khách sạn hiện tại và có kế hoạch, nguồn thu lớn của họ đến từ lĩnh vực bán lẻ với F&B và trung tâm mua sắm.

Theo Colliers Việt Nam, bắt đầu từ tháng 5/2021, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 nổi lên tại Việt Nam, đã khiến cho nhiều thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 và 16. Từ đó, khiến cho thị trường bán lẻ gặp phải khó khăn lớn trong thời gian qua khi các trung tâm thương mại lớn buộc phải đóng cửa và nhà phố chịu sự đìu hiu, vắng vẻ do khách thuê không thể trụ vững trước dịch bệnh.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM